Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Lời kêu gọi cải tổ chính trị của ông Ôn Gia Bảo bị hoài nghi ngay tại Trung Quốc

Việc Thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi cải cách chính trị để duy trì sự ổn định của Trung Quốc, đã được tuần báo Anh Quốc The Economist quan tâm trong bài viết có tựa đề là một câu hỏi: « Liệu có thể tin vào việc Trung Quốc sắp thay đổi hay không ? »

Tác phẩm "Nam diễn viên xuất sắc nhất Trung Quốc: Ôn Gia Bảo" được trưng bày tại một nhà sách ở Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 16/8/2010.
Tác phẩm "Nam diễn viên xuất sắc nhất Trung Quốc: Ôn Gia Bảo" được trưng bày tại một nhà sách ở Hồng Kông. Ảnh chụp ngày 16/8/2010. Reuters
Quảng cáo

Theo The Economist, Trung Quốc đang tận hưởng tư thế mới là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thế nhưng thủ tướng Ôn Gia Bảo đã từ chối ngủ quên trên chiến thắng. Nhân dịp đi thăm một thành phố đang rất phát triển ở miền nam, ông tuyên bố rằng lợi ích kinh tế vẫn có thể bị xóa bỏ, nếu không cải cách hệ thống chính trị. Một tờ báo chính thức đã đánh giá là phát biểu đó có một tầm quan trọng phi thường, nhưng rất nhiều người vẫn hoài nghi.

Nhận xét của ông Ôn Gia Bảo ngày 20 và 21/8 ở thành phố Thâm Quyến đã được giới lạc quan so sánh với một số phát biểu của Đặng Tiểu Bình vào cuối chuyến công du, cũng tại thành phố này vào năm 1992. Khi ấy Đặng Tiểu Bình kêu gọi cải cách kinh tế theo định hướng thị trường. Điều này đã được thực hiện và giúp Trung Quốc phát triển với tốc độ nhanh chóng kể từ đó. Trong chuyến thăm Thâm Quyến, ông Ôn Gia Bảo đã đặt hoa trước một bức tượng của Đặng Tiểu Bình, người đã biến thành phố này thành chiếc nôi cho sự thay đổi kinh tế cách nay đúng 30 năm.

Nhận xét của ông Ôn Gia Bảo về cải cách chính trị rất mạnh bạo. Theo ông, Trung Quốc phải "giải quyết vấn đề của sự tập trung quá nhiều quyền lực không giới hạn" và "tạo điều kiện cho người dân chỉ trích, giám sát chính phủ". Đây là điều cần thiết để xây dựng một xã hội "công minh và công bằng". Trước đây, giới lãnh đạo Trung Quốc từng nói về tầm quan trọng của cải cách chính trị (dù trong thực tế mở ra rất ít), nhưng điều ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh quả là không bình thường.

Theo The Economist, sự kiện này đã tạo ra sự phấn chấn nơi một loạt tờ báo do nhà nước kiểm soát. Nhật báo Southern Daily ở Quảng Đông đã đăng một bài bình luận nói rằng một làn sóng mới của tư duy "tả khuynh’’ đã ngăn chặn cải cách ở một số nơi. Bài báo cho rằng đã đến lúc tạo ra một bước ‘’đột phá’’, và kêu gọi "một thế hệ mới của các nhà cải cách vùng lên". Tờ Yangzi Daily thì nói thêm rằng sự ổn định xã hội ở Trung Quốc sẽ không bền vững nếu không có thay đổi chính trị. Báo Global Times dẫn lời một nhà nghiên cứu của Đảng Cộng sản nói rằng "tốc độ chậm chạp" của cải cách chính trị ở Trung Quốc là "căn nguyên làm cho các tranh chấp xã hội ngày càng gia tăng".

