Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Kyrgyzstan thay đổi chính quyền: Nga vui mừng

Đăng ngày:

Liệu Nga có đứng đằng sau vụ lật đổ tổng thống Bakiev ở Kyrgyzstan hay không ? Chưa có những bằng chứng rõ ràng. Tuy nhiên, điều chắc chắc là Matxcơva chỉ có thể vui mừng, và nếu như không nhúng tay, thì cũng không ngăn cản việc này.  

Tổng thống Kyrgyzstan bị lật đổ Kourmanbek Bakiev tại Minsk, Belarus, ngày 21/04/2010
Tổng thống Kyrgyzstan bị lật đổ Kourmanbek Bakiev tại Minsk, Belarus, ngày 21/04/2010 REUTERS/Vasily Fedosenko
Quảng cáo

Mỗi lần có những thay đổi chính trị quan trọng tại các nước thuộc Liên Xô cũ ở vùng Trung Á, gần như là một phản xạ, giới phân tích nêu ra những nghi vấn về vai trò của Nga. Chính biến tại Kyrgyzstan hồi đầu tháng tư năm nay không là ngoại lệ.

Ngày mồng 7 tháng tư, hàng ngàn người thuộc phe đối lập đã chiếm lĩnh nhiều công sở ở thủ đô Bichkek. Xung đột với lực lượng an ninh làm hơn 8 chục người thiệt mạng. Tổng thống Kourmanbek Bakiev bỏ chạy về miền nam Kyrgyzstan. Phe đối lập tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời.

Liên bang Nga tỏ ra vui mừng trước sự thay đổi tại Kyrgyzstan nhưng không có gì rõ ràng cho thấy là Matxcơva dính líu trực tiếp hay gián tiếp đến những cuộc biểu tình của phe đối lập dẫn đến việc lật đổ tổng thống Bakiev.
Ngày mồng 9 tháng tư, ông Omurbek Tekebakyev, nguyên chủ tịch Quốc Hội Kyrgyzstan nói với Reuters rằng Nga có đóng vai trò trong sự thay đổi chính trị tại nước này.

Mặt khác, phía Nga lại có những cử chỉ càng gây nghi ngờ. Thủ tướng Vladimir Poutine là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện thoại cho bà Roza Otounbaieva, lãnh đạo chính phủ lâm thời Kyrgyzstan, công nhận chính phủ này. Mặc dù, ông Poutine tuyên bố Nga không dính líu gì đến các sự kiện tại Kyrgyzstan nhưng ông cũng không giấu diếm sự lựa chọn của Matxcơva : « Do mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta, Nga đã thường xuyên cung cấp viện trợ nhân đạo cần thiết cho nhân dân Kyrgyzstan và luôn sẵn sàng làm việc này ». Ngay sau đó, Nga cấp 50 triệu đô la cho Kyrgyzstan.

Cộng hòa Kyrgyzstan là một nước nhỏ, không giầu tài nguyên. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, do vị trí địa lý, cận kề các nước sản xuất dầu lửa ở Trung Á, gần Afghanistan, tiếp giáp với Trung Quốc, Kyrgyzstan trở thành một quốc gia tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Về quan hệ đặc biệt giữa Nga và Kyrgyzstan, thông tín viên Hoàng Dung từ Matxcơva phân tích:

« Kyrgyzstan là một trong 16 nước Cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Đó là một nước không lớn, dân số chưa đầy 6 triệu, một quốc gia Trung Á không lớn. Về mặt đối ngoại, Kyrgyzstan không có tiếng nói quan trọng như Kazakhstan đối với nước Nga. Thế nhưng, Nga vẫn mong muốn bao bọc xung quanh là những nước thuộc Liên Xô trước đây, để tạo thành vành đai các nước thân thiện, mở rộng ảnh hưởng, có tiếng nói chung trên chính trường quốc tế. Do vậy, cùng với các nước Cộng hòa khác tại Trung Á, Nga có chính sách nhân nhượng và hỗ trợ cho các nước Cộng hòa này, trong đó có Kyrgyzstan.

Năm ngoái, khi có khủng hoảng về kinh tế, tổng thống Kyrgyzstan đã đến Nga và vay được 300 triệu đô la để đưa nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng. Matxcơva hy vọng khi cho vay số tiền đó, thì Bichkek sẽ lấy lại sân bay cho Mỹ thuê và sẽ có một chính sách thân thiện hơn với Nga. Tuy nhiên, tiền thì Nga đã đưa nhưng sân bay Manas thì Kyrgyzstan vẫn chưa lấy lại. Đồng thời, chính sách của Kyrgyzstan đối với Nga vẫn « lơ lửng », chỉ hứa hẹn nhưng không thực hiện được gì nhiều. Nga cũng hơi thất vọng đối với ông Bakiev.

