Vào nội dung chính
BĂC TRIỀU TIÊN

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên sang Bắc Kinh cầu viện Trung Quốc

Hôm qua, ông Kim Jong-il đã tới Trung Quốc và lãnh đạo Bắc Triều Tiên có mặt tại Bắc Kinh trong ngày hôm nay. Trong thời gian thăm Trung Quốc, ông sẽ được chủ tịch Hồ Cẩm Đào đón tiếp. Đây là một trong những chuyến công du ngoại quốc hiếm hoi của lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Lần cuối cùng ông Kim sang Trung Quốc cách nay đã bốn năm.

Reuters
Quảng cáo

Chuyến đi này diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế Bắc Triều Tiên gặp nhiều khó khăn sau vụ đổi tiền gây phẫn nộ trong công chúng, quan hệ Liên Triều xấu đi, các nước phương Tây duy trì áp lực đòi Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán về hồ sơ phi hạt nhân hóa.

Các dự án hợp tác Liên Triều như tổ hợp du lịch núi Kim Cương, khu công nghiệp Keasong, những nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho Bình Nhưỡng, thì đang bị chững lại do những căng thẳng giữa hai chính quyền.

Sau vụ bắn thử tên lửa và thử hạt nhân, Bắc Triều Tiên đã bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt kinh tế từ tháng sáu năm ngoái. Giáo sư Cheong Seong-chang, thuộc Viện Sekong ở Seoul, được báo La Croix trích dẫn, giải thích, Bắc Triều Tiên bị kiệt quệ về kinh tế và rất cần đến Trung Quốc. Do vậy, trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này của ông Kim Jong-il, “lần đầu tiên, hợp tác kinh tế sẽ là điểm quan trọng nhất trong các cuộc thảo luận sắp tới”.

Vẫn theo chuyên gia Cheong, Bắc Triều Tiên cố gắng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc, thậm chí còn sửa đổi cả các quy định liên quan đến khu công nghiệp Rajin Sonbong, gần biên giới. Trung Quốc đã được cấp quyền sử dụng trong vòng 10 năm cảng Rajin của Bắc Triều Tiên , cửa ngõ mở thẳng ra vùng biển Nhật Bản. Trung Quốc cũng là đối tác kinh tế hàng đầu của Bắc Triều Tiên và hiện đang tiến hành nhiều dự án khai thác mỏ và tài nguyên tại nước này.

Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã tìm cách thuyết phục Bắc Triều Tiên tiến hành các cải cách kinh tế, thế nhưng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên rơi vào tình thế nan giải. Một mặt, các cuộc cải cách có thể giúp cải thiện tình hình kinh tế, nhưng mặt khác, điều này buộc chế độ Bắc Triều Tiên phải từ bỏ chính sách chạy đua vũ trang, vốn vẫn được Bình Nhưỡng xem là bức tường rào ngăn cản mọi âm mưu tấn công nước này.

Vậy, Trung Quốc sẽ được gì khi chấp nhận giúp Bắc Triều Tiên? Về mặt chiến lược, Bắc Triều Tiên là vùng đệm cực kỳ quan trọng, che chắn phía đông bắc Trung Quốc, do có sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc. Là đồng minh cận kề và truyền thống, Trung Quốc không thể để cho chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ.

Trước sức ép của phương Tây đòi Trung Quốc phải thể hiện vai trò nước lớn, có trách nhiệm, Bắc Kinh có thể tranh thủ chuyến công du của ông Kim để thuyết phục Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán sáu bên, bị bế tắc từ hơn một năm nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều có cùng nhận định, Trung Quốc sẽ không cưỡng ép Bắc Triều Tiên làm việc này. Giống như trong trường hợp Iran, Trung Quốc sẽ chủ trương “đàm phán đến cùng”. Nói một cách khác, Bắc Kinh sẽ để cho Bình Nhưỡng tự quyết định khi nào và bằng cách nào quay trở lại bàn đàm phán về hồ sơ hạt nhân.

Theo giới quan sát, có một nghịch lý là Bắc Triều Tiên càng bị cô lập bao nhiêu thì Trung Quốc lại càng giang tay ra bảo trợ cho đồng minh thân cận này. Reuters trích dẫn nhận định của ông Peter Beck, chuyên gia về các vấn đề Triều Tiên, thuộc đại học Stanford, Califonina, Hoa Kỳ : Bắc Kinh luôn luôn tỏ ra rất ngần ngại bỏ rơi những quốc gia bất hảo. Có vậy, Trung Quốc càng dễ đầu tư vào những nước này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.