Vào nội dung chính
THÁI LAN

Vai trò của các tướng lãnh Thái Lan trong việc giải quyết khủng hoảng

Tại Thái Lan, mọi người đều hướng nhìn về phía quân đội, trong khi cuộc khủng hoảng ngày càng thêm căng thẳng. Đó là tựa đề một bài báo chiếm hẳn một trang hôm nay trên Le Monde của đặc phái viên tờ báo tại Bangkok.

Tướng Anupong Paochinda và cựu thủ tướng Somchai Wongsawat (Reuters)
Tướng Anupong Paochinda và cựu thủ tướng Somchai Wongsawat (Reuters)
Quảng cáo

Bài báo nhận xét, trong khi chưa có được một thỏa hiệp giữa chính phủ và phe phản kháng, mối đe dọa về một cuộc nội chiến giữa hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng luôn ám ảnh trong những bài xã luận trên báo chí và trong các cuộc đối thoại, thì mọi người đều trông cậy vào quân đội. Người Thái cho rằng một lối thoát cho cuộc khủng hoảng tùy thuộc rất nhiều vào thái độ của quân đội Thái Lan, và cụ thể là tướng Anupong Paojinda, tổng tham mưu trưởng quân đội. Không ít người tin tưởng rằng tướng Anupong nắm trong tay mọi quyền lực, trong một đất nước mà quân đội đã từng làm đổ nhiều chính phủ bằng các vụ đảo chánh. Nhưng một số người khác lại cho rằng, vai trò của ông khá hạn chế.

Hôm thứ sáu tuần trước, tướng Anupong đã tuyên bố trên truyền hình, khi xuất hiện cùng lúc với thủ tướng Abhisit, là : « Sử dụng vũ lực không chấm dứt được các vấn đề hiện nay. Việc của quân đội lúc này là chăm lo cho dân, và không cho phép người Thái tấn công lẫn nhau ». Như thế có nghĩa, tướng Anupong sẽ không ra lệnh cho quân đội tấn công vào phe Áo Đỏ, đồng thời cũng không cho phép hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng biến Bangkok thành bãi chiến trường. Trước đó một hôm, khi trả lời hãng thông tấn Pháp AFP, ông cũng đã cho biết đối với ông « Những người biểu tình không phải là các tên tội phạm. Họ đều là người Thái, và họ có quyền suy nghĩ khác với chúng tôi ».

Tướng Anupong : "Vai trò của quân đội không phải là sát hại dân Thái"

Sau khi phe Áo Đỏ tiến vào Bangkok ngày 14/3, tướng Anupong đã kêu gọi « một thỏa ước chính trị » nhưng không có kết quả. Chính phủ chấp nhận tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn một năm, nhưng phe Áo Đỏ đòi thủ tướng Abhisit phải rời chức vụ ngay lập tức và giải tán quốc hội. Mới đây phe biểu tình đề nghị bầu cử trong ba tháng tới, nhưng ông Abhisit bác bỏ. Tuy nhiên chính phủ đang chịu áp lực rất lớn của phe Áo Vàng, họ đe dọa sẽ tấn công phe Áo Đỏ nếu quân đội không can thiệp.

Một quan sát viên phương Tây nhận xét : « Lập trường kiên định của tướng Anupong là : Các vấn đề chính trị phải được giải quyết bằng chính trị, vai trò của quân đội không phải để giết dân Thái. Thái độ này thật là may mắn cho đất nước, nhưng cũng khá mong manh ». Chính tướng Anupong đang bị sức ép rất mạnh của phe Áo Vàng, vốn có chỗ dựa tận hoàng cung. Khi bác bỏ khả năng can thiệp bằng vũ lực, ông đã gây bất bình cho khá nhiều nhân vật có vai vế, và « Tướng Anupong đang đưa đầu vào rọ » - cũng nhà quan sát trên nhận định.

Đó là vì tướng Anupong còn phải thỏa hiệp được với các tướng lãnh khác của phía hoàng gia. Những nhân vật trong hậu trường này, đương chức hay đã về hưu, đang nắm một vai trò đáng kể. Đặc biệt là tướng Prem Tisulanonda, cựu thủ tướng trong thập niên 80, đang điều hành ban cố vấn của Quốc vương, mà các nhà phân tích cho là đang đóng vai trò chủ chốt.

