Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Hoa Kỳ chọc giận Trung Quốc tại châu Á

Nhật báo Libération hôm nay chú ý đến sự thay đổi trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Với tựa đề « Washington chọc giận Bắc Kinh tại châu Á », tờ báo nhận định, về mặt quân sự và ngoại giao, Hoa Kỳ đã ghi điểm so với Trung Hoa, cường quốc đang trỗi dậy.

Rudy Lupton, hạm trưởng  US Blue Ridge (LCC19), tàu chỉ huy của hạm đội 7, trả lời họp báo khi chiến hạm cập bến cảng Bắc Manila (04/08/2010). Ông Lupton tuyên bố Trung Quốc cần phải hành xử có trách nhiệm trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông
Rudy Lupton, hạm trưởng US Blue Ridge (LCC19), tàu chỉ huy của hạm đội 7, trả lời họp báo khi chiến hạm cập bến cảng Bắc Manila (04/08/2010). Ông Lupton tuyên bố Trung Quốc cần phải hành xử có trách nhiệm trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông REUTERS/Romeo Ranoco
Quảng cáo

Thoạt tiên, Libération giới thiệu sự kiện Bắc Kinh giận dữ vì cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc với sự tham gia của 29 000 binh sĩ Mỹ cuối tháng 7 tại vùng biển Triều Tiên, mà Trung Quốc vẫn coi là khu vực thuộc ảnh hưởng của mình. Bắc Kinh đã 6 lần phản đối cuộc tập trận quy mô này. Tiếp theo đó, một cuộc tập trận lớn của quân đội Trung Quốc, với sự tham gia của 12 000 binh sĩ, đã được tổ chức tại miền Đông nước này, nhằm trả đũa lại một cuộc ném bom giả định của quân đội nước ngoài vào Bắc Kinh.

Bộ Quốc phòng Mỹ không ngừng ở đó. Trong tuần này, hàng không mẫu hạm khổng lồ USS George Washington có thể tiếp tục tiến hành tập trận tại các vùng biển ngoài khơi Trung Quốc. Một sĩ quan cao cấp trong quân đội Trung Quốc cho biết Hoa Kỳ không bao giờ từ bỏ chính sách bao vây Trung Quốc.

Libération nhận định, quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi đáng kể từ một tháng nay. Đã từ lâu, Trung Quốc khẳng định « chủ quyền không thể tranh cãi » trên vùng biển quốc tế tại Biển Đông, trong một khu vực cách bờ biển Trung Quốc hơn 1000 km. Khu vực có tiềm năng về dầu mỏ và khí đốt này cũng là nơi Đài Loan, và nhiều nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Singapore đòi chủ quyền. Tuy nhiên đòi hỏi của Bắc Kinh trở nên đột ngột quyết liệt vào đầu năm nay. Tháng 3, Bắc Kinh tuyên bố với các lãnh đạo Hoa Kỳ về « các lợi ích sống còn » của Trung Quốc trên phần lớn Biển Đông, giống như tại hai vùng lãnh thổ Đài Loan và Tây Tạng. Hành động cụ thể là Trung Quốc đã đòi hai công ty Exxon và BP ngừng khai thác dầu trên thềm lục địa Việt Nam, và bắt giữ hàng trăm ngư dân không phải là người Trung Quốc.

Hoa Kỳ đã có phản ứng kiên quyết. Ngày 23/07/2010, trong cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức ASEAN tại Việt Nam, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc là bất hợp pháp và không có giá trị. Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã rời phòng họp và lên án Washington âm mưu chống Trung Hoa. Ông Dương Khiết Trì lớn tiếng với người đồng nhiệm Singapore, với tuyên bố : « Trung Quốc là nước lớn, còn các nước khác là nước nhỏ ».

Về phần Việt Nam, kể từ thời điểm đó, nước này đã thiên về hướng nhờ đến vai trò trung gian của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột tại Biển Đông. Còn tại Trung Quốc, người ta cho rằng Hoa Kỳ có âm mưu thu hẹp không gian sinh tồn của quốc gia mình trên vùng biển phía Nam.

Libération phân tích, sự thất thế của Trung Quốc về mặt ngoại giao đi kèm với những bước tiến tới của Mỹ. Washington đã tiếp cận với nhiều nước, vốn là « các chư hầu » của Trung Quốc, như Lào hay Miến Điện. Những trao đổi quân sự với Indonesia cũng tái khởi động, bất chấp Jakarta bị lên án về các vi phạm nhân quyền.

