Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Hồ Diệu Bang bất ngờ được "phục hồi danh dự"

Le Monde hôm nay chú ý đến một sự kiện đặc biệt mà tờ báo nêu trong hàng tựa của bài viết trang quốc tế : Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo "khôi phục danh dự’’ của cựu tổng bí thư Hồ Diệu Bang. Sự kiện này khiến cho những người đang ngán ngẩm đời sống chính trị của Trung Quốc, phải ngạc nhiên sửng sốt.

Quảng cáo

Báo Le Monde trích dẫn Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 16 tháng tư đã đăng bài của thủ tướng Trung Quốc ca ngợi công lao của nguyên lãnh đạo đảng Hồ Diệu Bang. Nhân chuyến thăm Quí Châu, khu vực bị nạn hạn hán làm khô kiệt phía nam, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã đưa ra một bài diễn văn đầy xúc cảm ngợi ca lãnh tụ Hồ Diệu Bang, mà ông đã từng được tháp tùng trong một chuyến công tác cũng tại tỉnh này.

Thủ tướng Trung Quốc viết : "Tôi giữ nguyên trong trái tim tôi những lời giảng dạy quý giá của ông. Phong cách và thái độ của ông đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, học tập và đời sống của tôi". Ông nhấn mạnh cựu lãnh đạo của đảng đã vô cùng cố gắng để hiểu được đời sống thực tế của quần chúng nhân dân. Và nhấn mạnh đến tình cảm của ông đối với Hồ Diệu Bang.

Ông Hồ Diệu Bang là một nhân vật bị thất sủng. Ông đã bị lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình buộc phải từ chức Tổng Bí thư đảng Cộng sản vì đã để cho các sinh viên tổ chức biểu tình năm 1986.

Bruno Philip, tác giả bài báo nhắc lại là cái chết của ông Hồ Diệu Bang đầu năm 1989 đã làm chấn động giới trẻ, và trở thành nhân tố kích phát các cuộc biểu tình của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn, trong phong trào "Mùa xuân Bắc Kinh".

Bắc Kinh vẫn không cho tổ chức công khai ngày giỗ của Hồ Diệu Bang 

Ông Hồ Diệu Bang là một nhà cải cách đặc biệt táo bạo, mà kể từ khi ông mất đến nay tại Trung Quốc không có ai sánh được. Ông từng chủ trương kết hợp cải cách kinh tế và chính trị. Tố cáo sự xâm chiếm của người Hán tại khu vực Tây Tạng, ông đề nghị đất Tây Tạng cần được các đảng viên Cộng sản người Tây Tạng quản lý. 

Tại sao ông Ôn Gia Bảo muốn khôi phục hình ảnh Hồ Diệu Bang ? Le Monde đặt câu hỏi cần giải thích như thế nào, điều mà một số chuyên gia gọi là "cơn chấn động" chính trị này. Tờ báo bình luận : vào thời điểm mà bộ máy lãnh đạo hiện nay của đảng Cộng sản Trung Quốc đang thể hiện sự nhút nhát và để lại ấn tượng là họ đang cảnh giác, bắt giam tất cả những người chỉ trích mạnh mẽ chế độ, thật khó mà giải thích được ý định thực sự của hành động phục hồi chính thức hình ảnh của nhân vật quá cố, biểu tượng cho sự mở cửa của chế độ Trung Quốc những năm 1980.

Mối quan hệ giữa nhà cầm quyền hiện nay với hình ảnh ông Hồ Diệu Bang là hết sức phức tạp. Là người bị Đặng Tiểu Bình loại bỏ, nhưng ông cũng là người thầy, thủ trưởng, và người ủng hộ đương kim chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Tuy nhiên, các sinh nhật của nhà cải cách quá cố nói chung đều diễn ra trong im lặng. Tuần trước, nhà ly khai Kỳ Chí Dũng (Qi Zhiyong) đã bị chính quyền quản chế tại gia để ngăn không cho ông tổ chức công khai ngày giỗ Hồ Diệu Bang.

Trên thực tế, không có gì cho phép giải thích thông điệp phục hồi Hồ Diệu Bang của thủ tướng Trung Quốc như là một dấu hiệu của quá trình dân chủ hóa chế độ. Để kết luận, bài báo đưa ra hai câu hỏi. Phải chăng, trước khi từ giã chính trường năm 2012, thủ tướng Ôn Gia Bảo muốn để lại dấu ấn của mình với tư cách là một nhân vật thuộc phái cải cách ? Và phải chăng bài viết của ông Ôn Gia Bảo thể hiện những cuộc đấu tranh phe phái trong đảng Cộng sản Trung Quốc trong quá trình chuẩn bị cho đại hội sắp tới của đảng ?