Tuy nhiên, theo tạp chí Anh Quốc, ông Ôn Gia Bảo không phải là Đặng Tiểu Bình. Hầu hết các tờ báo ở Bắc Kinh chỉ đăng tải nhận xét của thủ tướng Trung Quốc mà không hề bình luận. Một nhóm 15 nhà trí thức nhiệt tình đã tập hợp ở ngoại vi Bắc Kinh để thảo luận về điều này. Sự xuất hiện của hai người tình nghi là nhân viên an ninh, và một vụ cúp điện bất ngờ tại địa điểm họp đã khiến cho cuộc thảo luận kết thúc nhanh chóng.

Bà Thôi Vệ Bình trong ban tổ chức cho biết là những người tham gia thảo luận ủng hộ quan điểm của thủ tướng Ôn Gia Bảo. Nhưng một số người hoài nghi thì cho rằng cải cách khó thể xảy ra. Theo ông Dư Kiệt, một trong những người ở Bắc Kinh phê bình ông Ôn Gia Bảo một cách thẳng thắn nhất, thì các nhà lãnh đạo sẽ cố gắng tránh bất kỳ một sự thay đổi mang tính chất đột phá nào trong hai năm còn lại, trước khi ông Ôn Gia Bảo và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có thể rời khỏi Bộ Chính trị đang cầm quyền.

Ông Dư Kiệt đã đề ra cho thủ tướng Ôn Gia Bảo một bài trắc nghiệm bất thường, bằng cách viết một cuốn sách cáo buộc thủ tướng cải cách ít hơn là như ông muốn cho thấy. Quyển "Ôn Gia Bảo, Nam diễn viên cừ khôi nhất Trung Quốc’’ được xuất bản tại Hồng Kông ngày 16/8 nhưng bị cấm ở Trung Hoa lục địa. Ít có quyển sách nào chỉ trích rõ ràng các nhà lãnh đạo đang tại chức (vào năm ngoái, ông Dư Kiệt đã viết ra một quyển sách tương tự để tấn công Chủ tịch Hồ Cẩm Đào) mà lại được một công dân Trung Quốc sống ở Trung Quốc xuất bản. Lần này, ông Dư Kiệt đã nhắm vào Ôn Gia Bảo, nhân vật được nhiều người dân Trung Quốc bình thường đánh giá là gương mặt nhân hậu hơn của đảng.

Nhân viên an ninh đã đến « thăm » ông Dư Kiệt vào tháng bảy và cảnh cáo là ông có thể bị tù nếu quyển sách của ông xuất hiện. Việc họ không bắt giữ ông có thể là một dấu hiệu tiến bộ. Hoặc là, như theo lời ông Dư Kiệt, đó là một tính toán tinh vi, vì lẽ cầm tù ông sẽ không có lợi cho hình ảnh của ông Ôn Gia Bảo.

Tổng thống Pháp Sarkozy sẽ thua trong kỳ bầu cử tới?

Các tạp chí Pháp ngữ như thông lệ dành trang bìa cho tình hình Pháp. Hai tạp chí L'Express và Le Nouvel Observateur, đều chú ý đến giá cả địa ốc ở Paris. L'Express nêu câu hỏi, có nên mua lúc này hay không ?

Nhưng sự kiện nước Pháp mà các tạp chí đều quan tâm là sân khấu chính trị, với cuộc bầu cử tổng thống năm 2012. Tờ Le Point nêu câu hỏi : Ông ấy đã có thua rồi hay không ? và đăng ảnh tổng thống Sarkozy, vẻ mặt căng thẳng, lông mày nhíu lại…Tạp chí nhắc lại, uy tín tổng thống Pháp đã sụt giảm mạnh.
Le Nouvel Observateur thì nhìn thấy, ở vòng hai người ta cho rằng ông Sarkozy sẽ bị một đối thủ cánh tả đánh bại. Người đó nếu là ông Dominique Strauss - Kahn, đương kim Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thì ông sẽ hơn phiếu ông Sarkozy rất nhiều. Nếu là bà Martine Aubry, lãnh đạo đảng Xã Hội, thì bà cũng sẽ hơn ông Sarkozy. Chỉ có đối thủ của tổng thống Pháp trước đây, bà Ségolène Royal là sẽ ngang ngửa phiếu với ông.

