Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc : Công dân mạng chống lại hệ thống kiểm duyệt Internet

Đối với nhiều người dùng mạng tại Trung Quốc, từ công dân mạng từ « netizen » mang đầy xúc cảm, thậm chí thiêng liêng như tôn giáo. Mạng điện tử toàn cầu, đối với họ, « là một món quà của Lịch sử tặng cho đất nước này ». « Đây là lần đầu tiên, sau 3000 năm bị cai trị, lời nói thoát khỏi mọi kiểm duyệt ». Họ tin rằng, không gian tự do trên mạng sẽ trùm lên toàn xã hội và dẫn đến một thay đổi chính trị sâu sắc.

Kiểm duyệt Internet tại Trung Quốc
Kiểm duyệt Internet tại Trung Quốc
Quảng cáo

Tuần báo Le Nouvel Observateur, có bài « Phản kháng của người dùng Internet chống lại hệ thống kiểm duyệt tại Trung Quốc ». Đây là một phóng sự điều tra, do thông tín viên gửi về từ Bắc Kinh, về việc hàng triệu người sử dụng Internet Trung Quốc thường xuyên tìm các biện pháp để vượt qua hệ thống kiểm duyệt.

Bài báo mở đầu với việc kể lại sự kiện blogger Guo Baofeng (Quách Bảo Phong), bị công an câu lưu trong vòng hai tuần, rồi buộc phải thả ra dưới sức ép của giới sử dụng Twitter. Tháng 7/2009, người viết blog nổi tiếng này bị công an huyện bắt, sau khi đưa lên mạng đoạn video một người mẹ khóc lóc tố cáo cảnh sát thành phố đã hãm hiếp con gái bà và để mặc cho chết vì mất máu. Lợi dụng sự sơ hở của những người hỏi cung, nhà tranh đấu này đã gửi hai thông điệp ngắn lên mạng Twitter. Công an đã tịch thu được điện thoại di động của ông, nhưng quá trễ.

Các bạn Twitter của nhà tranh đấu đã kịp thời đưa ra một sáng kiến, mỗi người gửi đến nơi ông bị giam giữ một tấm thiệp mang một câu duy nhất : « Quách Bảo Phong, mẹ bạn đang đợi bạn về ăn tối ». Hàng núi thư với cùng một nội dung, trên khắp Trung Quốc, đã tới tấp được gửi đến nhà tù, gây ra một sức ép vô cùng lớn buộc chính quyền phải phóng thích nhà tranh đấu này.

Đối với nhiều người dùng mạng tại Trung Quốc, từ công dân mạng từ « netizen » mang đầy xúc cảm, thậm chí thiêng liêng như tôn giáo. Mạng điện tử toàn cầu, đối với họ, « là một món quà của Lịch sử tặng cho đất nước này ». « Đây là lần đầu tiên, sau 3.000 năm bị cai trị, lời nói thoát khỏi mọi kiểm duyệt ». Họ tin rằng, không gian tự do trên mạng sẽ trùm lên toàn xã hội và dẫn đến một thay đổi chính trị sâu sắc.

Tuy nhiên trong thực tế, hiện tại, Le Nouvel Obervateur khẳng định Trung Quốc vẫn là một trong những nước, nơi mà mọi chỉ trích nhà cầm quyền đều bị trừng phạt rất nặng. Kể từ năm 2009, đàn áp trở nên khốc liệt hơn : nhiều công dân mạng bị bỏ tù, các trang mạng xã hội lớn nước ngoài như Youtube, Twitter, Facebook hay Wikipedia không thể truy cập được tại Trung Quốc. Không thể đếm được các địa chỉ biến mất hàng ngày vì bị cấm. Mỗi bình luận trên các diễn đàn, mỗi bài viết mới thêm vào trên blog, đều được săm soi và bị xóa, nếu tỏ ra khác với điều mà quan điểm chính thống cho phép. Trên các diễn đàn mạng, có cả một quân đoàn những người được chính quyền trả lương để làm công việc đưa ra các bình luận nhằm định hướng công luận có lợi cho nhà cầm quyền. Những nhà cung cấp dịch vụ Internet đã bị buộc phải loại bỏ mọi nội dung mà chính quyền yêu cầu. Cũng vì lý do này mà đầu năm nay, sau bốn năm tuân thủ các điều kiện áp đặt, công ty Google đã quyết định thách thức Bắc Kinh, dù có buộc phải rời khỏi thị trường nước này.

