Vào nội dung chính
CHÂU Á

Ấn Độ bắt tay với Miến Điện để chặn ảnh hưởng của Trung Quốc

Vì sao một quốc gia dân chủ lớn nhất thế giới như Ấn Độ lại trải thảm đỏ đón tiếp lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện trong chuyến công du năm ngày của tướng Than Shwe ? Khai thác tiềm năng khí đốt của Miến Điện và ngăn chặn ảnh hưởng mỗi ngày mỗi gia tăng của Trung Quốc tại khu vực là những mục tiêu chiến lược của New Delhi.

Reuters
Quảng cáo

Chuyến viếng thăm Ấn Độ của tướng Than Shwe kết thúc ngày 29/07/10 là một dịp để xác nhận New Delhi đặt mối quan hệ với chính quyền quân sự Miến Điện trên góc độ chiến lược lâu dài.

Tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực, viễn ảnh khai thác dầu khí của Miến Điện, hợp tác phát triển kinh tế phía Đông Bắc, đối phó với phong trào nổi dậy ở biên giới… là những lý do làm cho Ấn Độ phải giao hảo với chính quyền Naypyidaw.

Công luận Ấn Độ tỏ ra hoàn toàn đồng thuận với chính sách chính trị « thực tiễn » của chính phủ mặc dù giới bảo vệ nhân quyền và Tây phương thất vọng. Báo Indian Express bình luận rằng các biện pháp tẩy chay Miến Điện vì lý do ý thức hệ không mang lại hiệu quả.

Trước đây, các chính phủ tại Ấn đều hậu thuẫn phe đối lập Miến Điện và bà Aung San Suu Kyi. Nhưng đến giữa thập niên 1990, Ấn Độ bắt đầu có động thái hòa dịu với tập đoàn quân sự khi thấy nhu cầu về năng lượng và địa lý chính trị bức thiết hơn là giúp dân tộc quốc gia Đông Nam Á láng giềng phục hồi dân chủ.

Ấn Độ hiện là đối tác kinh tế quan trọng thứ tư của Miến Điện sau Thái Lan, Trung Quốc và Singapore.

« Đông hòa Miến Điện bắc cự Trung Quốc »

Báo Hindu nhận định rằng, Ấn Độ đã phát hiện rằng  trên hồ sơ MIến Điện, thì Bắc Kinh đã vượt qua mặt  New Delhi trong cuộc đọ sức giữa hai đại cường khu vực.

Tháng 6 vừa qua, thủ tướng Trung Quốc sang thăm Miến Điện và ký một loạt hợp đồng từ thương mại, tài chính, năng lượng, khoa học đến công nghệ. Ảnh hưởng của Trung Quốc gần như bao trùm mọi lãnh vực. Người Trung Quốc có mặt từ biên giới Vân Nam đến tận vịnh Bengale.

Bắc Kinh đầu tư ồ ạt vào dự án xây ống dẫn khí đốt và dầu hỏa nối liền cảng Sittwe của Miến Điện đến tận tỉnh Vân Nam cho phép tàu chờ dầu nhập từ Trung Đông tránh được một đoạn đường dài đi qua eo biển Malacca và biển Đông được xem là có nhiều bất trắc trong trường hợp có khủng hoảng địa lý chính trị.

Theo thông tín viên của nhật báo Le Monde tại Nam Á, Frédéric Bobin, Ấn Độ biết rõ rằng ngoài việc tạo ảnh hưởng tại Miến Điện, mục tiêu của Bắc Kinh là nhằm chinh phục toàn vùng lân cận từ Pakistan, Népal đến Bangladesh. Nhiều chuyên gia Ấn cho rằng Trung Quốc âm mưu bao vây Ấn Độ.

Ngoài chiến lược ngăn chặn ảnh hưởng Bắc Kinh, Ấn Độ còn hai mối ưu tư liên quan đến an ninh quốc nội. Trong chuyến viếng thăm của tướng Than Shwe, hai bên ký một hiệp ước hợp tác « chống khủng bố », không để cho lãnh thổ của mình biến thành « hậu cứ » cho bất kỳ tổ chức « nổi loạn » nào.

Cuối cùng, Ấn Độ cũng cần lãnh thổ Miến Điện, qua trung gian cảng Sittwe, để tiếp tế hàng hóa cho bang Mizoram thay vì phải đi qua đường vòng độc đạo xa xôi hiểm trở hay phải mượn đường Bangladesh, một nước hồi giáo từng xảy ra quan hệ căng thẳng với Ấn.

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.