Thái Lan: Vương quốc dưới gót giày

Bên cạnh chủ đề Pháp, trên bình diện thế giới, các tạp chí Pháp ngữ tuần này rất chú ý đến Châu Á.

Tạp chí Le Nouvel Observateur dành hồ sơ thế giới cho Thái Lan, qua tựa đề : « Vương Quốc dưới gót giầy », vì ba tháng sau khi các cuộc biểu tình của phe Áo Đỏ kết thúc, tình trạng khẩn cấp vẫn chưa được bãi bỏ ở Bangkok cũng như ở sáu tỉnh khác.

Bài phóng sự của Cyril Paen, trước tiên đưa độc giả trở lại khu phố thương mại sang trọng Bangkok từng bị người biểu tình chiếm đóng, và bắt đầu sửa sang xong, xóa các vết tích bạo động. Trung tâm thương mại lớn nhất thủ đô Central World mở cửa dần trở lại. Một khu cửa hiệu mới toanh dự kiến đón khách hàng vào cuối tháng 9 này. Không khí dễ chiụ trở lại ở các nơi sang trọng này, sau nỗi kinh hoàng tháng 5, khi trung tâm đã bị người phe Áo Đỏ đốt trong cuộc đối đầu cuối cùng với cảnh sát.

Bài báo cũng nhắc lại cảnh ngày cuối, những người biểu tình, đàn ông, phụ nữ, nhà sư, những người dân thấp cổ bé miệng « phe Áo Đỏ » bị cảnh sát còng tay dẫn đi hàng đoàn.

Ba tháng sau tác giả bài báo tìm hiểu xem những sự cố biến Bangkok thành một chiến trường, khiến 90 người chết và 1.900 người bị thương còn để dấu tích gì rõ ràng hay không ; thì quả nhiên cư dân tại đây đã hầu như xóa sạch. Ở khu vực Ngam Duphli, nơi mà hàng trăm người Áo Đỏ cố thủ, trong suốt hai tuần lễ, chống chọi với quân đội, thì người ta chỉ thấy một vài lỗ trám không kỹ trên đường, dấu tích bom xăng, hoặc một ngânhàng bi đốt vẫn còn bỏ hoang. Phải tìm thật kỹ mới thấy vết đạn. Hỏi người dân khu phố thì người ta như cười vào mũi : vết tích à ? mà vết tích gì ?

Tác giả bài phóng sự ghi nhận là không ai ở những khu phố này muốn nhớ đến các sự cố vừa qua. Sau khi biểu tình kết thúc, hàng trăm ngưòi tình nguyện đã nhanh chóng dọn sạch các đường phố.  Đối với tầng lớp trung lưu Bangkok cuộc biểu tình phe Áo Đỏ chỉ là yếu tố gây bất ổn định. Trên đường phố Bangkok người ta có thể thấy những biểu ngữ ký tên ca sĩ Ice hay diễn viên Ken, kêu gọi người Thái hãy thương yêu trở lại để Thái Lan vẫn là xứ sở của nụ cười.

Tuy nhiên cuộc khủng hoảng chính trị được xem là nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại Thái Lan, không hẳn là không để lại dấu vết : trước tiên là tình trạng khẩn cấp vẫn được duy trì. Trên đường phố thủ đô không phải chỉ có biểu ngữ kêu gọi người Thái thương yêu nhau mà còn có áp phích hình thủ tướng Abhisit với câu : nếu tìm thấy một trang web sai trái thì hãy gọi đến số 12-12. Theo bài báo, hiện cả trăm phương tiện truyền thông địa phương bị kiểm duyệt hay bị đóng. Giới đối lập và đại học bị theo dõi, và vẫn còn 400 người phe Áo Đỏ bị cầm giữ ở các căn cứ quân sự.

