Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - BIỂN ĐÔNG

Trung Quốc chống việc quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông

Ngày 23/07/2010, tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xác định rằng Hoa Kỳ xem việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở vùng Biển Đông là ưu tiên ngoại giao hàng đầu của mình. Hai ngày sau, trên trang web bộ Ngoại giao Trung Quốc, Bắc Kinh đã công bố lời phản đối của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, cho rằng Washington không nên ‘’quốc tế hóa’’ tranh chấp Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội ngày 23/7/2010.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN lần thứ 17 tại Hà Nội ngày 23/7/2010. Reuters
Quảng cáo

Đối với Trung Quốc, việc Hoa Kỳ can dự vào hồ sơ này chỉ làm vấn đề rắc rối thêm.Trong bản tuyên bố, Ngoại trưởng Trung Quốc đã xem các nhận định của đồng nhiệm Hoa Kỳ trước Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN là một hành động mà ông gọi là ‘’tấn công’’ Trung Quốc. Theo ông, Biển Đông hiện vẫn đang là một khu vực hòa bình, không hề có vấn đề an ninh hay quyền tự do hàng hải bị hạn chế.

Xin nhắc lại là ngày 23/7 vùa qua, tại Diễn đàn An ninh Khu vực, bà Clinton đã tuyên bố rằng ‘’Lợi ích quốc gia của Mỹ bao hàm quyền tự do hàng hải, quyền tiếp cận các vùng biển chung của châu Á, và sự tôn trọng luật lệ quốc tế tại khu vực Biển Đông". Lo ngại về tác hại của các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa 6 nước trong vùng là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Philippines, Ngoại trưởng Mỹ xác định là việc giải quyết tranh chấp Biển Đông là một "ưu tiên ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ".

Về hướng đi cụ thể của Mỹ, bà Clinton cho biết là Washington đang tìm cách làm việc với các quốc gia ASEAN, Trung Quốc, và một số nước khác để phát triển một cơ chế quốc tế để giải quyết tranh chấp. Theo Ngoại trưởng Hoa Kỳ thì tiến trình này có thể được định chế hóa thông qua ASEAN và dựa trên cơ sở luật biển quốc tế.

Theo giới phân tích, thái độ sẵn sàng can dự của Hoa Kỳ, kèm theo với chủ trương quốc tế hóa và đa phương hóa hồ sơ Biển Đông đã đi ngược lại với chủ trương của Trung Quốc, muốn giải quyết vấn đề trên cơ sở song phương nhằm dễ bề gây sức ép trên các nước nhỏ và yếu hơn mình và tránh được sự nhòm ngó của quốc tế.

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì vào hôm nay đã lập lại quan điểm cố hữu của Trung Quốc khi mỉa mai lập trường của Washington :  ‘’Quốc tế hóa vấn đề thì đi đến đâu ? Vì nó chỉ làm tình hình xấu đi thêm và việc tìm giải pháp khó khăn thêm’’.Theo ông, ‘’Kinh nghiệm quốc tế cho thấy là cách thức tốt nhất để giải quyết các tranh chấp loại này là đàm phán trực tiếp song phương giữa các nước liên can.’’

Trong tuyên bố của mình, ngoại trưởng Trung Quốc còn đả kích sự can thiệp của ASEAN vào hồ sơ này khi cho rằng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á không phải là một diễn đàn thích hợp để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông : « Sở dĩ Trung Quốc và một số nước châu Á có tranh chấp… đó là vì hai bên là láng giềng của nhau. Nhưng không phải là vì các nước đó là thành viên ASEAN mà tranh chấp trở thành giữa Trung Quốc và ASEAN. »

Như để biện minh cho tính đúng đắn trong nhận định của mình về tình hình Biển Đông, ông Dương Khiết Trì còn tiết lộ rằng trong các cuộc tiếp xúc song phương ở Hà Nội với các nước ASEAN: ‘’Không ai nghĩ rằng đang có một mối đe dọa nào đó đối với nền hòa bình và ổn định trong khu vực’’.

Tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc tuy nhiên trái ngược với những gì một số quan chức Mỹ trong phái đoàn Hoa Kỳ đã tiết lộ cho báo chí. Theo nhật báo Mỹ Wall Street Journal vào hôm nay, trong các cuộc họp vừa qua, các quan chức Việt Nam, Philippines và Malaysia đã lên tiếng bày tỏ với Washington, thái độ quan ngại về cách hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền ở các khu vực như quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cũng theo các viên chức Hoa Kỳ, nhân cuôc họp ARF tại Hà Nội hôm thứ sáu vừa rồi, có ít nhất 12 quốc gia châu Á thúc đẩy việc thành lập một cơ chế giải quyết tranh chấp cho vùng Biển Đông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.