Vào nội dung chính
CHÂU Á

Thái Lan cầu cứu đến cả phong thủy để củng cố chính quyền

Phong thủy là một lý thuyết của người Trung Hoa cổ đại nghiên cứu về tác động của các yếu tố trong môi trường sống như hướng gió, năng lượng, hướng khí vị trí nhà cửa đồ vật đến phúc họa của con người sống trong môi trường đó. Thuyết phong thủy lúc này còn được người Thái áp dụng để củng cố chính quyền.

Người Thái Lan rất sùng đạo và rất mê tin
Người Thái Lan rất sùng đạo và rất mê tin Ảnh: Reuters
Quảng cáo

Báo Libération hôm nay có bài : « Phong thủy, cứu cánh của chính quyền Thái Lan». Bài báo viết  "sau cuộc đối đầu giữa chính quyền và những người Áo Đỏ cách đây vài tháng làm 90 người chết và gần 2 nghìn người bị thương, đối với chính phủ Thái Lan lúc này, mọi phương cách để tái lập trật tự trong nước thì đều tốt hết ". Thế là thuật phong thủy của người Trung Quốc cũng được chính quyền áp dụng để phục vụ mục tiêu « trị quốc bình thiên hạ ».

Libération cho hay, hôm 21 tháng 6 vừa qua, sau một buổi tế lễ long trọng do thủ tướng chủ trì cùng 5 vị chức sắc tôn giáo, người ta đã cho trồng 6 cái cây lá vàng và xanh một cách cẩn thận trước lối vào tòa nhà chính phủ, đúng vào chỗ mà một người biểu tình Áo Vàng bị chết vì lựu đạn hồi năm 2008. Ông Sengchai Sri – Uthaisuk, một doanh nhân đã làm giàu với nghề điều chỉnh phong thủy cho biết: «Tất cả đều được tính toán rất kỹ theo ngày tháng năm sinh và ngày lên nhậm chức của thủ tướng. Nghi lễ này là để củng cố thêm cảm tình của dân chúng đối với thủ tướng ». Màu sắc của cây cũng nhằm để trừ xung khắc xảy ra.

Đó không phải là giai thoại phiếm, theo tác giả, người Thái rất mê tín, ngay cả trong chính trị cũng vậy. Ở Thái Lan không có cuộc cải tổ nội các hay đảo chính nào mà người ta lai không tham khảo ý kiến của các nhà chiêm tinh. Ông Jacques Ivanoff, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Đông Nam Á đương đại khẳng định ở đất nước này « không một động thái nào của nhà nước lại không tính đến yếu tố mê tín. Mỗi khi an ninh đất nước bị đe dọa, là các nghi thức, lễ lạt theo kiểu Trung Quốc hay Bà La Môn lại được dịp thịnh hành ». Theo tác giả bài viết thì ở trong một đất nước mà quyền hành chủ yếu nằm trong tay các đại gia đình người Thái gốc Hoa thì thuật phong thủy hiển nhiên phải được đặt lên trên các nghi lễ đạo Phật hay Ấn Độ giáo.

Chính phủ Thái Lan hiện nay muốn củng cố việc điều hành trở lại đất nước bằng những điềm tốt lành nhất. Các nhà lãnh đạo thấy cần phải chỉnh lại năng lượng phong thủy của tòa nhà chính phủ. Thế là ngự trên nóc tòa nhà chính phủ bây giờ, đúng trên vị trí văn phòng thủ tướng Abhisit là một bức tượng Phật đang mỉm cười. Nhưng rõ ràng điều đó vẫn không đủ, tác giả bài báo kết luận.

Những học trò Hàn Quốc không có tuổi thơ

«Tuổi thơ của học trò Hàn Quốc bị hy sinh» đó là tựa của một bài viết trên báo La Croix hôm nay. Bài báo đề cập đến một thực trạng ở Hàn Quốc, các lớp học thêm tư nhân ngoài giờ đang chiếm vị trí lấn át việc học chính khóa khiến cho học sinh bị sức ép rất nặng vì chuyện học.