Thủ tướng Abhisit , theo bài báo đã luôn biện minh cho sự duy trì tình trạng khẩn cấp là vì vẫn còn những phần tử âm mưu khủng bố. Sự duy trì tình trạng này là theo ý kiến của quân đội, nắm bắt cơ hội trở lại sân khấu chính trị. Cơ quan hỗn hợp quân sự và dân sự CRES tìm giải pháp cho tình hình khẩn trương thành lập để giải quyết vụ biểu tình, nêu lý do trên để tiếp tục hoạt động. Theo Human Rights Watch, thành viên của cơ quan này còn có nhiều quyền hạn hơn là chính quyền thủ tướng Abhisit. Thủ tướng Thái, thì bị giới đối lập tố cáo đã bán linh hồn của ông cho quân đội, đang trở thành chiếc « tủ kính » của họ.

Còn người phe Áo Đỏ thì ra sao ? Tác giả bài phóng sự ghi nhận là, trước mắt thì họ thu mình. Ở các tỉnh thì họ bị quân đội « đoái hoài » hàng ngày. Theo các tin đồn thì đã có hàng mấy chục người mất tích. Nỗi uất ức ngày cũng lên cao. Cyril Paien đã gặp lại một sinh viên tham gia biểu tình, nhưng đã lọt lưới của quân đội, anh giải thích ngắn gọn : « phong trào Áo Đỏ đã biến thành phong trào máu đỏ ».

Tạp chí Le Courrier International nhìn tình hình hiện nay thấy là sẽ không thể tránh khỏi một cuộc bùng nổ mới. Courrier trích dẫn bài báo của David McNeill, tờ Irish Times, đi đến tận Lamphun, một thành trì Áo Đỏ, và ghi nhận sự kiện lạ lùng : tại đây những người bị chính quyền Thái Lan tố cáo là khủng bố thì được đón tiếp như anh hùng, còn cảnh sát thì bị xem là kẻ thù. Trẻ em thì mặc áo phông ca ngợi những người chống đối chính phủ.

Đối với tác giả bài viết, chắc chắn là phe Áo Đỏ sẽ phản công. Đầu tháng tám trong một cuộc họp tập trung hàng ngàn người ở Lamphun, họ đã thề là sẽ trả đũa, và có lẽ sẽ rất mãnh liệt. Một mặt uất ức trước người bị chết, bị bắt, mặt khác thì tình trạng nghèo khó, bất công càng nung đúc sự phẫn nộ của họ.
Hiện nay nhiều người tiên đoán, nhà vua qua đời sẽ là thời điểm một cuộc đối đầu ghê gớm « giữa hai nước » Thái Lan.

Ấn Độ: Phụ nữ lãnh đạo địa phương giỏi hơn nam giới

Tạp chí L'Express, tuần này cũng dành hồ sơ quan trọng ở mục thế giới cho châu Á, nhưng nhìn sang Ấn Độ, với tựa đề đập vào mắt : « Nền dân chủ choàng Sari ». Nói cách khác tạp chí này chú ý đến các phụ nữ được bầu làm trưởng thôn.

L'Express giải thích là nhờ một đạo luật thông qua cách đây 17 năm, mà phụ nữ ngày càng được tín nhiệm. Hiện nay 1/3 thôn trưởng và đại diện trong các hội đồng địa phương là phụ nữ. Có đến hơn một triệu nữ đại biểu, và đã bắt đầu làm thay đổi cái nhìn của nam giới. Ở nông thôn thường là nam giới được trọng vọng, nắm quyền quyết định trên mọi lãnh vực. Nhưng dần dần thì uy tín của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo này đã được xác nhận, và giờ đây thì họ quyết định về những vấn đề rất quan trọng trong sinh hoạt người dân như vấn đề điện, nước, các đàn gia súc, hay vấn đề ranh giới làng mạc.

