Vào nội dung chính
CHÂU Á

Tâm lý chống Trung Quốc gia tăng tại Mông Cổ

Theo các nhà phân tích, tâm lý bài Hoa không phải là một cái gì mới lạ ở Mông Cổ. Nó đã xuất hiện từ hàng chục năm qua, nhưng đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Theo ông Frank Bille, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Cambridge về thái độ Mông Cổ đối với Trung Quốc, thì tâm lý chống Trung Quốc tại Mông Cổ ít ra đã có từ thời kỳ Xô viết.

chine_asie_mongolie
chine_asie_mongolie Ảnh: Reuters
Quảng cáo

Trong thời gian gần đây, những vụ bạo hành nhắm vào người Trung Quốc tại Mông Cổ gia tăng, gây lo ngại cho cả trong nước lẫn ngoài nước. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là ảnh hưởng kinh tế ngày càng mạnh của Trung Quốc tại Mông Cổ, kèm theo sự hiện diện ngày càng đông của người Hoa. Điều này đã kích động tâm lý dân tộc chủ nghĩa cực đoan trong một thành phần dân chúng địa phương.

Từ đầu năm đến nay, theo nguồn tin của cảnh sát Mông Cổ, đã có hai người Trung Quốc bị sát hại riêng tại thủ đô Ulan Bator. Đây là bề nổi của một chiều hướng đáng ngại trong xã hội Mông Cổ : đó là tâm lý bài Hoa ngày càng được các thành phần cực hữu ở nước này kích động. Theo hãng tin Pháp AFP, hiện nay, tại Mông Cổ, có ít nhất ba nhóm dân tộc chủ nghĩa cực đoan được phép hoạt động, trong đó có nhóm Dayar Mongol (Thuần Mông Cổ) đã không che giấu đối tượng tấn công của họ chính là người Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn của AFP, một thành viên của nhóm này thản nhiên tự nhận là họ đã huấn luyện được “50 chiến binh mà nhiệm vụ là đánh đuổi người Trung Quốc cư ngụ tại Mông Cổ và một số người Mông Cổ có cha là người Trung Quốc”. Không những thế, nhóm Dayar Mongol còn nhắm vào các phụ nữ Mông Cổ có quan hệ tình ái với người Trung Quốc, cạo trọc đầu những người này, thậm chí xâm dấu hiệu trên trán họ.

Ngay cả Hoa Kỳ cũng phải lên tiếng trước tệ nạn bài Hoa gia tăng. Trên trang Web của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo du khách về "số lượng ngày càng tăng của các cuộc tấn công bài ngoại" ở Mông Cổ kể từ mùa xuân năm 2010. Washington lo ngại rằng người Mỹ gốc Á bị các thành phần cực hữu Mông Cổ tưởng lầm là người Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, tâm lý bài Hoa không phải là một cái gì mới lạ ở Mông Cổ. Nó đã xuất hiện từ hàng chục năm qua, nhưng đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Theo ông Frank Bille, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Cambridge về thái độ Mông Cổ đối với Trung Quốc, thì tâm lý chống Trung Quốc tại Mông Cổ ít ra đã có từ thời kỳ Xô viết. Trả lời AFP, ông cho rằng đó là “một hậu quả trực tiếp của thời kỳ xã hội chủ nghĩa. Người Nga thường nêu bật mối ‘đe dọa từ Trung Quốc’ để bảo đảm lòng trung thành của Mông Cổ đối với Liên Xô”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ và Trung Quốc vươn lên về mặt kinh tế, thì tâm lý kỳ thị này đã trỗi dậy tại Mông Cổ do việc Bắc Kinh càng lúc càng tăng cường sự hiện diện của họ trong lãnh vực kinh tế. Theo ghi nhận của AFP, các trữ lượng đồng, vàng, bạc hay uranium rất quan trọng tại Mông Cổ đã lọt vào mắt xanh của nhà đầu tư nước ngoài, nhất là Trung Quốc.

Với các hợp đồng khai thác quan trọng được ký kết giữa Ulan Bator và Bắc Kinh, số người Trung Quốc tràn vào Mông Cổ ngày càng tăng. Hiện nay, số lượng chính xác người Trung Quốc ghé thăm hoặc đang sinh sống ở Mông Cổ rất khó xác định vì người Trung Quốc không cần phải xin visa khi vào Mông Cổ. Tuy nhiên điều chắc chắn ghi nhận được là lưu lượng người Trung Quốc vào Mông Cổ rất quan trọng.

Số người Hoa đông đảo và ảnh hưởng kinh tế ngày càng mạnh của Trung Quốc tại Mông Cổ, đặc biệt là trong hai ngành khai thác quặng mỏ và xây dựng đã khơi dậy ở người dân Mông Cổ một mối lo bắt nguồn từ lịch sử. Họ chưa quên các tham vọng của Trung Quốc từ thời triều đại Mãn Châu đã thống trị Mông Cổ trong suốt hai thế kỷ.

Theo ông Graeme Hancock, một chuyên gia về công nghiệp mỏ tại Ngân hàng Thế giới, thì Xin Trích : "Hiển nhiên là người Mông Cổ không muốn đất nước họ trở thành một khu ngoại ô kinh tế của Bắc Kinh". Trả lời phỏng vấn của AFP, chuyên gia này nói thêm xin trích : "Dân Mông Cổ cũng muốn được quyền tự quyết định, chứ không phải lệ thuộc vào thẩm quyền của nước ngoài”.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.