Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN

Áp lực quốc tế lên Miến Điện ngày càng tăng

Kể từ hôm qua, hai cuộc họp về tình hình Miến Điện liên tiếp diễn ra tại Liên Hiệp Quốc. Điều đó cho thấy là áp lực của cộng đồng quốc tế lên chính quyền Miến Điện ngày càng tăng, đặc biệt là trên vấn đề luật bầu cử.

Le Conseil de sécurité de l'ONU a crée la surprise en déposant un projet de résolution visant à sanctionner l'Iran.
Le Conseil de sécurité de l'ONU a crée la surprise en déposant un projet de résolution visant à sanctionner l'Iran. UN Photo / Devra Berkowitz
Quảng cáo

Hôm qua, Nhóm các nước bạn của Miến Điện (gồm Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp, Anh, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Nga, Singapore, Thái Lan, Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam) đã mở cuộc họp không chính thức tại Liên Hiệp Quốc, do Tổng thư ký Ban Ki Moon triệu tập. Cuộc họp này diễn ra tiếp theo sau cuộc họp kín của Hội Đồng Bảo An hôm thứ tư, cũng về tình hình Miến Điện. Hai cuộc họp này cho thấy là áp lực của quốc tế lên Miến Điện ngày càng tăng, đặc biệt là trên vấn đề luật bầu cử.

Nhóm các nước bạn của Miến Điện đã được thành lập vào tháng 12 năm 2007, như là một diễn đàn thảo luận không chính thức để vạch ra một đường lối chung nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực của Liên hiệp quốc thúc đẩy dân chủ và hòa giải dân tộc ở Miến Điện.

Sau cuộc họp hôm qua, Nhóm các nước bạn của Miến Điện một lần nữa đã ra lời kêu gọi chính quyền quân sự nước này trả tự do cho toàn bộ các tù chính trị và bảo đảm cho cuộc tuyển cử năm nay được diễn ra một cách minh bạch và không loại trừ một ai, ''nhằm thúc đẩy ổn định, dân chủ và phát triển cho toàn bộ nhân dân Miến Điện'', theo như tuyên bố của tổng thư ký Ban Ki Moon với báo chí trong sau cuộc họp.

Miến Điện muốn gạt bà Aung San Suu Kyi ra khỏi tiến trình bầu cử

Xin nhắc lại là đầu tháng ba vừa qua, tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miến Điện đã ban hành các luật nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại nước này trong 20 năm qua. Nhưng quốc tế đã chỉ trích nặng nề bởi vì những luật này quy định là các tù nhân không được là đảng viên của một chính đảng. Chiếu theo các luật đó, lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, hiện đang thi hành án quản thúc tại gia, không thể tham gia tranh cử. Một trong số các luật về bầu cử còn buộc đảng đối lập Liên đoàn quốc gia vì dân chủ phải khai trừ bà Aung San Suu Kyi khỏi ban lãnh đạo đảng này, nếu không phải tự giải tán. Để phản đối các luật bầu cử mà bà cho là ''không công bằng'', bà Aung San Suu Kyi đã từ chối đăng ký Liên đoàn quốc gia vì dân chủ vào danh sách tranh cử.

Những luật bầu cử của Miến Điện đã được đem ra thảo luận trong một cuộc họp kín giữa các thành viên Hội Đồng Bảo An Liên hiệp quốc hôm thứ ba. Cuộc họp được triệu tập theo sáng kiến của Anh quốc. Theo lời đại sứ Anh tại Liên hiệp quốc, nhiều thành viên HộI Đồng Bảo An đã bày tỏ mối quan ngại về luật bầu cử ở Miến Điện, bị coi là ''không đáp ứng sự chờ đợi của cộng đồng quốc tế về một tiến trình bầu cử tự do và công bằng''. Đại sứ Anh cũng nhắc lại rằng, Hội đồng Bảo an đã nhiều lần nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc trả tự do cho toàn bộ tù chính trị, kể cả bà Aung San Suu Kyi, mở đối thoại giữa các bên và tạo điều kiện cần thiết cho hòa giải dân tộc.

Tuy nhiên, cho tới nay, Trung Quốc, thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An và đồng minh thân cận của Miến Điện, vẫn bênh vực cho tập đoàn quân sự. Tân đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc hôm thứ vừa qua đã cho rằng bầu cử ở Miến Điện là chuyện nội bộ của nước này, Hội Đồng Bảo An không nên can thiệp vào.

Trong cuộc họp thượng đỉnh hiệp hộI ASEAN vào đầu tháng 4 tới đây tại Hà Nội, Miến Điện sẽ vẫn là một trong những chủ đề thảo luận chính. Ngoại trưởng Philippines Alberto Rumilo vào tuần trước cho biết ông sẽ đề nghị các nước ASEAN nhân hội nghị thượng đỉnh Hà Nội ra lời kêu gọi Miến Điện sửa đổi luật bầu cử. Nhưng khi nào vẫn được Trung Quốc yểm trợ hết mình, chính quyền quân sự Miến Điện sẽ tiếp tục cưỡng lại áp lực của quốc tế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.