Mở đầu, bài báo là một lời tâm sự của một học sinh tú tài kể lại rằng « Cứ đến lớp buổi sáng là em ngủ liền 4 tiếng, bởi vì em phải thức đến 1 giờ sáng để học bài ở lớp học thêm … Thầy giáo không ý kiến gì vì thầy biết bài ở « hakwons » còn quan trọng hơn bài ở trường ». Hakwons là tên gọi các trường dạy thêm của tư nhân ngoài những giờ học chính khóa bắt buộc. Theo bài báo thì riêng ở Seul đã có 30 nghìn trường như vậy, đủ cho các lớp học, các môn khác nhau. Các lớp học ngoài giờ này đã trở thành một hệ thống giáo dục song song mà đa số các học sinh ở Hàn Quốc đều theo học. Năm 2009 hệ thống giảng dạy tư nhân này chiếm tới 3% tổng thu nhập nội địa của nước này.

Cộng lại thời khóa biểu chính khóa và ngoài giờ, mỗi học sinh Hàn Quốc mất 15 giờ ngồi trên lớp mỗi ngày. Theo một thống kê tiến hành năm 2009, có 1/3 học sinh trung học đến lớp chính khóa là ngủ. Mục đích theo các lớp học thêm là để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời học sinh ở Hàn Quốc, đó là thi vào đại học. Ở đất nước này, vào được đại học là một cứu cánh của cuộc sống. Hơn bao giờ hết, lúc này bằng cấp được đặt thành một tiêu chí quan trọng. Các công ty lớn chỉ nhận những học sinh xuất sắc ở các trường đại học và vì thế mà cuộc cạnh tranh trong giới học trò Hàn Quốc mới trở nên càng khốc liệt hơn. Một bà mẹ có hai đứa con đang học tiểu học mỗi tháng phải chi 2000 euro cho các lớp học thêm cho con mà vẫn còn lo con mình không đuổi kịp được các bạn cùng lớp.

Tuy nhiên theo La Croix thì các lớp học thêm hakwon đang đặt ra nhiều vấn đề. Học trò bị áp lực quá lớn cả về sức khỏe và tinh thần. Theo một thăm dò dự luận thì có tới gần 50% học sinh trung học Hàn Quốc có ý định tự tử vì học hành quá căng thẳng. Một tác động tiêu cực khác đó là hệ thống các trường dạy thêm này tạo ra sự bất bình đẳng về cơ hội thành đạt của học sinh. Vì thế chính phủ đã có phản ứng, đưa ra một loạt các biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của các trường dạy thêm tư nhân như : Yêu cầu các trường công khôi phục các buổi học phụ đạo bắt buộc tại trường, các trường dạy thêm tư nhân phải đóng cửa sau 10 giờ đêm. Thậm chí chính phủ phải đưa thêm biện pháp hứa thưởng cho những ai phát hiện các trường học làm sai luật.

Trong khi đó các phụ hynh học sinh vẫn cứ phớt lờ không tuân theo các quy định. Vấn đề là là các trường dạy thêm có chất lượng cao còn hệ thống giáo dục chính khóa của Hàn Quốc thì lại đang xuống cấp, bị chỉ trích kém chất lượng. Một số phụ huynh học sinh khác có điều kiện thì chọn giải pháp đưa con ra nước ngoài du học, chủ yếu đưa sang Nhật. Theo bài báo, năm 2006, gần 30 nghìn học từ tiểu học đến trung học đã tìm cách thoát khỏi hệ thống giáo dục của Hàn Quốc để sang Mỹ, hay những nước Đông Nam Á khác để học.

Kim Kyeong-keun, một giáo sư khoa học giáo dục của đại học Hàn Quốc thừa nhận hệ thống giáo dục của Hàn Quốc là không có hiệu quả chỉ tốt cho việc chuẩn bị thi cử mà thôi. Ông cho rằng « Chừng nào tấm bằng đại học còn là phương tiện duy nhất để thăng tiến thì các bậc phụ huynh học sinh vẫn còn cần đến các trường học thêm ». Ông cũng tỏ ra rất lo ngại là vì các học trò Hàn Quốc phải quá vất vả học hành để có thể đỗ đạt, nhưng vào được đại học rồi thì lại kiệt sức. Vậy là, sau một thời gian học lấy được để thi cho đỗ, các học sinh vào đến đại học bắt đầu xả hơi, không còn hứng thú học chỉ muốn chơi, như để bù lại tuổi thơ đã bị đánh mất của mình.