Tác giả bài phóng sự đã đi đến tận vùng nông thôn miền trung Ấn. Các phụ nữ được bầu khá trẻ, ở độ tuổi 30. Lúc đầu thì họ được bầu là do thân thế gia đình, nhưng dần dần thì người dân bầu họ do những thành quả họ đạt được, ví dụ tại một số làng như làng Wale Wadi.

Thôn trưởng, Sangita Shirsat, 31 tuổi, có chồng từ lúc 13 tuổi, hiện có đến 5 con. Người phụ nữ trông rất hiền hòa nhưng cũng rất kiên quyết, bằng chứng là bà đã thuyết phục đươc chính quyền địa phương cung cấp tín dụng để dân cư có được nước máy, và có phòng vệ sinh, cải thiện hẳn đời sống. Đây là những vấn đề mà đồng nghiệp nam giới không hề chú ý.

Chính những vấn đề thực dụng trong cuộc sống hàng ngày, vấn đề kinh tế gia đình, mà phụ nữ có cái nhìn thựctế hơn đã khiến họ ngày được thêm uy tín. Một yếu tố cũng được cử tri của họ nêu bật, phụ nữ được tin tưởng là vì họ ít tham nhũng hơn nam giới. Tác giả bài báo có vẻ lấy làm tiếc là nếu uy tín, vai trò phụ nữ được xác nhận như thế ở cấp địa phương, thì ở quốc hội họ chỉ chiếm được có 11% số ghế.

Cuba: Vì sao ông Fidel Castro lại xuất hiện liên tục sau bốn năm vắng bóng ?

Sự kiện liên quan đến Cuba gây thắc mắc trong thời gian gần đây là sự xuất hiện gần như liên tục của ông Fidel Castro sau gần 4 năm im hơi lặng tiếng. Tạp chí Courrier International cố tìm lời giải đáp trong bài báo mang tựa đề : « Điều gì ở phía sau việc Fidel xuất hiện trở lại ?».

Tạp chí nhắc lại,từ khi Fidel Castro xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng ngày 7/7 qua, mừng sinh nhựt thứ 84 vào ngày 13 tháng 8 này, thì người ta luôn thấy ông, ít ra là cả chục lần, phát biểu trên nhiều vấn đề.
Ông Fidel đang tính toán gì đây : ông muốn giúp đỡ người em Raoul hay muốn phá vị đương kim chủ tịch Cuba?

Le Courrier international đưa 5 giả thuyết :

1/ Ông Fidel muốn gởi một thông điệp mạnh đến người dân Cuba và người em của ông, đó là không nên đi trái đường hướng cộng sản trong lúc mà trước khó khăn kinh tế của đảo, nhiều người muốn cải tổ, tự do hoá kinh tế.
2/ Fidel hậu thuẫn cho người em và gởi một thông điệp mạnh cho phe cánh bảo thủ.
3/ Muốn thu hút chú ý báo chí nước ngoài, để họ chỉ nhắm vào ông mà không đề cập đến cái chết của một nhà ly khai tuyệt thực, Orlando Zapata, và những cuộc biểu tình sau đó.
4/ Giả thuyết thứ tư là ông không muốn báo giới hải ngoại cũng như Cuba đề cập đến vấn đề tù nhân chính kiến được trả tự do. Ông không muốn vấn đề này tiếp tục được nêu bật, bàn tán trong nước.
5/ Giả thuyết thứ 5 là ông Fidel giờ đã cảm thấy khoẻ hơn, không muốn bị người ta quên mình, và muốn cho người ta biết ý kiến của ông trên các hồ sơ quốc tế lớn.

Theo tác giả bài báo có lẽ là cả 5 giả thuyết đều có phần đúng.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.