Tuy vậy, cho đến trước khi có thay đổi chính phủ, Nga vẫn có sự nhún nhường, nhân nhượng đối với Kyrgyzstan, chứ không có thái độ chống đối hay chính sách nào để ra rời nước Cộng hòa này. Rất nhiều công dân Kyrgyzstan đang làm việc và sinh sống tại Nga, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước nhỏ bé, ít dân này. Khác với người Gruzia, công dân Kyrgyzstan đến Nga dễ dàng, thậm chí nhập quốc tịch Nga cũng dễ dàng do chính sách ưu đãi. »

Lên cầm quyền sau các vụ biểu tình năm 2005 được gọi là « Cách mạng Tuy-líp », trong tinh thần chống tham nhũng, toàn trị, ông Kourmanbek Bakiev đã dần dần theo vết xe cũ.

Ông René Cagnat, chuyên gia về Kyrgyzstan, nguyên là giáo sư thuộc đại học Bichkek cho biết:

« Sự thay đổi của ông Bakiev kể từ khi lên cầm quyền là do tác động của những người thân ở xung quanh ông ta. Lúc đầu, đó là một con người giản dị. Một doanh nghiệp làm ăn tại miền nam Kyrgyzstan. Một người Kyrgyzstan miền nam. Ông đã khẳng định được quyền lực của mình ở thủ đô Bichkek. Ban đầu, mọi việc đều trôi chảy. Thế nhưng, ngay sau đó, ông đã gạt bỏ những người có thể là có ích đối với ông ta, như tướng Koulov, người đã từng làm thủ tướng. Hay ông Atambaiev, cũng nguyên là thủ tướng.

Cuối cùng, ông ta ngày càng cô độc và chỉ có những người trong gia đình. Đó là những người đã đưa ông ta lên nắm quyền. Do vậy, ông ta ngày càng đi chệnh khỏi ý tưởng của cuộc cách mạng Tuy-líp, rồi hình như ông ta còn ra lệnh giết hại các nhà báo. Tất cả những điều này làm cho phe đối lập bất bình. Đối với một vị tổng thống được coi là xuất thân từ nhân dân, thì những sai lệch này đáng bị lên án. »

Theo tạp chí Time, trong thời gian qua, quan hệ giữa điện Kremlin và chính phủ của ông Bakiev đã xấu đi một cách nhanh chóng, một phần do người con trai của ông ta, Maxim Bakiev. Đây là một nhân vật đầy thế lực và là người đã đàm phán về việc mở căn cứ quân sự Mỹ ở Manas, ngoại ô Bichkek.

Phe đối lập đã tố cáo chính phủ Bakiev có thái độ ngày càng chống Nga. Các web sites bằng tiếng Nga tại Kyrgyzstan bị đóng cửa. Hồi tháng ba năm nay, sứ quán Nga ở Bichkek đã chính thức bày tỏ quan ngại về tình trạng bài Nga. Các doanh nhân Nga tại Kyrgyzstan phàn nàn về tệ phân biệt đối xử của chính quyền. Thêm vào đó, là việc ông Bakiev thất hứa với Matxcơva trong việc cho đóng cửa căn cứ Manas, sau khi đã nhận viện trợ của Nga.

Thông tin viên Hoàng Dung điểm lại tình hình:

« Về mặt chính sách giữa hai quốc gia, thì khó có thể nói là Nga không hài lòng về ông Bakiev. Bởi vì cho đến nay, ông Bakiev không có một thái độ nào chống lại Nga. Chỉ có một vài biểu hiện cho thấy Matxcơva không hài lòng với Bakiev lắm.

Thứ nhất là việc ông hứa vay được 300 triệu đô là thì sẽ lấy lại căn cứ Manas. Thứ hai là ông Bakiev quản lý một công ty sản xuất vàng rất lớn tại Nga và có một mạng bán vàng ở khắp các thành phố lớn của Nga. Trong những năm qua, mạng lưới bán vàng này do gia đình tổng thống Bakiev kiểm soát phát triển mạnh, rất nổi tiếng.

Thế nhưng, đầu năm nay, công ty bán vàng này đã bị cảnh sát thuế vụ và an ninh của Nga kiểm tra. Họ phát hiện ra là công ty bán rất nhiều vàng mà không nộp thuế. Mạng lưới bán vàng đã bị đóng cửa. Đó là những dấu hiệu cho thấy Nga không hài lòng với ông Bakiev. Nhưng về đường lối đối ngoại giữa hai nước, thì Matxcơva không tỏ dấu hiệu không hài lòng đối với các chính sách của Bakiev đối với Nga ».

Khẩu hiệu chính của phe đối lập biểu tình là phản đối chính quyền Bakiev ngày càng thân thiện với Mỹ, hy sinh các quan hệ truyền thống với Nga. Bà Roza Otounbaieva, hiện là lãnh đạo chính phủ lâm thời Kyrgyzstan, là người đi đầu trong sáng kiến này.

Hồi tháng hai, khi còn là thủ lĩnh dân biểu đối lập tại Quốc Hội Kyrgyzstan, bà đã chỉ trích chính phủ của ông Bakiev không củng cố quan hệ với Nga, đối tác và đồng mình chiến lược của Kyrgyzstan.

