Vào nội dung chính
MỸ-TRUNG-BIỂN ĐÔNG

Quan hệ Mỹ-Trung và vấn đề Biển Đông

Các tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhân Hội nghị ASEAN vừa qua tại Hà Nội cho thấy là chính quyền Obama đã xem xét lại chính sách đối với khu vực châu Á trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng, đưa ra những đòi hỏi phi lý về chủ quyền, muốn kiểm soát hầu hết khu vực Biển Đông, còn các nước Đông Nam Á, thì mong muốn sự quay trở lại của Hoa Kỳ như là một đối trọng với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Hà Nội nhân Diễn đàn khu vực ASEAN từ 19 đến 23/7/2010.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tại Hà Nội nhân Diễn đàn khu vực ASEAN từ 19 đến 23/7/2010. Reuters
Quảng cáo

Chính sách cân bằng ảnh hưởng Mỹ-Trung đã được thực hiện sau khi tổng thống Barack Obama nhậm chức và cam kết quay lại khu vực châu Á, nơi vốn bị sao nhãng dưới chính quyền của tổng thống George Bush. Giới quan sát nhận thấy là trong thời gian qua, không chỉ Ngoại trưởng Hillary Clinton, bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates mà còn có rất nhiều các quan chức cao cấp khác của chính quyền Mỹ đã công du khu vực này.

Theo ông Douglas Paal, nguyên là quan chức cao cấp trong nhiều chính quyền Mỹ trước đây, thì nhiều nước trong khu vực cho rằng Hoa Kỳ đang quay lại chơi trò cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc. Các nước này cảm thấy là nếu đứng riêng lẻ, họ không thể đối phó được với Trung Quốc, do vậy, họ cần một quốc gia nào đó thúc đẩy họ hợp tác với nhau.

Trong khi đó, bà Bonnie Glasser, một chuyên gia về Trung Quốc, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, đã từng có thời gian làm cố vấn cho bộ Ngoại giao và bộ Quốc phòng Mỹ nhận xét là các nước châu Á tỏ ra lạnh lẽo với Trung Quốc, có thái độ nồng ầm hơn với Mỹ. Xét về cơ hội phát triển quan hệ thương mại và đầu tư, hầu hết các quốc gia trong vùng hoan nghênh sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc, nhưng đồng thời, các nước này lại nghĩ rằng Trung Quốc đã lộng hành. Do vậy, cần phải có một sự cân bằng hơn và cường quốc tốt nhất để làm việc này là Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, cũng có những chuyên gia Mỹ lưu ý chính quyền Washington không nên làm ảnh hưởng đến quan hệ với Bắc Kinh.

Ông Kenneth Lieberthal, chuyên gia phân tích hàng đầu thuộc viện Brookings, tại Washington, được AFP trích dẫn, cảnh báo là việc Mỹ quay trở lại đảm nhiệm vai trò to lớn ở khu vực Thái Bình Dương có thể làm cho Trung Quốc khó chịu, gây tổn hại cho quan hệ song phương và tình trạng này sẽ bất lợi cho cả hai nước.

Vẫn theo nhà phân tích này, có thể một số lãnh đạo ở Bắc Kinh nghĩ rằng chính quyền Obama đang tìm cách thúc đẩy lòng tin của một số nước tại Đông Nam Á đến mức gây khó khăn, cản trở sự bành trướng của Trung Quốc tại châu Á.

Tờ Washington Post trích dẫn các quan chức Hoa Kỳ và ASEAN tham dự Diễn đàn an ninh khu vực, ARF ở Hà Nội, cho biết là sau khi Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi các bên liên quan tôn trọng quyền tự do thông thương hàng hải và hàng không trên vùng Biển Đông, Ngoại truởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có phản ứng, bỏ ra ngoài, không tham dự Diễn đàn trong một tiếng đồng hồ. Khi quay lại, ông Dương Khiết Trì đã đáp trả trong vòng 30 phút, tố cáo Mỹ có ý đồ chống Trung Quốc trong hồ sơ Biển Đông, mỉa mai chính quyền Việt Nam và công khai đe dọa Singapore, khi nói thẳng với ngoại trưởng George Yeo, xin trích, « Trung Quốc là một nước lớn và các nước là những nước nhỏ. Đó là một thực tế ».

Giải thích về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, các quan chức Mỹ nêu ra hai cách tiếp cận vấn đề được tiến hành song song.

Một mặt, chính quyền Obama thừa nhận Trung Quốc là một cường quốc đang vươn lên, mời Bắc Kinh tham gia Hội nghị 20 nền kinh tế lớn trên thế giới, G20, tổ chức nhiều cuộc gặp, đối thoại song phương giữa các quan chức cấp cao, ủng hộ Trung Quốc có vai trò to lớn hơn tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Mặt khác, Hoa Kỳ tìm mọi cách hạn chế những ý đồ bá quyền của Trung Quốc trong khu vực, và để làm việc này, Mỹ đã gia tăng hoạt động ngoại giao, cải thiện bang giao với nhiều quốc gia châu Á -Thái Bình Dương, bãi bỏ lệnh cấm hợp tác với lực lượng đặc biệt của quân đội Indonesia và tăng cường quan hệ liên minh với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, tỏ thái độ cứng rắn tại Diễn đàn An ninh khu vực ARF vừa qua.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.