Rổt cuộc những mối quan hệ của Hoa Kỳ với các nước châu Á, như Hàn Quốc và Nhật Bản, tưởng đang xấu đi, nay lại được cải thiện rõ rệt. Việt Nam đã gần như trở thành một đồng minh của Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ chuẩn bị bán thêm hai tàu chiến cho Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền từ năm 1949.

Chỉ trong phút chốc, tham vọng của Trung Quốc trở thành lãnh đạo và đại diện cho các « nước anh em châu Á » đã bị đẩy lùi. Theo Libération, Hoa Kỳ đã lợi dụng, và có phần phóng đại, nỗi lo ngại của nhiều nước Đông Á đối với Trung Quốc. Một tướng lãnh cao cấp trong quân đội Hoa Kỳ cho rằng Bắc Kinh đã tăng cường tiềm lực không quân và hải quân, trong khi đó một nhà nghiên cứu Trung Quốc thì nhận xét, Hoa Kỳ muốn tỏ ra là người lãnh đạo khu vực châu Á Thái Bình Dương, vì thế họ muốn làm mọi cách để giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này.

Trung Quốc tăng cường chi phối các nguồn đất hiếm

Vẫn về Trung Quốc, nhật báo Le Figaro quan tâm đến việc nước này tăng cường chi phối các tài nguyên đất hiếm. Hiện tại sản lượng đất hiếm do Trung Quốc sản xuất chiếm đến 95% sản lượng toàn cầu. Các tài nguyên đất hiếm bao gồm nhóm 17 kim loại, cần cho một số sản phẩm công nghiệp có tính chiến lược trong các ngành điện tử, hàng không, hạt nhân, ...

Le Figaro cho biết, hiện tại hai tập đoàn khai mỏ của Trung Quốc Baotou Steel và Jiangxi Copper, kiểm soát đến 2/3 sản lượng, đã thỏa thuận thống nhất giá cả các tài nguyên này. Liên minh giá cả này là một điều không thể có tại châu Âu. Ngoài ra Bắc Kinh cũng đưa ra chính sách giới hạn xuất khẩu đất hiểm ở mức 89 200 tấn, có nghĩa là thấp hơn 8,2 % so với mức tăng của nhu cầu hiện nay trên thế giới.

Theo tuyên bố của Bộ Công nghiệp Trung Quốc, nước này sở hữu đến 80% dự trữ các kim loại kể trên. Khi còn sống, ông Đặng Tiểu Bình đã ví các kim loại này với dầu mở ở Cận Đông. Tình trạng hiện nay đặc biệt căng thẳng, vì trong những năm 1990, các nước phương Tây đã dành ưu tiên cho các nhà khai thác Trung Quốc, do giá mua quá hời. Tuy nhiên, hiện nay, giá trung bình của các kim loại này đã tăng gấp bốn. Bởi vậy các nhà sản xuất phương Tây bắt đầu tìm kiếm các nguyên liệu này từ nơi khác, nhưng cũng phải mất bốn, năm năm các mỏ mới khai thác có thể cho ra sản phẩm.

Trước mắt để vượt qua thách thức hiện nay do việc Trung Quốc khống chế sản lượng kim loại hiếm xuất khẩu, các nhà sản xuất phải phát triển các công nghệ mới sử dụng một cách tiết kiệm và có hiệu quả hơn nguồn tài nguyên này.

Sự trỗi dậy của công nhân tại châu Á

Về tình hình châu Á, xã luận của tờ Le Monde hôm nay chạy hàng tựa « Tin mừng : công nhân châu Á vùng lên ! ». Le Monde so sánh tình trạng chung đầy xung đột xã hội tại châu Á với nỗi lo sợ của những người làm công tại phương Tây trước cảnh khủng hoảng, thất nghiệp gia tăng, và sức ép trên lương bổng cùng các chương trình thắt lưng buộc bụng. Từ Bangladesh đến Trung Quốc, các phong trào đòi tăng lương bùng nổ. Thực tế này, theo Le Monde đã chấm dứt một ảo ảnh của nhiều nhà kinh tế và doanh nghiệp phương Tây rằng châu Á là nguồn dự trữ nhân công dễ bảo và gần như vô tận. Tờ báo nhận định, các xung đột xã hội này là một điều rất tốt vì nó cho thấy cơ hội để hàng trăm triệu người thoát ra khỏi cảnh nghèo đói. Đối với phươg Tây, nó cũng là một điều thuận lợi, vì nó có thể hạn chế việc di chuyển các doanh nghiệp sang các nơi có nhân công rẻ. Le Monde kết luận, quá trình toàn cầu hóa chỉ có thể bền vững nếu như nó mang tính công bằng, có nghĩa là nó tạo điều kiện cho sự xích gần lại của mức sống vốn rất khác nhau tại các vùng khác nhau trên trái đất.

