Vào nội dung chính
BÁO CHÍ

Tự do báo chí ở Đông Nam Á: thách thức và hy vọng

Kể từ năm 1993 đến nay, ngày 3/5 được chọn là ngày tự do báo chí thế giới. Đây không chỉ là dịp để dư luận nhìn nhận tầm quan trọng của tự do báo chí, mà còn để nhắc nhở mọi người về những mối nguy hiểm của nhà báo khi họ đem thông tin đến cho công chúng. Trang báo mạng Asia Sentinel dịp này có bài viết đề cập đến tình hình tự do báo chí ở Đông Nam Á.

Quảng cáo

Tác giả bài báo nhận thấy Ngày tự do báo chí năm nay là một dịp cực kỳ quan trọng đối với các nước Đông Nam Á, trong lúc mà Hiệp hội các nước trong khu vực này vừa mới có được một cơ quan nhân quyền. Điều này đang mở ra những hy vọng và cả những thách thức đối với các chính phủ cũng như cộng đồng công chúng trong khu vực về các vấn đề liên quan đến quyền tự do và tính độc lập của truyền thông.

Với các sự kiện đã, đang và sẽ diễn ra trong khu vực, như cuộc bầu cử ở Miến Điện, Philippines, những tranh luận về bài bác tôn giáo ở Mailaisia và Indonesia, hay cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan rồi đến vấn đề chủ quyền quốc gia của Việt Nam v.v.. Tất cả những sự kiện đó là dịp để trắc nghiệm thêm giá trị căn bản tự do báo chí.

Theo bài báo, trong khắp khu vực Đông Nam Á, rất nhiều các nhà báo và những người làm truyền thông đang phải chịu những đe dọa về thân thể, bị đày đọa bắt giam hay hãm hại bởi chính công cụ luật pháp ngay trong đất nước của họ. Không chỉ có các nhà báo mà còn cả những người bảo vệ họ là các luật sư hay những nhà hoạt động nhân quyền cũng bị ở trong hoàn cảnh tương tự.
Ở những nước như Việt Nam, Lào, Miến Điện, Malaisia Singapore các nhà báo luôn bị răn đe, ức chế bởi những đạo luật an ninh quốc gia, bí mật quốc gia, chống khủng bố, rồi các vấn đề nhạy cảm chính trị hay tôn giáo.

Tất cả các điều luật đó đang được các quốc gia nói trên áp dụng với mục đích ngăn chặn làn sóng thông tin đang rất phong phú và dễ tiếp cận hơn, bởi sự xuất hiện của những phương tiện truyền thông mới ra đời. Theo tác giả bài báo, kỷ nguyên kỹ thuật số đã giúp cho báo chí, truyền thông và tiếp cận thông tin phát triển mạnh mẽ, nhưng đồng thời nó lại khiến cho các chính phủ ngày càng cố gắng kiểm soát thông tin một cách dữ dội hơn.

Những tiếng nói tự do bị đe dọa, uy hiếp. Trong khi đó chính phủ, hay những nhóm chính trị lại sử dụng báo chí làm công cụ để tuyên truyền một chiều hay để hạ gục đối thủ của mình. Tác giả dẫn ra trường hợp ở Thái Lan trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Thay vì khuyến khích, động viên tính độc lập đa dạng, các lực lượng đối lập ở Thái lan lại dùng truyền thông như là một thứ vũ khí để triệt hạ đối thủ.

Tác giả bài báo nhắc lại rằng, việc có "Ngày tự do báo chí" không phải để cho giới làm truyền thông trên thế giới kêu ca kể khổ. Đây phải là dịp để những người làm báo ở Đông Nam Á khẳng định vai trò của mình trong xã hội, với hy vọng bảo vệ, thúc đẩy tự do ngôn luận và quyền được tiếp cận thông tin ở tất cả mọi nước.

Cuối cùng, bài báo đưa ra kết luận rằng, nhân ngày tự do báo chí này, lãnh đạo của Asean nên để thời gian một chút để nhìn nhận lại những điều đã được cộng đồng quốc tế công nhận từ lâu nay một cách chính thức đó là : Không có tự do báo chí, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin thì tất các nỗ lực để phát triển và điều hành sẽ bị cản trở và dẫn đến thất bại. Không có minh bạch hóa, đa chiều và độc lập của truyền thông, thì sẽ dẫn đến kết cục lãnh đạo thì tha hóa tham nhũng, còn người dân thì sẽ bị ngăn cản tham gia vào việc xây dựng chính cuộc sống của họ.

