Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Các tập đoàn thuốc lá tìm nguồn khách hàng mới tại châu Á

Do gặp nhiều khó khăn tại các nước phát triển vốn càng ngày càng siết chặt các biện pháp hạn chế việc hút thuốc lá, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, các nhà sản xuất thuốc lá đang tìm cách ve vãn những khách hàng phương Đông. Nhật báo Le Monde hôm nay có bài viết nêu bật vấn đề trên.

Một người đàn ông đang hút thuốc bên ngoài khuôn viên một nhà thờ ở Bắc Kinh, ảnh chụp ngày 18/8/2010. Chỉ có một phần tư người Trung Quốc chịu tin là hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư.
Một người đàn ông đang hút thuốc bên ngoài khuôn viên một nhà thờ ở Bắc Kinh, ảnh chụp ngày 18/8/2010. Chỉ có một phần tư người Trung Quốc chịu tin là hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư. Reuters
Quảng cáo

Theo cơ quan nghiên cứu Euromonitor, thì có đến 6 triệu người châu Á mới gia nhập đội ngũ những người nghiện thuốc lá vào năm ngoái, và từ nay cho đến năm 2014, sẽ có thêm 30 triệu tín đồ của chất nicotine tại lục địa này. Con số này không thể thoát khỏi cặp mắt quan sát của các tập đoàn sản xuất thuốc lá lớn trên thế giới.

Châu Á chiếm đến 60% tổng số người hút thuốc lá của toàn thế giới, trong khi tỉ lệ này ở Tây Âu là 10%, Đông Âu 10%, còn Hoa Kỳ chỉ có 4,5%. Trong vòng 5 năm gần đây, số người hút thuốc tại các nước phát triển đã giảm đi 4%, do giá thuốc lá cao, chính sách hạn chế hút thuốc của chính quyền, và cũng do khủng hoảng kinh tế.

Vì vậy mà 60% lượng thuốc lá bán ra trên thế giới được tiêu thụ tại châu Á. Nếu tính về giá trị thì thật ra thị phần châu Á chỉ có 36%. Ngân sách hàng năm dành cho thuốc lá của một người tiêu thụ thuốc lá châu Á được ước tính khoảng 52 đô la, trong khi châu Âu là 333 đô là và Mỹ 270 đô la. Sự cách biệt này là do giá bán ở châu Á rẻ hơn. Giá trung bình một gói thuốc ở lục địa này chỉ khoảng 1,2 đô la ; còn Tây Âu đến 5,4 đô la ; Mỹ 5,2 đô la ; châu Mỹ la tinh 2 đô la.

Tuy vậy thị trường châu Á không đồng nhất mà rất khác biệt, thậm chí trái ngược hẳn. Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất với 350 triệu người hút thuốc, chỉ trong 5 năm qua đã tiêu thụ đến 400 tỉ điếu thuốc. Thị trường nội địa nước này nằm trong vòng kiểm soát của nhà nước, vốn là cổ đông của China National Tobacco Company. Tập đoàn Thuốc lá Trung Quốc năm ngoái đã giúp thu vào được 76 tỉ đô la thuế và lợi nhuận ; trong đó thuế đánh vào thuốc lá chiếm đến 61 tỉ đô la, một nguồn lợi to lớn cho ngân sách nhà nước. Cũng vì vậy mà các biện pháp hạn chế thuốc lá chỉ được áp dụng rất chậm chạp.

Ngược lại ở Nhật Bản, thị trường thuốc lá đứng thứ nhì châu Á, vấn đề sức khỏe cộng đồng được đặt lên trên. Chính phủ dự định tăng thuế vào tháng 10 tới, khiến giá một gói thuốc lá sẽ tăng gần 30%. Công ty Japan Tobacco có vốn nhà nước 50% sẽ phải quay sang thị trường quốc tế, trong đó có thị trường châu Á lâu nay vốn chưa được quan tâm.

Hai tập đoàn sản xuất thuốc lá hoạt động tích cực tại lục địa này là Philip Morris International (PMI), chủ sở hữu nhãn hiệu Marlboro quen thuộc, và British American Tobacca (BAT), sản xuất hiệu Lucky Strike, Dunhill. Philip Morris bán khá chạy ở Indonesia và Hàn Quốc, hiện đã ký hợp đồng hợp tác với công ty thuốc lá lớn nhất của Philippines, còn BAT vừa mua lại một hãng của Indonesia. Nhưng thị trường Trung Quốc vẫn còn là một dấu hỏi cho các tập đoàn quốc tế vì hiện đang khép kín đối với họ, thêm vào đó là nạn buôn lậu đang hoành hành tại châu Á.

Thông tín viên của Le Monde tại Thượng Hải cho biết, các biện pháp hạn chế thuốc lá ở Trung Quốc còn rất ít ỏi và không hiệu quả. Làm thế nào thuyết phục 350 triệu người nghiện bỏ thuốc, đây là một bài toán rất khó, nhất là khi hút thuốc đã trở thành một tập tục quen thuộc trong xã hội. Một bác sĩ cho biết, điếu thuốc đầu tiên ông hút là do thủ trưởng mời, và phân nửa số đồng nghiệp trong khoa cấp cứu của ông nghiện thuốc – một tỉ lệ tương đương với tỉ lệ trung bình cả nước. Tuy báo chí không còn được quảng cáo thuốc lá, nhưng ngành công nghiệp đầy uy lực này vẫn tìm được nhiều cách để quyến rũ giới trẻ. Mới đây một tổ chức từ thiện đã phải đấu tranh chống lại việc đặt tên cho một trường học là Trung Nam Hải, nhãn hiệu thuồc lá quen thuộc và là nhà tài trợ cho trường này.