Mua lại International Power, công ty Pháp GDF-Suez trở thành nhà sản xuất điện đứng thứ hai thế giới

Nhật báo Le Figaro và Les Echos hôm nay đưa trên trang nhất sự kiện công ty GDF Suez của Pháp mua lại công ty Anh International Power. Như vậy công ty này đang từ hàng thứ chín đã vọt lên đứng hàng thứ hai thế giới về sản xuất điện, sau Điện lực Pháp (EDF). Công ty GDF sẽ rót vào International Power 22 tỷ euro cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn nhất, nắm 70% vốn của công ty này.

Thiên tai trên toàn thế giới dồn dập giữa hè

Về môi trường khí hậu, mùa hè năm nay nhiều địa điểm trên toàn thế giới đã chịu những thiên tai kinh hoàng, nạn cháy rừng tại Nga, nạn lụt tại Pakistan và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo nhận định của Le Figaro, vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng đợt khô hạn và ngập lụt này là do các hậu quả của việc trái đất nóng lên. Đưa ra câu hỏi, phải chăng các thiên tai khủng khiếp này là hệ quả của việc khí hậu nóng lên ? Hiện nay, các chuyên gia về vấn đề này tỏ ra thận trọng. Sai lầm của các kỹ sư công ty dầu mỏ BP tại vùng vịnh Mehico là cái có thể chứng minh dễ dàng, nhưng phần tác động của con người trong các thiên tai tại Nga và Pakistan hay Trung Quốc lại không dễ chứng minh.

Theo giám đốc Viện Nghiên cứu Simon Laplace, một chuyên gia về toán học, thì các thay đổi khí hậu không thể đánh giá theo mùa, mà theo hàng thập kỷ. Nạn cháy rừng ở Nga hiện nay có thể được quy cho nhiều yếu tố, chỉ có thống kê đầy đủ các nguyên nhân mới có thể cho phép xác định được rõ đâu là nguyên nhân chính.

Sau thất bại tại hội nghị thượng đỉnh Copenhagen 2009, đặc biệt với việc phê phán các quan điểm của Giec (Nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu), các nhà khí hậu học hiện nay ngày càng trở nên thận trọng. Giec đã thừa nhận và sửa chữa một số sai lầm, trong khi đó một cuộc điều tra đã minh oan cho việc các nhà khí hậu học Anh, chống lại quan điểm cho rằng các hoạt động của con người làm biến đổi khí hậu, đã giả mạo các dữ kiện thời tiết.

Tuy nhiên Giec vẫn giữ nguyên các kết luận chính, khẳng định tính xác suất cao của việc khí hậu bị hâm nóng. Theo tổ chức này, vì thiếu các phương tiện nghiên cứu đầy đủ về việc bảo vệ khí hậu, vẫn có thể khẳng định với xác suất rất cao là số lượng các đợt khô hạn (xác suất hơn 90%) và mưa lớn (xác suất hơn 66%) đang tăng lên trên hầu hết các lục địa.

Về tác động của con người đến khí hậu trái đất, ông Pascal van Ypersele, phó chủ tịch Giec, đưa ra hình ảnh ví von : giống như một tai nạn trên xa lộ khi ô tô đã tăng tốc từ 130 lên 140 km/giờ. Không biết điều gì sẽ xảy ra nếu như xe chỉ chạy ở tốc độ 130km/giờ. Rõ ràng cần phải có thêm nhiều dữ liệu mới có thể kết luận được chính xác về tác động của tốc độ đến tai nạn. Tuy nhiên, những thiên tai khủng khiếp hiện nay là những dấu hiệu báo động. Đời sống của nhân loại phụ thuộc vào sự ổn định của khí hậu.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.