Từ đầu những năm 2000, nếu như các địa chỉ mạng bị kiểm soát, thì các trên các trang blog, các trao đổi, tranh luận tự do nở rộ, ngay trước mắt những người kiểm duyệt. Cùng lúc đó, Bắc Kinh xây dựng một hệ thống Vạn lý trường thành trên mạng (GFW), có khả năng ngăn chặn hiệu quả các giao tiếp với thế giới mạng bên ngoài. Còn đối với bên trong, hệ thống này có thể xóa bỏ tự động mọi địa chỉ hay bình luận đi ngược lại quan điểm của chính quyền.

Trong cuộc đối đấu giữa bộ máy kiểm duyệt và đàn áp khổng lồ của Bắc Kinh và các công dân mạng không phải lợi thế lúc nào cũng nghiêng về phía nhà cầm quyền. Theo blogger đồng thời là nhà báo độc lập, biệt danh là Michael Anti, hệ thống kiểm duyệt của chính quyền tỏ ra cồng kềnh, máy móc và lỗi thời, vì thế có rất nhiều cách để vượt qua.

Tuy nhiên, trong số các công dân mạng Trung Quốc, với số lượng 420 triệu người, trong đó 200 triệu người có blog riêng, ước tính có khoảng một triệu người có khả năng « vượt tường lửa ». Các phần mềm vượt tường lửa được bán khắp nơi tại Trung Quốc với giá rẻ. Còn trên các diễn đàn, các công dân mạng tìm cách vượt qua kiểm duyệt, bằng cách tạo nên các từ ngữ gần giống với các từ bị kiểm duyệt, để hệ thống không nhận dạng được. Một loạt các từ ngữ mới được tạo ra vì mục đích này, trở thành các trò đùa, clip chọc cười, bài hát và các cuộc thi… Còn mạng Twitter ra đời mới đây, với số lượng ký tự hạn chế cho phép truyền đi mau lẹ các thông điệp, tạo nên một cộng đồng những người tranh đấu gắn bó mật thiết và một không khí « cách mạng vui tươi ». Đây là nhận định của ông Cui Weiping, giảng viên điện ảnh, một blogger và "twitter" nổi tiếng.

Chỉ trong hai năm, Twitter đã trở thành một mạng lưới giao tiếp thực thụ đối với giới ly khai Trung Quốc. Đằng sau những tên tuổi nổi tiếng trong giới Twitter là những người làm việc âm thầm, ngày càng đông đảo, chính họ là các trung gian truyền đi các thông tin về những vụ lạm dụng quyền lực của nhà cầm quyền và các phương thức bảo vệ những người gặp nạn. Theo ông Michael Anti, hệ thống này có thể sẽ bị chính quyền phá tan trong hai năm tới, nhưng chắc chắn sẽ lại có một hệ thống mới ra đời. Cuộc chơi mèo đuổi chuột, sẽ tiếp tục cho đến khi nào chế độ độc tài chấm dứt tồn tại.

Ngày càng có nhiều tỷ phú Trung Quốc đưa tài sản ra nước ngoài

Tuần báo Courrier International, dưới hàng tựa « Ngày càng có nhiều tỷ phú Trung Quốc đưa tài sản ra nước ngoài », chỉ ra một loạt các nguyên nhân ẩn đằng sau xu thế kể trên. Đây là nội dung trích đoạn của một bài báo trong tờ Quan sát Kinh tế có trụ sở tại Bắc Kinh. Theo thống kê Hurun năm 2010 Trung Quốc có 55 ngàn công dân là tỷ phú. Riêng trong năm 2009, theo Báo Thanh Niên Trung Quốc, đã có khoảng 1.000 tỷ phú Trung Quốc chuyển sang sống tại Mỹ, nhiều gấp đôi con số năm trước. Động cơ chủ yếu của việc di cư này, theo tờ báo, là để tạo điều kiện học tập cho con cái và tránh môi trường kinh tế bất lợi tại Trung Quốc.

Bài báo đưa ra chân dung của bốn người Trung Quốc giàu có muốn di cư ra nước ngoài. Người thứ nhất là ông Liu, 48 tuổi, sở hữu một xí nghiệp chế đồ thủy tinh với 200 nhân công tại vùng ngoại ô Thượng Hải. Với tài sản riêng hàng trăm triệu yuan, người chủ xí nghiệp này có khả năng mua được một biệt thự giá khoảng nửa triệu euro, trên cụm đảo Saint-Christophe-et-Niève, một nhà nước có chủ quyền nhỏ xíu tại vùng vịnh Caribê, thuộc Khối Thịnh Vượng Anh. Sở hữu một hộ chiếu của quốc gia này, nhà tỷ phú Trung Quốc có thể tự do đi lại sang nhiều nước phát triển, thêm vào đó, tại quốc đảo này, tài sản của những người nước ngoài sẽ được miễn thuế.

