Vào nội dung chính
CHÂU Á - KINH TẾ

IMF cảnh báo nguy cơ quá nóng các nền kinh tế châu Á

Trong báo cáo toàn cảnh tình hình kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương được công bố hôm nay, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - IMF- đã cảnh báo rằng các nền kinh tế châu Á có nguy cơ bị "nóng quá mức", áp lực lạm phát và rủi ro "nổ bong bóng" ngày càng cao.

Robert Zoellick, giám đốc Ngân hàng Thế giới (trái) và giám đốc IMF, Dominique Strauss-Kahn (Reuters)
Robert Zoellick, giám đốc Ngân hàng Thế giới (trái) và giám đốc IMF, Dominique Strauss-Kahn (Reuters)
Quảng cáo

Theo IMF, "thách thức lớn nhất trong ngắn hạn" của các nền kinh tế châu Á là "bình thường hóa các chính sách thuế khóa và tiền tệ". Trong cuộc họp báo ở Thượng Hải, ông Anoop Singh, giám đốc ban châu Á-Thái Bình Dương của IMF nói, đối với Trung Quốc, cũng như các nền kinh tế khác trong khu vực, cần phải tránh nguy cơ luồng vốn đổ tạo ra tăng trưởng cao rồi sau đó lại rơi vào suy thoái.

Triển vọng kinh tế tốt và sự chênh lệch ngày càng lớn về lãi suất so với các nước phát triển là những yếu tố thu hút nguồn vốn tại khu vực châu Á. Thế nhưng, chính việc luồng vốn đổ vào quá nhanh và kéo dài có thể gây bất ổn tài chính và kinh tế vĩ mô tại một số nước, kinh tế có thể bị quá nóng, dễ bị tổn thương và không loại trừ khả năng đảo chiều đột ngột.

Tuần trước, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng của châu Á là 7,1% cho các năm 2010 và 2011, trong khi đó, theo giới chuyên gia, năm nay, châu Á chỉ đạt tăng trưởng trung bình khoảng 6,9% và năm tới là 7%.

Mặc dù vậy, IMF cảnh báo rằng các nền kinh tế châu Á dựa chủ yếu vào xuất khẩu vẫn dễ bị tổn thương hơn so với các nước phương Tây là những quốc gia có tốc độ phục hồi chậm. Định chế tài chính này kêu gọi chính phủ các nước châu Á giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu và thúc đẩy tiêu thụ trong nước.

Việt Nam đang chịu áp lực lớn về lạm phát

Các chuyên gia kinh tế của IMF cho rằng điều quan trọng là phải thực hiện cải tổ nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của lĩnh vực dịch vụ. Về tiền tệ, IMF nhấn mạnh là nguy cơ lạm phát ngày càng lớn kể từ đầu 2010 ở nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Ấn Độ và Việt Nam.

Theo số liệu của định chế tài chính này, Việt Nam đang chịu áp lực lớn về lạm phát. Chỉ số giá cả trong năm 2008 tăng 23,1%, năm 2009 chỉ tăng 6,7%. Dự báo là trong năm nay, chỉ số giá cả tại Việt Nam có thể lên tới 12% và sẽ giảm xuống còn 10,3% trong năm 2011.

Nhìn trong toàn khu vực, IMF cho rằng các nhà hoạch định chính sách ở châu Á cần chống lại việc tích tụ các mất cân đối và nguy cơ "bong bóng" trên thị trường bất động sản do "dư thừa phương tiện thanh toán". Một trong những biện pháp là điều chỉnh linh hoạt hơn tỷ giá hối đoái. Việc nâng cao tỷ giá hối đoái giúp ngăn ngừa các luồng vốn ngắn hạn. Nếu không nâng tỷ giá, thì các cơ quan phụ trách tiền tệ sẽ phải tốn nhiều công sức rút bớt những thanh khoản dư thừa trên thị trường và áp lực của những khoản vốn dư thừa này vẫn rất cao, dẫn đến nguy cơ thúc đẩy lạm phát.

Kinh tế gia Singh lưu ý, nếu chỉ nâng giá đồng tiền thì cũng không đủ để cân bằng kinh tế tại Trung Quốc và một số nước. Theo ông, các chính phủ châu Á cần có biện pháp giảm bớt mức tiết kiệm trong nước hiện đang rất cao ở Trung Quốc và nhiều quốc gia. Bởi vì, điều quan trọng là kế hoạch kích thích kinh tế không chỉ dựa vào chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoái.

Châu Á là khu vực sớm thoát ra khỏi khủng hoảng và hiện đang có tỷ lệ tăng trưởng cao, trở thành động lực lôi kéo sự phục hồi kinh tế thế giới. Thành công này nhờ vào một loạt biện pháp như chi ngân sách, bơm tiền vào nền kinh tế, hạ lãi suất thu hút vốn nước ngoài để đẩy mạnh đầu tư, mở rộng chính sách tín dụng, phát triển thị trường địa ốc v.v. Theo báo cáo của IMF, đã đến lúc phải có những điều chỉnh thích hợp, vừa không làm tổn hại đến xu hướng phục hồi còn rất mong manh, nhưng đồng thời không phải đối mặt với những nguy cơ lạm phát bùng phát và khủng hoảng tái diễn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.