Một thế giới không hạt nhân: giấc mơ hay hiện thực

Nhìn sang các trang báo Pháp ra hôm nay, chủ đề thời sự quốc tế được quan tâm nhiều là hội nghị định kỳ 5 năm một lần xem xét lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (TNP) tại Liên Hiệp Quốc và kế hoạch cứu giúp Hy Lạp của châu Âu và Quỹ tiền tệ Quốc tế.

Tờ l’Humanité chạy tựa lớn trên trang nhất bằng một lời khẳng định như đinh đóng cột: « Vũ khí hạt nhân, cần phải loại bỏ ! ».
Tờ báo nhận thấy 5 năm sau thất bại lần họp trước, hội nghị lần này mở ra trong bầu không khí chính trị đã có những thay đổi. Năm ngoái, trong một diễn văn đọc tại Praha, tổng thống Mỹ Obama đã kêu gọi « một thế giới không vũ khí hạt nhân ». Cách đây vài tuần lãnh đạo Hoa Kỳ vừa mới ký với tổng thống Nga Medvedev hiệp định Start mới, giảm bớt đáng kể số lượng đầu đạn hạt nhân của hai nước.

Tờ báo nhận thấy các cường quốc hạt nhân hiển nhiên giữ một trách nhiệm quan trong trong việc xem xét lại hiệp ước Không phổ biến hạt nhân. Vậy quan điểm của Pháp ra sao ? Những tuyên bố của tổng thống Sarkozy cho thấy Pháp muốn giữ nguyên hiện trạng kho vũ khí hiện nay và vẫn không chịu từ bỏ lý thuyết răn đe hạt nhân.

Tờ báo đưa ra câu hỏi vậy thì làm thế nào chứng minh được rằng 5 cường quốc hạt nhân gồm Hoa Kỳ, Nga, Anh , Pháp và Trung Quốc, cùng những nước có vũ khí hạt nhân nhưng không ký hiệp ước TNP như Pakistan, Ấn Độ , Israel, thì có quyền dùng hạt nhân để răn đe, còn những nước khác thì lại không được?

Cũng trên chủ đề này Le Monde nhìn nhận thấy Iran là "trung tâm" của hội nghi xem xét TNP. Theo tờ báo, vấn đề dặt ra là TNP cho phép các quốc gia làm chủ công nghệ làm giàu uranium. Chính công nghệ này đó dùng để chế tạo vật liệu phân hạch vũ khí nguyên tử, đồng thời cũng để chế tạo ra nhiên liệu cung cấp cho các nhà máy điện hạt nhân. Vì thế mà Iran vẫn có thể tiếp tục tiếp cận với hạt nhân quân sự dưới vỏ bọc hạt nhân dân sự.

Các nước phương Tây, giờ đây muốn thắt chặt thêm các quy định kiểm soát các hoạt động hạt nhân bằng việc tăng cường cơ chế thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, hoặc có sáng kiến thành lập một « ngân hàng quốc tế » về nhiên liệu hạt nhân. Nhưng các nước kém phát triển không đồng tình với những giải pháp đó vì lo ngại chủ quyền quốc gia của họ bị xâm phạm.

Le Figaro thì nhận thấy : « Teheran và Washington đối mặt tại Liên Hiệp Quốc ». Theo tờ báo, ngày đầu của phiên họp hôm qua tại Liên Hiệp Quốc đã biến thành cuộc đọ sức giữa Iran và Hoa Kỳ. Tổng thống Mamoudh Ahmadinejad là vị nguyên thủ quốc gia duy nhất có mặt tại hội nghị, trong khi mà đất nước ông đang bị nghi ngờ bí mật trang bị bom nguyên tử.