Trung Quốc : kiểm soát chặt hơn việc cho vay tiền mua nhà

 Về kinh tế Trung Quốc tờ Les Echos có bài « Bắc Kinh khó lòng chữa khỏi ‘‘cơn điên’’ bất động sản tại Trung Quốc ». Theo Les Echos, các nhà đầu tư Trung Quốc trong lĩnh vực nhà cửa đã phản đối các biện pháp nhà nước mới đưa ra để kiểm soát việc cho vay tiền mua nhà tại nước này. Đại công ty bất động sản Vanke cho biết đã mất 8% chứng khoán tại Thẩm Khuyến, trong khi Gemdale bị mất 8,5% trên sàn chứng khoán Thượng Hải.

Quyết định này của Bắc Kinh được đưa ra, sau khi một thống kê cho thấy giá nhà tại các thành phố lớn tăng lên 11,7% trong vòng một năm. Giá nhà, trên thực tế, còn tăng cao hơn nhiều, do các mua bán thường được những người bán công bố với giá thấp hơn thực tế để trốn thuế. Việc giá nhà tăng khiến các gia đình có thu nhập trung bình bất mãn vì họ ngày càng khó mua được nhà.

Xin nhắc lại là các biện pháp chính quyền Trung Quốc mới đưa ra tuần trước, đó là : các ngân hàng có thể từ chối không cho vay tiền những người nào muốn mua một căn hộ thứ hai với số tiền đóng góp 50%, và tại một số thành phố, có thể từ chối không cho những người nào muốn mua một chỗ ở thứ ba. Ngân hàng cũng có thể từ chối không cho vay những người nào chưa chứng minh được là họ đã sống và đóng thuế một năm tại thành phố nơi họ muốn mua nhà. 

Theo Les Echos, các nhà quan sát nghi ngờ hiệu quả của các biện pháp xiết chặt này và cho rằng các ngân hàng, được hưởng lợi từ các giao dịch bất động sản, sẽ không ngần ngại cho các thanh niên trên 18 tuổi, thuộc các gia đình vốn đã sở hữu nhiều nhà, vay tiền. Mặt khác, các thanh toán trong lĩnh vực này thường được thực hiện bằng tiền mặt.

 Cần tác động đến tâm lý người mua nhà thông qua việc tăng thuế trực thu

Trên Le Monde, với tựa đề "Trung Quốc cần phải tấn công mạnh hơn vào bong bóng bất động sản", bài dịch từ Reuters Breakingviews đi sâu về nguồn gốc của sự hình thành bong bóng bất động sản tại Trung Quốc. Bài viết ủng hộ quyết định của Chính phủ Trung Quốc mới đây trong nỗ lực đưa giá bất động sản đi xuống, nhưng cho rằng các biện pháp này chỉ mới nhằm xử lý hai trong số ba nguyên nhân chính của hiện tượng này : việc quá thừa vốn và việc không có đủ hàng cung cấp. Sự kém cỏi của các số liệu thống kê khiến không ai có thể biết được giá bất động sản tại Trung Quốc đang diễn biến như thế nào.

Bài viết mô tả hai nét nổi bật trong tâm lý của những người mua nhà, là nguyên nhân sâu xa của việc giá cả tăng vọt. Thứ nhất, họ rất vội vã vì họ sợ rằng số tiền mặt vô cùng lớn được đưa vào thị trường tài chính sẽ gây ra lạm phát, vì thế họ không thể bỏ lỡ dịp để mua nhà. Thứ hai, họ tin tưởng hoàn toàn vào việc đầu tư bất động sản là động lực mạnh nhất cho sự tăng trưởng, và chính phủ sẽ không bao giờ dám giết chết con gà đẻ trứng vàng này. 

Bài báo kết luận, như vậy, cách tốt nhất để chính phủ Trung Quốc xì quả bóng đầu cơ của thị trường địa ốc, là chứng minh cho những người mua nhà thấy là họ đã lầm, bằng cách đánh thuế trực tiếp đủ mạnh. Điều này sẽ khiến cho giá nhà giảm xuống và đưa ra một thông điệp rõ ràng về xu thế của lạm phát.

Tranh luận xung quanh việc cho mở lại các sân bay Châu Âu

Hầu hết các tờ báo chính của nước Pháp hôm nay, đều dành trang nhất để nói về chủ đề đang gây tranh luận : các sân bay châu Âu bị đóng cửa hoặc hạn chế sử dụng. Về chuyện này, các quan điểm chia thành hai luồng. Một bên chỉ trích phản ứng chậm trễ của các chính phủ châu Âu trong việc cho mở lại các sân bay ở châu Âu, trong bối cảnh mây tro núi lửa Iceland đã không còn dày đặc và một số hãng hàng không đã thực hiện một số chuyến bay thử. Bên kia biện minh cho phản ứng của các chính phủ châu Âu. 