Trung Quốc – Đài Loan : Kinh tế kéo hai nước về gần với nhau

Le Monde trở lại với một sự kiện lịch sử trong quan hệ giữa hòn đảo Đài Loan và Trung Quốc lục địa vừa diễn ra cách đây ít hôm đó là hai người anh em thù nghịch nhau đã xích lại gần nhau hơn trên mặt trận kinh tế.
Hơn 60 năm sau khi Tưởng Giới Thạch bị đội quân của Mao Trạch Đông đẩy ra hòn đảo Đài Loan, hôm 29 tháng 6 vừa rồi tại thành phố Trùng Khánh, Đài loan và Trung Quốc đã ký một hiệp định hợp tác kinh tế được đánh giá là « lịch sử », thể hiện chính sách xích lại gần với bắc Kinh của tổng thống Mã Anh Cửu.

Le Monde nhận định. « Trong khi mà Trung Quốc vẫn còn đang đặt hàng ngàn hỏa tiễn chĩa về hướng Đài loan và vẫn không chịu từ bỏ ý đồ dừng sức mạnh thôn tính lại hòn đảo này thì chưa thể nói được hai bên đã hòa hợp vĩnh viễn với nhau ». Tuy nhiên văn kiện trên đây đánh dấu mối quan tâm của bắc Kinh đến việc đưa nền kinh tế của hòn đảo « nổi loạn » Đài Loan hội nhập vào đại lục.

Đài Loan coi việc ký hiệp định này là một thắng lợi bất ngờ, từ Đài Bắc tổng thống Mã Anh Cửu đã nhấn mạnh rằng với hiệp định này thì hòa bình và phồn thịnh đang ở trong tầm tay của Trung Quốc và Đài Loan. Le Monde cũng nhận thấy việc chọn Trung Khánh để ký hiệp định cũng rất có ý nghĩa. Trong cuộc chiến tranh Trung – Nhật (1937-1945) Tưởng Giới Thạch đã chọn đây làm thủ đô tạm thời của Trung Quốc, đó là thời kỳ trước mối đe dọa của Nhật, lãnh đạo Quốc Dân Đảng đã phải hòa hoãn với Mao Trạch Đông. Nhưng đến năm 1949 Tưởng Giới Thạch đã bị những người cộng sản dồn ra tới tận hòn đảo Đài Loan sinh cơ lập nghiệp mới.

Theo Le Monde, hiệp định thương mại lịch sử nói trên chủ yếu mang ý nghĩa chính trị nhưng về phương diện kinh tế thì Đài Loan cũng có lợi không ít. Thứ nhất, hòn đảo nhỏ này sẽ được hưởng những điều kiện làm ăn với Trung Quốc lục địa giống như một số nước khu vực Đông Nam Á và rút ngắn khoảng cách cạnh tranh với các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản vì đây là hai nước không có hiệp định trao đổi tự do mậu dịch với bắc Kinh. Quốc Dân Đảng, đảng cầm quyền ở Đài Loan đánh giá, với hiệp định vừa ký, trao đổi thương mại giữa hai nước sẽ tăng thêm 100 tỷ đô la mỗi năm, hiện tại doanh số buôn bán hai nước đạt 120 tỷ đô la.

Le Monde cũng nhận thấy giới tài chính Đài Loan cũng được hưởng lợi trực tiếp từ hiệp định này. Các ngân hàng và công ty bảo hiểm Đài Loan có thể hoạt động tại Trung Quốc lục trong những điều kiện mà các ngân hàng nước ngoài không thể có cho đến giờ. Tờ báo khẳng định việc ký hiệp định hợp tác kinh tế này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hội nhập kinh tế Đài Loan, vốn vẫn chỉ dựa trên xuất khẩu sang Trung Quốc lục địa. Điều mà những người phản đối có thể chỉ trích là hiệp định được soạn thảo quá nhanh và bí mật, không được dư luận đồng tình.

Phe đối lập thì nhận thấy sự kiện này là bằng chứng mới về sự khuất phục cúi đầu của tổng thống Mã Anh Cửu trước Bắc Kinh. Đảng đối lập Dân Tiến lên án hiệp định này sẽ đặt Đài Loan « dưới ách thống trị kinh tế và chính trị của Trung Quốc và gây hại đến chủ quyền và độc lập của hòn đảo ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.