Vào nội dung chính
PHỎNG VẤN

Cam Bốt: Các sắc tộc kêu gọi chính phủ không trưng thu đất cho nước ngoài thuê

Các sắc tộc tại Cam Bốt đã gửi đơn kiến nghị chính phủ ngưng việc trưng dụng đất đai của người dân để cho doanh nghiệp thuê. Họ đòi hỏi chính quyền Phnom Penh tôn trọng cam kết không phân biệt chủng tộc.   

Trẻ em người dân tộc Tampuan sinh sống tại tỉnh Ranatakiri, Cam Bốt.
Trẻ em người dân tộc Tampuan sinh sống tại tỉnh Ranatakiri, Cam Bốt. Nguồn: wikipedia.org
Quảng cáo

Trung tuần tháng ba, đại diện của 17 sắc tộc tại Cam Bốt đã gửi đơn kiến nghị chính phủ ngưng việc trưng dụng đất đai của người dân để cho doanh nghiệp trong và ngoài nước thuê. Họ đòi hỏi chính quyền Phnom Penh cần phải tôn trọng các cam kết trong công ước quốc tế bài trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

Từ thủ đô Cam Bốt, thông tin viên Phạm Phan cho biết thêm thông tin:

Đất canh tác của người thiểu số bị chiếm đoạt cho nước ngoài thuê

Gần đây các nhóm sắc tộc sinh sống ở vùng cao - đây là các cộng đồng dân cư bản địa - đã lên tiếng báo động trong và ngoài nước về tình trạng đất canh tác truyền thống của bản làng họ bị xâm phạm. Các cộng đồng này yêu cầu chính quyền trung ương phải đình chỉ ngay hàng trăm hợp đồng nhượng quyền khai thác đất dài hạn tới 99 năm cho những công ty trong và ngoài nước tại các vùng đất đang có tranh chấp quyền sở hữu.

Các đại diện của 17 nhóm sắc tộc bản địa nói chính quyền đã không tham khảo ý kiến các cộng đồng dân cư địa phương hay dành sự đền bù thỏa đáng trước khi chấp thuận trao cho các công ty quyền khai thác như trồng cây cao su, tìm quặng mỏ và xây đập thủy điện.

Các cộng đồng dân bản địa cũng kêu gọi chính quyền phải thực thi bổn phận của họ đối với luật quốc tế và địa phương. Những tiếng kêu cầu cứu này xảy ra khi vừa mới đây một tiểu ban LHQ nghe bản đệ trình các chứng cứ cho thấy chính quyền không thi hành cam kết đối với Công Ước Quốc Tế Về Chấm Dứt Tất Cả Hình Thức Phân Biệt Chủng Tộc.

Bà Ven Samin, một dân làng thuộc sắc tộc bản địa đang sống tại tỉnh Kompong Speu cách Phnom Penh 48 km về hướng Tây Bắc nó,i bà đã yêu cầu chính quyền phải ngưng ngay các hợp đồng nhượng quyền khai thác tại 15 tỉnh và thành phố trên cả nước. Đất của bà hiện nay đang dính vào cuộc tranh chấp với một công ty Trung Quốc. Bà Ven Samin cho biết việc nhà nước tự tiện ký hợp đồng với công ty Trung Quốc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bản làng bà.

Phát triển kinh tế gây tác động không tốt về mặt xã hội

Cam Bốt đang trên đường tìm hướng phát triển nhưng do không có chính sách xã hội thích hợp vì thế đã tạo nên xung đột trong nhiều cộng đồng dân cư ở thành thị, nông thôn và ngay cả tại những vùng xa xôi trên cao nguyên miền Đông Bắc.

Hiện nay nhà nước đang nỗ lực tìm nhiều cách để thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển quốc gia. Từ đó đã ưu tiên dành cho nhiều công ty nước ngoài các hợp đồng khai thác đất với nhiều đặc quyền. Các công ty này bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, và Việt Nam ... Cách đây vài tháng chính quyền Cam Bốt ký một hợp đồng trị giá 5 tỉ Mỹ Kim với Việt Nam để dành cho họ quyền khai thác mỏ bauxite tại tỉnh Moldokiri.

Riêng Hàn Quốc đã đến các tỉnh ở vùng Tây Bắc như Preah Vihear để khai thác khoáng sản, còn Trung Quốc chú ý đến việc khai thác đất nông nghiệp để lập các nông trại rộng lớn chuyên trồng trái cây, hoa màu...

Cam Bốt đang lệ thuộc không ít vào bên ngoài để canh tân đất nước. Bên cạnh đó quốc gia này mở rộng lĩnh vực nông nghiệp, mỏ, năng lượng trong hy vọng tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy xuất cảng, đặc biệt là các mặt hàng như gạo, cao su, và đường.

Tuy nhiên đứng trước tình hình phát triển hiện nay, người bản địa lại lo lắng cho sinh mệnh, truyền thống, tập quán của họ bị hủy hoại. LHQ cũng đã tìm ra mặt trái của các hợp đồng nhượng quyền khai thác đất, đó là tệ tham nhũng, tình trạng đặc quyền đặc lợi, đe dọa dân bản địa nếu họ muốn phản đối việc lấy đất.

Quyền con người bị vi phạm

Chính quyền đã bị các định chế quốc tế có trách nhiệm viện trợ giúp cho đất nước này phát triển, và nhiều tổ chức đấu tranh cho quyền con người lên tiếng phê bình từ lâu, về việc trưng dụng hàng loạt các khu dân cư ở thành phố và nông thôn chỉ để bán đất lấy tiền. Quan điểm của LHQ là phải tìm ra sự quân bình thích hợp, không thể phát triển kinh tế với một cái giá quá đắt là quyền con người bị vi phạm.

Sao Vansey, Giám Đốc Tổ Chức Ủng Hộ Cộng Đồng Dân Cư Bản Địa lên tiếng kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài và các nước cấp viện trợ nên khảo sát các hợp đồng, nhằm bảo đảm công bình và tôn trọng dân cư địa phương.

Các tổ chức dân cư bản địa tại 15 quốc gia ASEAN đã gởi một Thư Ngỏ cho Thủ Tướng Hun Sen, than phiền nhiều hợp đồng nhượng quyền khai thác đất không được dân cư địa phương hài lòng.

Theo một phúc trình của Mạng Lưới Phi Chính Phủ bảo vệ quyền người bản địa đệ trình cho LHQ dẫn chứng: hiện nay chính quyền đã chấp thuận gần 100 hợp đồng về khai thác quặng mỏ trên khắp Cam Bốt, trong đó có nhiều hợp đồng xâm phạm đất của nhiều nhóm sắc tộc.

Một tổ chức phi chính phủ khác của người Cam Bốt mang tên Diễn Đàn Cam Bốt nói, một triệu mẫu đất đang trong tình trạng tranh chấp đang sẵn sàng dành cho nhiều công ty địa phương và ngoại quốc khai thác.

Chhit Sam Ath, giám đốc của nhóm này phát biểu, đất của người bản địa bị các công ty, người quyền thế và các nhà đầu tư cướp lấy. Họ đã vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu đất khiến cho người dân rơi vào cảnh nghèo khó, điều này rất mâu thuẫn với chính sách xóa đói giảm nghèo của quốc gia.

05:37

Thông tín viên Phạm Phan - Cam Bốt

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.