Libération chạy tít « Nguyên tắc thận trọng. Một đám mây khiến châu Âu chia rẽ ». Toàn bộ phần sự kiện gồm 6 trang đầu tờ báo tiếp tục dành cho những hệ quả của núi lửa Iceland đối với giao thông hàng không châu Âu. Dưới tựa đề « Các chuyến bay của châu Âu đang dần dần hoạt động trở lại một cách dè dặt » Libération đặt câu hỏi, phải chăng châu Âu cần áp dụng « mô hình Mỹ », dành cho công ty hàng không quyền quyết định mở lại các chuyến bay ? 

Vài tháng sau cuộc tranh luận về sự thận trọng thái quá trong việc đối phó với virus H1N1, cuộc tranh luận về mức độ thận trọng cần phải có trước một hiểm họa thiên nhiên lớn, sôi sục trở lại. 

Hàng triệu khách bay hiện nay đang bị kẹt ở khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều người phàn nàn là các chính phủ châu Âu đã thận trọng quá mức trước những nguy cơ của đám mây bụi đến từ Iceland. La Croix dẫn ý kiến của ông Bernad Pédamon, người quản lý hãng hàng không Air France-KLM, thành viên Nghiệp đoàn Quốc gia phi công (SNPL) cho biết đây là lần đầu tiên người ta đã buộc máy bay không được cất cánh vào lúc trời quang đãng. Cá nhân ông Pédamon nói, đã từng bay qua các vùng có núi lửa, mà không hề có vấn đề gì.

Cũng trên La Croix có bài mô tả lệnh cấm bay tại châu Âu đã được từng quốc gia thực hiện, phối hợp với Eurocontrol (Trung tâm an toàn không lưu của châu Âu). La Croix dẫn lời ông Francis Gainche, một người phụ trách tại Eurocontrol, cho biết tổ chức này, bao gồm 38 nước thành viên, có trụ sở tại Bruxelles, với 2.700 nhân viên, bình thường quản lý 30.000 chuyến bay trong một ngày. Chính Eurocontrol, hôm qua, đã đưa ra hướng dẫn mở cửa từ từ các sân bay. 

Le Monde điểm lại việc dưới sức ép của các hãng hàng không, bộ trưởng giao thông các nước châu Âu đã họp phiên đặc biệt qua video. Việc mở lại các sân bay diễn ra một phần phụ thuộc vào diễn biến của mây tro núi lửa. Tại Ý, có quyết định đưa ra mở cửa các sân bay phía bắc, tuy nhiên, vài tiếng sau quyết định này đã bị hủy bỏ. Theo Le Monde, các chuyên gia đều công nhận, khó mà đo lường được những hiểm họa do tro bụi núi lửa gây ra.

Theo chuyên gia Emmanuel Bocrie, thuộc Dự báo khí tượng Pháp, các vệ tinh cung cấp những hình ảnh rất chính xác về các đám mây núi lửa tại gần nơi phun ở Iceland. Các hình ảnh cho thấy đám mây bay về phía bắc. Tuy nhiên, sau đó, mây tro trộn lẫn với các đám mây khác và trở nên khó định vị ». Cứ sáu giờ một lần dự báo khí tượng lại đưa ra thông tin mới về lộ trình của đám mây tro núi lửa. Tuy nhiên, dự báo khí tượng lại không có các phương tiện quan sát trực tiếp được các hạt bụi siêu nhỏ trong mây tro, là yếu tố có thể làm ngừng động cơ máy bay. 

Bài học về thời gian rút ra từ vụ núi lửa

Trong khi chờ đợi tình hình được cải thiện, với tựa "Nhiều bài học rút ra từ một vụ núi lửa phun", bài xã luận trên Le Monde bình luận : vụ núi lửa phun từ Iceland và sự rối loạn của ngành hàng không khiến chúng ta có dịp từ từ xem xét lại các quan niệm của chúng ta về thời gian. Không chỉ là việc rất nhiều máy bay trên khắp thế giới bị cột lại trên mặt đất, mà, trên thực tế, chính là thời gian, bị ngưng lại đột ngột, buộc chúng ta phải suy nghĩ về chính mình.

Từ năm ngày nay, hoạt động của một phần nhân loại đã bị ngưng lại chỉ vì một ngọn núi lửa. Đây cũng là dịp, để chúng ta cảm nhận rõ hơn về vị trí của xã hội con người trên hành tinh này, về hiệu ứng « cánh bướm » đập bên kia đại dương, có thể gây nên trận bão tố bên này, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Một bài học khác. Trong thế giới hiện nay với tốc độ được tính bằng giây, mọi thứ đang chuyển động ngày càng nhanh hơn, thông tin, cuộc sống nghề nghiệp, giải trí, văn hóa. Gần như ít ai còn ý niệm chủ động với thời gian, quan hệ của bản thân từng người với thời gian, để sống với « thế giới nội tâm » của chính mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.