"Xanh vỏ đỏ lòng", quân phục màu xanh nhưng lại thân với phe Áo Đỏ   

Trong khi Quốc vương Bhumipol đã phải nhập viện từ tháng 9/2009, vị tướng này rất thân cận với Hoàng hậu Sikirit vốn bày tỏ dấu hiệu ủng hộ phe Áo Vàng. Mặt khác, tướng Anupong lại phải tranh thủ cho được các sĩ quan và binh sĩ được gọi là « Dưa hấu », vì họ « xanh vỏ đỏ lòng », có cảm tình với ông Thaksin. Một nhân vật khác trong bóng tối nữa là tướng Khattiya Sawasdipol, tức Seh Daeng, vốn đã bị xếp xó vì chống lại cấp trên và tỏ ra trung thành với ông Thaksin. Một nguồn tin phương Tây cho biết quân đội tin rằng ông Seh Daeng đang tham gia huấn luyện cho đơn vị an ninh của phe Áo Đỏ, và đang gầy dựng một lực lượng bán quân sự.

Quân đội Thái sau khi triển khai bảo vệ khu phố tài chính Silom, đã không tiến đến một sự can thiệp vũ trang, và ở phía nam nơi có một số cuộc nổi dậy cũng thế. Trong khi đó quân đội có sẵn 50.000 binh lính ngay trong khu vực Bangkok. Đại tá Teeranan Nandhakwang, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của quân đội nhận xét, quân đội có thể bao vây, thậm chí giải tán phe biểu tình, nhưng ông không tin là họ sẽ sử dụng vũ lực. Ngược lại, theo một nhà ngoại giao nước ngoài, « Tướng Anupong không chấp nhận một cuộc nội chiến giữa hai phe áo vàng và đỏ, nhưng ông phải nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng, trước khi phe Áo Vàng quyết định tiến công ».

Diễn tiến vụ chìm tàu Cheonan

Cũng liên quan đến châu Á nhưng tại Hàn Quốc, đặc phái viên Le Monde tại Séoul cho biết thêm một số chi tiết xung quanh vụ tàu Cheonan bị chìm ở Hoàng Hải. Kết quả xét nghiệm phần đuôi tàu được trục lên vào tuần qua khiến dư luận càng tin là có bàn tay của Bắc Triều Tiên. Theo kết quả sơ khởi của các nhà điều tra trong đó có cả các chuyên gia Mỹ, Úc, Anh, Thụy Điển, tàu Cheonan bị chìm vì một vụ nổ từ phía dưới tàu, có sức công phá tương đương 200 ký TNT. Giả thiết bị mìn hoặc thủy lôi tác động trực tiếp đã bị gác qua một bên, vì không có mảnh vụn nào của cả hai loại trên được tìm thấy. Các báo phe bảo thủ cho đây là do tàu ngầm của Bình Nhưỡng tấn công, và thật ra trong thời điểm đó có hai đơn vị quân đội Bắc Triều Tiên đang làm nhiệm vụ.

Tác giả bài báo nói thêm, khu vực tàu chìm là ở phía đông nam đảo Baengnyeong, nằm ở cực bắc quần đảo Ongjin thuộc chủ quyền Hàn Quốc, nhưng chỉ cách bờ biển Bắc Triều Tiên hơn chục cây số. Đây là một vùng nhạy cảm, nơi từng xảy ra nhiều vụ đụng độ giữa quân tuần duyên của hai nước, vụ gần đây nhất vào cuối năm ngoái đã làm một số thủy thủ Bắc Triều Tiên thiệt mạng. Bình Nhưỡng chưa bao giờ công nhận đường phân ranh tại đây, vốn do Liên Hiệp Quốc vạch ra lúc đình chiến năm 1953, nối dài thêm vùng phi quân sự chia cách hai nước Triều Tiên.

Chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng làm êm chuyện, không muốn nêu đích danh Bắc Triều Tiên trong diện nghi vấn. Nhưng trong bối cảnh sắp đến cuộc bầu cử địa phương, để tránh bị chỉ trích, tổng thống Lee Myung-bak vừa cam đoan sẽ có thái độ cứng rắn đối với những kẻ đã tấn công tàu Cheonan, vừa bác bỏ khả năng trả đũa quân sự, vốn sẽ làm e ngại các nhà đầu tư và lãnh đạo ngoại quốc sẽ tham dự hội nghị G20 vào tháng 11 tới.

Le Monde cũng nhận định, nếu thực sự vụ nổ là do thủy lôi, thì cần đặt lại vấn đề độ tin cậy của hệ thống phòng vệ Hàn Quốc, cũng có nghĩa là của Hoa Kỳ, vì Séoul vốn lệ thuộc vào kỹ thuật Mỹ. Không có radar hay thiết bị siêu âm nào đã phát hiện ra các chuyển động đáng ngờ trong vòng bán kính nhiều ki lô mét xung quanh tàu Cheonan.