Về phần mình, tổng thống bị lật đổ Bakiev nói là ông không muốn tin rằng có sự can thiệp của Nga, nhưng ông lại khẳng định là có sự can thiệp của nước ngoài, khi nhìn vào quy mô, cách thức biểu tình của phe đối lập.

Trong khi đó, chuyên gia Cagnat cho rằng, do các liên hệ truyền thống, Nga buộc phải có vai trò tại Kyrgyzstan.

« Cho dù không muốn, Nga vẫn có vai trò đặc biệt tại Kyrgyzstan. Họ bắt buộc phải đảm đương vai trò này, bởi vì có một thiểu số người Nga sống tại nước này, chiếm khoảng 8 – 9% dân số. Mặt khác, Nga còn kiểm soát nhiều phương tiện truyền thông.

Thực ra, Kyrgyzstan không chống đối gì Nga cả, thậm chí còn có thói quen trông cậy vào Matxcơva. Điều này củng cố thêm mối quan hệ với Nga. Ví dụ khi một quan chức Kyrgyzstan có vấn đề gì thì ông ta gọi điện thoại cho đồng nghiệp Nga và mọi việc được giải quyết tốt đẹp. Như vậy, cho không muốn can thiệp, Nga cũng phải làm việc này trên thực tế do những mối liên hệ giữa hai nước. »

Theo giới phân tích, cho dù Nga có can thiệp hay không, thì sự sụp đổ của chính quyền Bakiev là do nhiều yếu tố nội tại.

Thông tín viên Hoàng Dung cho biết:

« Đọc báo chí của Nga cũng như của Kyrgyzstan, thì cho đến nay, chưa có thông tin nào chứng tỏ Nga đứng đằng sau vụ lật đổ Bakiev. Kyrgyzstan là một nước rất nhỏ nhưng lại phân chia ra thành hai phe Nam-Bắc rất rõ rệt. Những người miền nam không ưa những người miền bắc và ngược lại. Ông Bakiev là người miền nam, do vậy các nhóm dân miền bắc không ưa ông.

Sau khi lật đổ chính phủ trước đây, vào năm 2005, ông Bakiev đã cho toàn bộ các nhân viên cũ nghỉ việc, không được tham gia vào chính phủ mới. Do vậy, những người này tạo thành một phe đối lập khá mạnh toàn là người miền bắc, các dòng tộc giầu có và có học của Kyrgyzstan. Có thể nói, trong thời kỳ ông Bakiev làm tổng thống, phe đối lập rất mạnh.

Thêm vào đó, kinh tế của nước Cộng hòa này không được phát triển. Cuộc khủng hoảng 2008-2009 càng làm cho đất nước này điêu đứng hơn. Lòng dân bất ổn. Các vụ lộn xộn vừa qua là do sự bất bình nằm ẩn sâu trong dân chúng trong suốt những năm qua. Lửa đổ thêm dầu. Các vụ đàn áp mạnh tay nhắm vào người biểu tình đã dẫn đến các vụ xung đột và tình trạng hiện nay ở Kyrgyzstan. Nga, Mỹ và Kazakhstan chỉ đứng ra dàn xếp để Bakiev rút khỏi chính trường, tránh được một cuộc nội chiến đẫm máu như trước đây đã từng xẩy ra.

Tổng thống Medvedev cũng tuyên bố là chỉ công nhận chính quyền lâm thời ở Kyrgyzstan trong một thời gian ngắn, để họ có thể chuẩn bị bầu cử. Bởi vì một chính phủ chỉ được công nhận khi do người dân nhất trí bầu lên một cách hợp pháp, chứ không phải bằng con đường bạo động hay biểu tình như vừa rồi.

Thực sự, Nga cũng mong đợi tình hình chính trị tại Kyrgyzstan ổn định và có được một chính phủ có thể kiểm soát được tình hình chung của nước Cộng hòa này. Nếu như Kyrgyzstan không có ổn định và kiểm soát được tình hình một cách yên ổn, thì đây sẽ là một quả bom trong khu vực Trung Á, gây nên bất ổn cho các nước láng giềng. Đây cũng là mối lo lớn đối với các nước láng giềng và cả nước Nga. »

Kyrgyzstan là quốc gia duy nhất trên thế giới có cả căn cứ quân sự Nga và Mỹ. Việc tranh giành ảnh hưởng giữa hai nước tại Kyrgyzstan là điều tất yếu. Do quan hệ truyền thống, Nga có lợi thế hơn so với Mỹ trong cuộc cạnh tranh này, nhất là phe đối lập lại có thái độ thân thiện với Matxcơva. Tổng thống Dmitri Medvedev hoàn toàn yên tâm khi ông tuyên bố rằng quan hệ đối tác phải chờ đến khi có một nhà nước hồi sinh tại Kyrgyzstan.

Do vậy, theo giới quan sát, Matxcơva chỉ có thể vui mừng trước sự tháo chạy của tổng thống Bakiev và nếu như không nhúng tay vào việc lật đổ chính quyền Kyrgyzstan thì chắc chắn là Nga cũng không ngăn cản việc này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.