Tổng thống Iran đã lớn tiếng tố cáo Hoa Kỳ lấy cớ phổ biến vũ khí hạt nhân và nguy cơ khủng bố hạt nhân để hăm dọa các nước đang phát triển hạt nhân dân sự. Tại diễn đàn LHQ, ông tuyên bố: « Những nhóm khủng bố chủ yếu đều được Hoa Kỳ và chế độ Sionit trợ giúp » và « Hoa Kỳ sử dụng vũ khí hạt nhân để đe dọa các nước khác trong đó có Iran ». Đoàn Mỹ và nhiều đoàn khác đã rời phòng họp để ông Ahmadinejad tiếp tục tung ra những lời chỉ trích Mỹ và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế.

Về phần mình thì Hoa Kỳ tìm cách cô lập Iran, đồng thời thuyết phục Nga và đặc biệt là Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới nặng nề hơn của Hội đồng Bảo an đối với Iran. Washington lần này chỉ cấp visa nhập cảnh vào Mỹ cho một phần của đoàn Iran muốn đến họp. Báo chí Iran bị cấm hoàn toàn.

Mây đen núi lửa Iceland chưa tan hết

Tựa trang nhất Le Figarro hôm nay có lẽ sẽ làm nhiều người không khỏi giật mình « Núi lửa Iceland : Mối đe dọa mới trên bầu trời châu Âu ». Điều gì lại xảy ra ? Sau 15 ngày phun trào khiến cho hàng không thế giới bị tê liệt, thiệt hại tới cả tỷ euros, từ tối qua 3/5 đến trưa hôm nay, Iceland quyết định đóng của bầu trời của mình.

Đám mây tro núi lửa Iceland lại đe dọa bầu trời châu Âu trở lại. Ngay ngày hôm nay, các bộ trưởng giao thông châu Âu cũng đã có cuộc họp tại Bruxelles để phối hợp hành động phòng khi cuộc khủng hoảng tái diễn.

Núi lửa Iceland vẫn tiếp tục hoạt động tuy lần này lượng tro bụi có giảm hơn 20 lần so với hồi giữa tháng 4 vừa qua, nhưng mọi người vẫn phải cảnh giác cao. Đến giờ không một nhà khoa học nào có thể dự đoán khi nào thì núi lửa Iceland tắt. Như vậy là châu Âu vẫn phải tiếp tục sống trong một thời gian vô hạn định trước mối đe dọa của những đám mây tro núi lửa.

Nhân dịp này Le Figaro nhận thấy châu Âu « vẫn chưa rút ra được hết những bài học của cuộc khủng hoảng hàng không vừa qua. Một loạt câu hỏi được tờ báo đặt ra : Các cơ quan chính quyền có sẵn sàng đối mặt với cuộc khủng hoảng mới hay không ? Câu trả lời là chưa. Châu Âu vẫn chưa đưa ra được một chuẩn mực về mật độ các hạt bụi núi lửa như thế nào thì không phận sẽ bị đóng cửa.
Các biện pháp đề phòng đã kéo dài trong bao lâu ? Những mẫu tro bụi núi lửa trên vùng trời của Pháp có nói lên điều gì ? Đó là những câu hỏi cần có câu trả lời để rút ra bài học cho những lần khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Hy Lạp : Ai sẽ phải trả giá ?

Đó là cũng là một câu hỏi của các báo Pháp ra hôm nay nhân việc ngày hôm qua, châu Âu và Quỹ tiền tệ Quốc tế đã quyết định tài trợ 110 tỷ euros cho Hy Lạp để giúp nước này thoát khỏi khủng hoảng. Đây là một khoản tài trợ lớn chưa từng có đối với một nước châu Âu. Tờ báo kinh tế La Tribune đã bóc tách khoản tín dụng cho Hy Lạp . Trong 110 tỷ đó, nước Pháp đóng góp trên 16 tỷ.

Liệu từng ấy đã đủ để trấn an thị trường tài chính nước này? Tờ báo cho biết ngày mai dự kiến sẽ có cuộc tổng đình công tại Hy Lạp. Đây thực sự là một trắc nghiệm sẽ cho thấy dư luận xã hội Hy Lạp có chấp nhận hay không kế hoạch kinh tế hà khắc. Trả lời câu hỏi ai sẽ phải trả tiền, La Tribune cho rằng thực tế thì chính người Hy lạp sẽ phải trả giá cho khoản vay nợ khổng lồ này bằng những biện pháp thắt lưng buộc bụng chưa từng có.

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.