Nhân vật thứ hai là ông Li, 44 tuổi, vừa di cư sang Canada năm ngoái. Nhà tỷ phú này có một tài sản hơn 300 triệu yuan (tương đương 35 triệu euro), có một nhà máy bia tại Sơn Đông, là chủ của một trung tâm thương mại lớn, và nhiều cơ sở tin học. Mục tiêu di cư của ông là tạo điều kiện cho con theo học đại học trong điều kiện thuận lợi. Nhân vật thứ ba là ông Luo, một cán bộ cao cấp trong một xí nghiệp quốc doanh. Hiện tại, người này có một căn hộ tại Singapore để cho vợ, con và chính bản thân mình những khi đi lại công tác. Mục tiêu của ông là để con gái ông được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn khác với những gì tại Trung Quốc. Người cuối cùng là giám đốc điều hành của một tổ chức giúp đỡ người di cư Maslink. Theo ông, 90% người di cư là để có được một hộ chiếu nước ngoài và để tạo điều kiện cho con cái học tập. Bản thân người giám đốc này cũng muốn di cư ra khỏi Trung Quốc, vì tại đây ông không cảm thấy an toàn.

Tại Trung Quốc, xuất phát điểm theo chế độ cộng sản toàn trị, nhà nước là chủ sở hữu duy nhất của tất cả mọi tài sản, tuy nhiên, trong thực tế, khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn ra ghê gớm, việc tuyên truyền chống lại người giàu diễn ra thường xuyên, thổi bùng lên những nghi ngờ ám ảnh về « tội lỗi nguyên ủy », tức nguồn gốc bất minh tội lỗi của tất cả mọi tài sản tư nhân mới có. Giám đốc điều hành cơ quan hỗ trợ người nhập cư này cho biết nỗi lo ngại của ông là : đến một lúc nào đó nhà nước Trung Quốc có thể áp đặt trở lại chủ nghĩa bình quân triệt để.

Sự hùng mạnh của các doanh nghiệp công của Trung Quốc gây lo ngại

Dưới hàng tít « Sự hùng mạnh của các doanh nghiệp công của Trung Quốc gây lo ngại », bài báo của New York Times được Le Figaro trích lại tuần này nhận định, giới lãnh đạo Trung Quốc một lần nữa tăng cường sự kiểm soát của chính quyền và tập trung đầu tư cho khu vực doanh nghiệp công; sau một thời gian hàng thập kỷ nhường chỗ cho các doanh nghiệp tư nhân. Có rất nhiều lý do khiến Nhà nước can thiệp mạnh hơn. Ví dụ như tầm quan trọng của việc kiểm soát được các nguồn năng lượng cần cho phát triển, bên cạnh đó, có nhu cầu đầu tư cho các doanh nghiệp công để tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo một số nhà phân tích, có một nghịch lý là, các tập đoàn kinh tế lớn được Nhà nước đầu tư, đã trở thành các trung tâm quyền lực chính trị, có khả năng chống lại chính các can thiệp của Bắc Kinh. New York Times đặt câu hỏi : sự kiểm soát này sẽ kéo dài đến khi nào và, nếu như nó không còn hiệu quả nữa Trung Quốc liệu có khả năng thay đổi không ?

Ai muốn bãi bỏ các trường đào tạo giới tinh hoa tại Pháp ?

Về giáo dục nước Pháp, tuần báo Le Figaro chạy tít : « Ai muốn bãi bỏ các trường đào tạo giới tinh hoa tại Pháp ? ». Bài báo nhận xét, chưa bao giờ hệ thống các trường đạo tạo tinh hoa (Grandes Écoles) lại bị phản đối như hiện nay. Một trong những trường được coi là xuất sắc nhất của Pháp là trường Sư phạm (École Normale Supérieure), chỉ được xếp hạng thứ 28 trong bảng xếp hạng quốc tế Times Higher Education. Các trường lớn của Pháp bị chỉ trích là nơi đào tạo khép kín chỉ dành cho một tầng lớp nằm ở thượng đỉnh của xã hội. Năm 2009, tổng thống Sarkozy đưa ra chủ trương dân chủ hóa các trường lớn, với 30% học sinh là những người có học bổng. Theo Le Figaro, bình đẳng không phải là bình quân, và việc « đánh » vào các trường lớn có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình xây dựng quốc gia.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.