Một nữ bác sĩ làm việc cho Tổ chức Y tế Thế giới nhận xét, môi trường ở Trung Quốc hoàn toàn không khuyến khích người ta bỏ hút thuốc. Bà mô tả : « Hãy tưởng tượng bạn là một người đàn ông Trung Quốc 35 tuổi. Bạn đến cơ quan, thủ trưởng mời bạn một điếu thuốc. Bạn sẽ phải tiếp một khách hàng khó tính, và « miếng trầu là đầu câu chuyện », người đó mời bạn thuốc lá. Sau giờ làm việc, bạn đi ăn với đồng nghiệp, tất cả đều hút thuốc. Thuốc lá rất rẻ. Bạn muốn cai nghiện thuốc lá, nhưng nhà thuốc tây không có sản phẩm nào cho bạn, còn chính bác sĩ của bạn cũng nghiện hút ! ».

Cách đây 5 năm, Bắc Kinh đã ký hiệp định khung với Tổ chức Y tế Thế giới, cam đoan sẽ ra lệnh cấm hút thuốc nơi công cộng trước năm 2011. Thời điểm đã cận kề, thế nhưng vẫn không thấy Bộ Công nghiệp và Kỹ thuật Thông tin phổ biến cho công chúng. Bộ này cũng chính là cấp trên của cơ quan quản lý ngành thuốc lá, việc « vừa đá bóng vừa thổi còi » là lý do của sự chậm chạp trên.

iPod được người Trung Quốc chuyển thành iPhone : Thách thức cho Apple

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde cho biết một chuyên viên thảo chương 22 tuổi tên Pan Yong, cùng với người anh Pan Lei đã phát minh ra một dụng cụ có thể chuyển đổi chiếc máy iPod Touch thành iPhone, làm cho tập đoàn Apple phải đau đầu.

Dụng cụ này được đặt tên là Apple Peel (tạm dịch : gọt vỏ táo) rất đơn giản, có giá bán khoảng 45 euro ; rất hấp dẫn đối với người tiêu dùng vì iPod Touch được chính thức bày bán với giá tương đương 183 euro, trong khi giá iPhone lên đến 515 euro, một cái giá mà hầu hết người tiêu thụ không thể vói tới.

Đối với Apple, thị trường điện thoại di động ở Trung Quốc vốn đứng đầu thế giới với 800 triệu người sử dụng, thực sự là khó khăn. Máy tính bảng iPad tuy chưa có mặt chính thức nhưng đã xuất hiện trên thị trường ngầm. Còn iPhone mới được lưu hành từ năm ngoái, nghĩa là hai năm sau thị trường Mỹ, nhưng không có trang bị wifi ; nhưng nhiều người tiêu thụ đã tìm mua từ Hongkong, còn với dụng cụ mới phát minh của Pan Yong thì iPod Touch sẽ trở thành iPhone có wifi ! Hai anh em Pan đang nghĩ đến việc nhanh chóng sản xuất hàng loạt Apple Peel, vì sáng kiến của họ chưa chi đã bị sao chép trên thị trường Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Obama : Chàng Gulliver bị trói tay

Nhìn sang Hoa Kỳ, nhật báo cánh tả Libération nhận định vào thời điểm gần đến nửa nhiệm kỳ, tỉ lệ tín nhiệm của tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục đi xuống, cho dù ông đã tiến hành được những cải cách đáng kể. Phe Dân chủ lo ngại sẽ bị mất đa số trong lần bầu cử vào tháng 11 tới, khiến cho công cuộc cải tổ càng thêm khó khăn.

Trong bài xã luận, tờ báo cho rằng, nếu châu Âu có ảo tưởng là ông Obama sẽ làm chủ được vận mệnh thế giới, trên thực tế ông chỉ là anh chàng Gulliver bị cản trở về nhiều mặt. Đó là một Quốc hội quá nhiều quyền lực, dư luận báo chí khắc nghiệt, và một Hiến pháp trói tay tầm hoạt động của Tổng thống. Đúng là ông Obama có do dự, lắng nghe nhiều mà thiếu quyết đoán, có khoa trương một chút. Nhưng ông cũng đã thành công trong việc cải cách bảo hiểm y tế - một việc tưởng chừng không thể thực hiện nổi, đã chỉnh đốn được phần nào thị trường tài chánh, và khởi đầu một cách thận trọng tiến trình rút quân khỏi Irak. Ông đã có được một số bước tiến dù còn chậm chạp. Libération cho rằng, tổng thống Roosevelt đã mất gần 10 năm để đưa nước Mỹ ra khỏi khủng hoảng, chính ông Johnson mới là người tiếp tục thực hiện những cải cách do Kennedy đề ra. Và như vậy ông Obama cần có thời gian, cho dù đời sống chính trị nước Mỹ không muốn dành cho ông thời gian cần thiết. Tờ báo kết luận, dù sao đi nữa, ông Obama cũng là hiện thân của một nước Mỹ biết trọng danh dự, và như thế đã là quá nhiều rồi.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.