Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - MỸ - BIỂN ĐÔNG

Obama muốn ngăn chận sự bành trướng trên biển của Trung Quốc

Hoa Kỳ cố gắng chống lại những đòi hỏi về chủ quyền lãnh hải của Bắc Kinh, bằng cách giúp đỡ các đồng minh trong khu vực. Đó là nội dung của bài báo mang tựa đề «Obama muốn ngăn chận sự bành trướng trên biển của Trung Quốc», của đặc phái viên nhật báo Le Figaro tại Washington.

Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông cuối tháng 6/2010
Hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông cuối tháng 6/2010 © AFP/ Park Yeong-Dae
Quảng cáo

Tác giả nhận xét, sau khi ông Obama đăng quang vào đầu năm 2009, một vị tổng thống Mỹ đậm chất « Á châu » nhất từ trước đến nay, nhiều nhà phân tích của Washington cho rằng, thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 sẽ chứng kiến một thế giới lưỡng cực Mỹ - Trung, được gọi là Chinamerica. Được dựa trên một lý thuyết thuần kinh tế, quan niệm này đang vỡ vụn qua thực tại ở châu Á.

Đối với nước Mỹ, có hai vấn đề. Một là cần phải thừa nhận sức mạnh kinh tế tài chính ngày càng tăng của Trung Quốc, và như vậy phải chấp nhận G20 là một diễn đàn của các vấn đề toàn cầu, nâng cao vai trò của Trung Quốc tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Mặt khác, phải để cho Bắc Kinh đóng vai trò lãnh đạo chính trị tại vùng Viễn Đông – khu vực đang là đầu tàu của nền kinh tế thế giới, và Hoa Kỳ đang có các đồng minh thân thiết. Nhưng vào tháng bảy vừa qua, chính quyền ông Obama đã phát ra các tín hiệu cho thấy Mỹ không có ý định ngó lơ tình hình khu vực này.

Bài báo nêu ra vụ tàu Cheonan của Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ từ thập niên 50, bị ngư lôi Bắc Triều Tiên bắn chìm làm 46 thủy thủ thiệt mạng. Tuy các nhà lãnh đạo Bắc Kinh vẫn coi chế độ Bình Nhưỡng là một chế độ « hơi điên khùng », nhưng vẫn không muốn khuyên giải, cho dù Bắc Kinh dư sức gây áp lực. Cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn vừa qua là một thông điệp cứng rắn gởi đến Bình Nhưỡng. Lập tức Bắc Triều Tiên đe dọa sẽ đáp trả « bọn đế quốc » bằng vũ khí hạt nhân. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giữ thái độ bình tĩnh, thậm chí dửng dưng trước lời đe dọa này. Nhưng ngược lại, sự phản kháng của Trung Quốc tuy lời lẽ ít hiếu chiến hơn, nhưng phía Mỹ lại coi là nghiêm trọng hơn.

Do còn nể mặt Bắc Kinh, nên cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn chỉ diễn ra ở vùng biển Nhật Bản, tránh vùng biển Hoàng Hải gần lãnh hải Trung Quốc. Nhưng các tuyên bố công khai đầy ngạo mạn của Bắc Kinh đã khiến Washington trở nên cứng rắn hơn. Hải quân Hoa Kỳ vừa loan báo là sẽ tiến hành một cuộc tập trận trên biển thứ hai, và lần này sẽ ngay tại hải phận quốc tế Hoàng Hải.

Tác giả cũng nhận định, từ nhiều tháng qua Washington đã sử dụng một chính sách ngoại giao khá tế nhị, nhằm kìm hãm tham vọng bá chủ của Trung Quốc tại vùng biển Đông Nam Á, nơi giao thương phân nửa trọng tải hàng hóa giao dịch của thế giới. Đối với Hoa Kỳ, các đòi hỏi về lãnh hải của Trung Quốc là không thể nào chấp nhận được, và Hoàng Hải cũng như Biển Đông không phải là Tây Tạng !

Le Figaro nhắc lại sự kiện Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đích thân tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN vừa qua. Và trước đoàn đại biểu Việt Nam không giấu được vẻ hài lòng, bà Clinton đã tuyên bố không có quốc gia nào được tự cho mình sở hữu đặc khu kinh tế trên biển, lấy cớ nhằm kiểm soát quân sự các hòn đảo san hô không người ở là Hoàng Sa và Trường Sa.

Tờ báo nói thêm, năm 1974 Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa của miền Nam Việt Nam và năm 1988 đã dùng vũ lực chiếm các bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa, đánh chìm các tàu Việt Nam. Trận hải chiến này đã làm quan hệ ngoại giao giữa hai chính phủ cộng sản « anh em » bị băng giá trong suốt ba năm. Theo Le Figaro, bên cạnh quyền đánh cá ở vùng biển giàu hải sản này, quan trọng nhất vẫn là nguồn dầu hỏa vốn được các nhà địa chất Mỹ phát hiện vào năm 1968.

Le Figaro cũng chú ý đến chi tiết, bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì, quá tức giận vì bài phát biểu của bà Hillary Clinton, đã bỏ ra khỏi phòng họp cả tiếng đồng hồ. Khi quay lại, ông ta đã hùng hồn lên án Hoa Kỳ xúi giục các nước chống lại Trung Quốc, chế diễu « chế độ xã hội chủ nghĩa » của Việt Nam, và nhìn thẳng vào mặt người đồng nhiệm Singapore khi tuyên bố : « Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và đây là một thực tế ».