Doanh nghiệp nước ngoài bị đánh cắp kỹ thuật tại Trung Quốc 

Như thường lệ, Trung Quốc cũng được nhắc đến trên nhiều nhật báo Pháp hôm nay. Về mặt kinh tế, hai nhà nghiên cứu Pháp đã nhận xét trong trang báo dành cho các ý kiến tranh luận trên Le Monde, là Trung Quốc cần thay đổi mô hình kinh tế, chú trọng đến tiêu dùng nội địa thay vì hướng về xuất khẩu. Le Figaro dành nhiều trang báo cho chủ đề « Thượng Hải, biểu tượng của sức mạnh Trung Quốc ». Riêng nhật báo kinh tế Les Echos chú trọng đến việc các doanh nghiệp Mỹ tố cáo bị đánh cắp kỹ thuật và bị phân biệt đối xử tại Trung Quốc.

Thông tín viên của Les Echos tại Bắc Kinh cho biết, dù IPad của tập đoàn Apple tuy chưa được chính thức bán ở châu Á, nhưng chỉ ba tuần sau khi ra mắt tại Mỹ, người Trung Quốc đã dễ dàng mua được trong các siêu thị điện tử tại các thành phố lớn. Sự kiện này đã làm tăng thêm tâm trạng bất an của các doanh nghiệp Mỹ, về một môi trường kinh doanh ngày càng xuống cấp tại Trung Quốc, một chủ nghĩa bảo hộ không hề được nói ra.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc vừa công bố sách trắng thường niên, trong đó các doanh nghiệp thành viên phàn nàn họ không được bảo vệ một cách công bằng trong các vụ làm hàng giả, đánh cắp công nghệ trong tất cả các lãnh vực. Thậm chí một luật sư của cơ quan này còn nhận định : « Chính quyền Trung Quốc có khuynh hướng gây khó khăn cho các công ty ngoại quốc đang nắm giữ bằng sáng chế ». Luật gia này tố cáo, những vụ mua bán sáp nhập của các công ty nước ngoài phải chờ đợi rất lâu, trong khi nếu là công ty Trung Quốc thì có khi còn được miễn cả việc điều tra. Các luật bảo vệ môi trường được áp dụng rất khắt khe đối với các nhà đầu tư nước ngoài, và họ cũng cảm thấy bị đặt ra ngoài cuộc chơi trong các cuộc gọi thầu công cộng. Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu đặt dấu hỏi về sự tồn tại lâu dài tại thị trường vốn được coi là nhiều tiềm năng này, trước vô số trở ngại khiến họ ngày càng bị siết chặt thêm về mặt pháp lý.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ cũng thông tin, lần đầu tiên từ mười hai năm qua, vấn đề trên trở thành nỗi lo hàng đầu của các doanh nghiệp thành viên, thay vì về tiền lương và lao động như trước đây. Họ mong muốn Washington dùng ảnh hưởng chính trị để thúc đẩy Bắc Kinh tích cực hơn trong việc bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư nước ngoài, hoặc mở rộng cửa hơn một số thị trường, thay vì đòi hỏi việc tái định giá đồng nhân dân tệ.

Trong bài xã luận mang tựa đề « Đạo tặc cổ trắng », Les Echos nhận xét, tất cả các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đang lo ngại trở thành nạn nhân của nạn đánh cắp kỹ thuật. Thường xuyên có việc một ngày nào đó, một công ty bỗng phát hiện đối tác Trung Quốc của mình bỗng dưng đạt được những tiến bộ kỹ thuật rất đáng ngờ, trong khi họ cứ ngỡ là đã bảo vệ rất chặt chẽ. IPad của Apple như trên là một ví dụ điển hình. Còn tập đoàn Alstom của Pháp thì từ năm 2006 đã phải chật vật với một công ty Trung Quốc mà Alstom đã nhượng lại giấy phép một bằng sáng chế liên quan đến các thiết bị xử lý ô nhiễm tại các nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp. Chưa đến hai năm sau, Alstom phải kinh ngạc thấy công ty này trở thành một trong những đối thủ của mình trong các cuộc đấu thầu tại Bulgari và Rumani, với các thiết bị nhái theo y hệt.

Cũng theo Les Echos, điều đáng ngạc nhiên hơn cả là thái độ e dè của chính quyền các nước đối tác, không dám đấu tranh với Trung Quốc, nhất là Ủy ban Châu Âu. Tờ báo cũng đặt câu hỏi, Tổ chức Thương mại Thế giới sẽ giải quyết thế nào, trước 17 hồ sơ kiện cáo Trung Quốc đã được đệ trình tại cơ quan này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.