Vào nội dung chính
MỸ - NHẬT - TRUNG

Khủng hoảng ngoại giao Nhật –Trung đẩy Hoa Kỳ vào thế khó xử

Trong cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật, chính quyền Obama hiện đang giống như người đi dây. Đó là vì Washington một mặt tìm cách kìm chế Bắc Kinh, nhưng mặt khác cũng rất ngại làm cường quốc châu Á này bất bình, do Hoa Kỳ đang rất cần Trung Quốc trên nhiều hồ sơ chính trị và kinh tế.

Chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc bị hai tàu tuần duyên Nhật Bản áp tải về để điều tra sau vụ va chạm, nguyên nhân khởi đầu cuộc khủng hoảng ngoại giao Nhật - Trung hiện nay. Ảnh do Tân Hoa Xã cung cấp ngày 12/9/2010.
Chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc bị hai tàu tuần duyên Nhật Bản áp tải về để điều tra sau vụ va chạm, nguyên nhân khởi đầu cuộc khủng hoảng ngoại giao Nhật - Trung hiện nay. Ảnh do Tân Hoa Xã cung cấp ngày 12/9/2010. Reuters
Quảng cáo

Mặc dù có tin là thuyền trưởng Trung Quốc đã được Nhật thả ra, thế nhưng nguyên nhân chính của căng thẳng mới này vẫn còn đó, tức là tranh chấp về chủ quyền của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Cho tới nay, đúng là Hoa Kỳ chưa lấy lập trường chính thức về tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản với Trung Quốc trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, thế nhưng, các đảo này được xem như thuộc lãnh thổ Nhật Bản dựa trên hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật.

Hôm thứ ba vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã tuyên bố với các phóng viên rằng Hoa Kỳ sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với đồng minh, trong trường hợp có xung đột giữa Nhật Bản với Trung Quốc.

Mặc dù các nhà phân tích không nghĩ rằng căng thẳng hiện nay sẽ leo thang và sẽ buộc Hoa Kỳ thực hiện nghĩa vụ được quy định trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, nhưng rõ ràng là hiệp ước này khiến cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ Nhật-Trung thêm rối rắm.

Nói chuyện với giới báo chí tại Lầu Năm Góc hôm qua, Chủ tịch Ban Tham mưu Liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen cho biết là Hoa Kỳ theo dõi rất sát căng thẳng Nhật-Trung và dĩ nhiên là Hoa Kỳ rất ủng hộ đồng minh Nhật Bản.

Khi gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua tại New York bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều nêu vấn đề này. Khi gặp Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara, bà Clinton đã thúc giục hai nước đối thoại với nhau để giải quyết khủng hoảng. Nhưng theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Washington không có ý định làm trung gian giữa Bắc Kinh và Tokyo.

Về phần trợ lý đặc biệt của tổng thống Obama, ông Jeffrey Bader thì nhấn mạnh là : « Chúng tôi muốn thấy Trung Quốc và Nhật Bản có quan hệ tốt, một mối quan hệ giúp giảm bớt va chạm ». Tuy nhiên, theo lời ông Bader, vấn đề này đã không được nêu lên trong cuộc gặp gỡ hôm qua giữa Tổng thống Obama với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Hai nhà lãnh đạo đã bàn chủ yếu về kinh tế toàn cầu. Sau cuộc gặp gỡ nói trên, ông Obama đã gọi Trung Quốc là một «đối tác quan trọng » và sự tham gia của nước này là có tính chất quyết định cho việc giải quyết khủng hoảng tài chính.

Khủng hoảng ngoại giao Nhật-Trung nổ ra vào lúc mà Hoa Kỳ đang nỗ lực kìm chế tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, sợ rằng phe quân sự Trung Quốc, với thế lực ngày càng tăng, sẽ tìm cách kiểm soát toàn bộ các vùng biển châu Á.

Tại cuộc họp thượng đỉnh hôm nay với ASEAN tại New York, tổng thống Obama sẽ cố thuyết phục các lãnh đạo Đông Nam Á ủng hộ tuyên bố của Ngoại trưởng Clinton tại Việt Nam tháng bảy vừa qua, theo đó, giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ Biển Đông là vấn đề « quyền lợi quốc gia » của Hoa Kỳ.

Nhưng đến lượt các nước ASEAN lâm vào thế khó xử, nhất là những nước không có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Theo đài CNN, các nhà ngoại giao châu Á cho biết Hoa Kỳ đã muốn là sau cuộc họp với tổng thống Obama, các lãnh đạo ASEAN ra một thông cáo chung ủng hộ lập trường của Mỹ trên vấn đề Biển Đông, nhưng các lãnh đạo Đông Nam Á không muốn làm như thế vì sợ Bắc Kinh nổi giận. Có điều, như lời một nhà ngoại ASEAN, « Việc có nhiều lãnh đạo ASEAN đến New York để gặp Tổng thống Obama đã là bằng chứng cho thấy chúng tôi rất cần nước Mỹ. Chẳng cần phải ra một thông cáo để nói điều đó. Đấy không phải là cách làm của châu Á ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.