Còn thứ ba tuần rồi, ông Đổng Vân Hổ, thứ trưởng Thông tin Trung Quốc đã tuyên bố với báo Le Figaro là người Mỹ chẳng việc gì phải can dự vào các tranh chấp lãnh hải trong một khu vực chẳng phải thuộc về họ, nơi họ đã gây chiến trước đây, và mọi vấn đề sẽ được giải quyết một cách hòa bình « giữa những người châu Á với nhau ».

Tác giả nhắc lại rằng, trong thập niên 30 người Nhật cũng đã từng hùng biện là người da trắng chẳng nên can dự vào châu Á, nơi sẽ xây dựng khối Đại Đông Á thịnh vượng, và kết quả ra sao thì ai cũng rõ.

*

Các báo Pháp hôm nay chú ý nhiều đến tình hình nội bộ. Le Monde hoan nghênh quyết định của Hội đồng Bảo hiến, xem các điều khoản chủ yếu trong đạo luật quy định các thủ tục hình sự liên quan đến việc câu lưu là « vi hiến ». Về mặt an ninh, nhật báo cánh tả Libération đả kích các biện pháp do chính phủ đề nghị như ấn định các tiêu chuẩn mới cho việc truất quyền công dân, án tù giam dành cho cha mẹ trẻ vị thành niên phạm tội…là quá đáng, quá thiên hữu. Tờ báo cộng sản L’Humanité nhấn mạnh « Nền cộng hòa bị tổng thống đe dọa » và cho rằng chính phủ đang lấn sang mảnh đất của phe cực hữu, còn tờ báo cánh hữu Le Figaro nhận xét « Phe hữu tiến công, phe tả phẫn nộ ».

Sự kiện Albi thuộc vùng Tarn của Pháp, thành phố công giáo thời Trung cổ được xây bằng gạch nung, có diện tích khoảng hai chục hecta, vừa được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới (cùng với 15 di sản khác, trong đó có Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam) được hầu hết các báo đưa tin. Một tin vui khác nữa là thành công của đoàn vận động viên Pháp trong giải vô địch điền kinh châu Âu mới đây.

*

Quay lại Trung Quốc, nhật báo Le Monde viết về Hàn Hàn, một blogger nổi tiếng mới 28 tuổi, chủ nhân một blog được xem là nhiều người đọc nhất thế giới, với lượng truy cập cho tới nay lên đến 400 triệu. Trong cuộc bình chọn qua mạng về các nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Time tổ chức vào cuối tháng tư, anh được các fan đẩy lên hàng thứ hai.

Không chỉ là nhà văn, Hàn Hàn còn là ca sĩ và tay đua xe có hạng, được các cô gái và các nhà ly khai rất hâm mộ. Cho dù là ngôi sao nhạc pop, đôi khi blog của anh cũng bị kiểm duyệt. Hàn Hàn đã phát biểu trong một cuộc hội thảo ở một trường đại học : « Bạn có biết tại sao Trung Quốc không thể trở thành một cường quốc văn hóa hay không ? Bởi vì chúng ta phải bắt đầu mỗi bài diễn văn bằng câu « Các đồng chí lãnh đạo kính mến », mà các vị lãnh đạo ấy chẳng có văn hóa gì cả và họ cũng cảnh giác với văn hóa, kiểm duyệt và kiểm soát văn hóa ». Về các vụ tự tử ở hãng Foxconn, anh viết : « Vì sao các chính khách của chúng ta có thể diễu hành ngẩng cao đầu trên trường quốc tế ? Đó là nhờ mỗi người trong các bạn, những lao động giá rẻ mạt. Chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Quốc của chúng ta có là chủ nghĩa tư bản kiểu phong kiến hay không, điều đó không quan trọng các bạn trẻ ạ, bạn không có giải pháp nào khác. Cũng thật đáng tiếc khi bầu máu nóng trong tim ta phải vung vãi trên mặt đường nhựa… ».

Nhìn sang nước láng giềng với Việt Nam là Lào, nhật báo công giáo La Croix có bài viết mang tựa đề « Hiệp ước Oslo về bom chùm đã mang lại niềm hy vọng cho Lào ».

Đặc phái viên của La Croix tại Vientiane và Phonsavan cho biết, Lào là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của loại bom này. Từ năm 1964 đến 1973, Mỹ đã thả 270 triệu bom chùm xuống nước Lào, và vùng đông bắc lãnh nhiều bom nhất. Không quân Hoa Kỳ vừa tấn công lực lượng cách mạng Lào, vừa muốn cắt đường tiếp tế của Bắc Việt cho bộ đội xâm nhập vào miền Nam qua đường mòn Hồ Chí Minh.

Người ta ước lượng khoảng một phần ba số bom này chưa nổ, chúng trông giống những quả banh tennis với đủ màu sắc hấp dẫn, và một phần tư số nạn nhân của bom chùm tại Lào là trẻ em, đa số là các bé trai. Cho dù lượng tai nạn có giảm, nhưng hàng năm vẫn có khoảng 300 người dẫm phải bom mìn.

Khi ký kết hiệp ước Oslo, Lào hy vọng sẽ nhận được viện trợ nhiều hơn cho việc tháo gỡ bom mìn và giúp đỡ các nạn nhân. Theo một nhà tư vấn, từ năm 93 Washington đã việc trợ cho Lào 40 triệu đô la để làm các công tác trên, nhưng thời chiến tranh, trong suốt 9 năm Mỹ đã chi 17 triệu đô la mỗi ngày để oanh tạc nước này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.