Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Chi hàng tỷ euros khắc phục ô nhiễm môi trường vì đập Tam Hiệp

Mới bước vào hoạt động cách này vài năm, đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng về môi trường. Ngày 31 tháng tám vừa qua, chính quyền Trung Quốc cho biết sẽ chi ra hàng tỷ euros để trồng lại rừng và tẩy khử ô nhiễm hồ chứa nước cho đập thủy điện này ở thượng nguồn sông Dương Tử. 

Rác trên sông Dương Tử gần đập Tam Hiệp dầy đến nỗi có thể đi bộ bên trên. Ảnh chụp ngày 01/08/2010.
Rác trên sông Dương Tử gần đập Tam Hiệp dầy đến nỗi có thể đi bộ bên trên. Ảnh chụp ngày 01/08/2010. REUTERS/China Daily
Quảng cáo

Theo lời bộ trưởng Lâm nghiệp Trung Quốc Giả Trị Bang, được AFP trích dẫn, thì « môi trường sinh thái sông Dương Tử đã rất khác xa so với mong muốn của nhân dân và đảng cộng sản », « vì những lý do khác nhau, rừng ở hai bên bờ sông đã bị xuống cấp nghiêm trọng, để lộ trơ núi và đồi, liên tiếp gây ra nhiều thiên tai, như sạt lở đất ».

Công trình thủy điện Tam Hiệp, tại Tam Đẩu Bình, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, được khởi công năm 1994. Đập dài 2 335 mét và cao khoảng 100 mét. Nếu tính so với mặt nước biển thì con đập này cao tới 185 mét. Hồ chứa nước có diện tích 1084 cây số vuông, chạy dài ngược lên thượng nguồn sông Dương Tử, đến tận khu vực thành phố Trùng Khánh. Nước được đưa vào hồ chứa từ tháng sáu năm 2003. Theo số liệu tính toán ban đầu, tổng đầu tư của dự án lên tới 23 tỷ €, nhưng theo giới chuyên gia thì con số này có thể còn cao hơn. Dự án được đưa vào hoạt động từng phần từ năm 2006 và tổng sản lượng điện hàng năm theo thiết kế lên tới 84,7 ngàn tỷ watts giờ.

Cái giá phải trả cho cơn khát năng lượng này vô cùng lớn. Về mặt môi trường, bản chất của đập thủy điện là làm thay đổi hệ sinh thái của dòng sông qua việc ngăn dòng, tích nước. Dự án còn tác động đến cuộc sống của dân cư lân cận. Hàng triệu người phải đi tái định cư ở nơi khác.

Việc khắc phục hậu quả đập Tam Hiệp bao gồm hai phần chính. Trước tiên là kế hoạch trồng lại rừng, tốn kém khoảng 10 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 1,1 tỷ €. Dọc theo hồ chứa nước dài 600 km trên sông Dương Tử, hiện nay, diện tích phủ rừng chỉ là 22%. Mục tiêu đề ra là nâng diện tích này lên 65%.

Bên cạnh đó là kế hoạch tẩy khử rác trên sông. Do rừng thượng nguồn bị tàn phá, mưa lũ cuốn trôi rác rưởi vào hồ chứa nước, có nguy cơ làm tắc các cửa xả nước, đồng thời gây ô nhiễm nặng nề nhiều khúc sông, đe dọa nguồn nước của người dân. Báo chí Trung Quốc cho biết ở một số đoạn sông, rác ngập ứ đọng nhiều đến nỗi người dân có thể đi qua sông. Để xử lý thảm họa này, thành phố Trung Khánh đã phải đầu tư 50 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 3,2 tỷ € trong thời gian tới.

Từ Thượng Hải, thông tín viên Delphine Sureau gửi về bài tường trình sau đây :

Ưu tiên được đề ra là trồng rừng. 1,16 tỷ € sẽ được đầu tư vào chiến dịch trồng lại rừng dọc theo hồ chứa nước cho đập thủy điện Tam Hiệp.

Trong vòng 15 năm, các hoạt động xây dựng con đập khổng lồ này đã phá hủy toàn bộ rừng cây trên các đồi núi xung quanh, làm cho mặt đất dễ bị lún sụt khi có mưa lớn trong những tháng vừa qua, dẫn đến nhiều vụ sạt lở đất gây thiệt hại nhân mạng. Mục tiêu của kế hoạch là nhân gấp ba diện tích trồng lại rừng trải dài trên 600 km.

Tuy nhiên, cũng cần phải tẩy khử ô nhiễm trong hồ chứa nước cho con đập để bảo vệ dân cư và công trình thủy điện này. Đầu tháng tám vừa qua, Các trận mưa đã làm trôi xuống hồ hàng tấn rác, có nguy cơ làm tắc các cửa xả nước. Thành phố Trùng Khánh, nơi sinh sống của 30 triệu dân, đã quyết định đầu từ 3,24 tỷ € cho việc tẩy khử ô nhiễm nước.

Chính quyền cũng dự kiến di chuyển thêm dân ra khỏi khu vực nhằm giảm bớt mức độ ô nhiễm và bảo vệ nhưng cư dân sống tại các khu vực có rủi ro cao. Khoảng 300 ngàn người sẽ phải di dời. Xin nhắc lại là việc xây dựng đập Tam Hiệp đã buộc hơn 1,4 triệu người đi tái định cư ở nơi khác.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.