Vào nội dung chính
NHẬT - TRUNG

Nhật Bản trả tự do cho thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc

Nhật Bản quyết định trả tự do cho ông Chiêm Kỷ Hùng, thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc bị bắt ngày 8/9 tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Tokyo và Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền trên biển.

Ông Toru Suzuki, phó biện lý tòa án Naha trong cuộc họp báo ngày 24/9/2010 về việc trả tự do cho thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc.
Ông Toru Suzuki, phó biện lý tòa án Naha trong cuộc họp báo ngày 24/9/2010 về việc trả tự do cho thuyền trưởng tàu đánh cá Trung Quốc. Reuters
Quảng cáo

Trả lời báo chí, Phó biện lý tòa án Okinawa, ông Toru Suzuki tuyên bố : « Trước những hậu quả đối với dân chúng Nhật Bản, đối với quan hệ giữa Tokyo và Bắc Kinh, tư pháp Nhật coi việc tiếp tục bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc là việc làm vô ích ». Theo lời viên chức nói trên, đụng độ giữa tàu cá Trung Quốc với tàu tuần dương Nhật Bản hôm 7/9 vừa qua là một « sự cố », tàu của Trung Quốc không « cố tình » gây hấn.

Theo AFP, thuyền trưởng Chiêm Kỷ Hùng chưa được chính thức trả tự do, nhưng theo tiết lộ của đài truyền hình NHK thì ông này sẽ nhanh chóng được trả về nước sau gần hai tuần lễ bị bắt giữ.

Bắc Kinh liên tục đòi Tokyo trả tự do cho viên thuyền trưởng này và coi việc bắt giữ ông Chiêm Kỷ Hùng là một hành động « bất hợp pháp ». Để gia tăng áp lực với Tokyo, Trung Quốc quyết định ngưng xuất khẩu đất hiếm qua Nhật Bản. Một tay môi giới mua bán kim loại hiếm tiết lộ với AFP là ngày 22/9 Bộ Thương mại Trung Quốc đã triệu tập các công ty xuất khẩu đất hiếm để thảo luận về kế hoạch ngưng xuất khẩu kim loại hiếm qua Nhật Bản, sau sự cố liên quan đến quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Theo nhận định của thông tín viên Frédéric Charles từ Tokyo, trong cuộc đọ sức với Trung Quốc, Nhật Bản đã phải lùi bước :

“Nhật Bản đã đầu hàng. Cho dù Bắc Kinh không thừa nhận nhưng theo các nhà môi giới xuất nhập khẩu của Nhật Bản, thì hôm nay, Trung Quốc đã thực sự ngừng xuất khẩu sang Nhật Bản các kim loại hiếm để gây áp lực, đòi Tokyo phải trả tự do cho viên thuyền trưởng tàu cá.

Nếu không có những kim loại hiếm, thì ngành công nghệ cao cấp của Nhật Bản không thể sản xuất được gì cả.

Nhật Bản đã đầu hàng mà không cần quan tâm đến số phận bốn công dân của mình vừa bị chính quyền Bắc Kinh bắt giữ, với lý do là họ đã quay phim bất hợp pháp các cơ sở quân sự Trung Quốc. Chính quyền Tokyo đã phải đưa biện pháp này mà không hề nhắc đến một thực tế là các hòn đảo đang có tranh chấp hiện vẫn do chính quyền Nhật Bản quản lý.

Nhật Bản đã đầu hàng bởi vì Bắc Kinh hiện nay là đối tác thương mại hàng đầu của Tokyo. Chính phủ trung tả của thủ tướng Naoto Kan bị Trung Quốc làm nhục trong lúc chính phủ này tìm cách giữ khoảng cách trong quan hệ với Hoa Kỳ. Giờ đây, người dân Nhật Bản nhận thấy là nếu không có Mỹ, không có căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Okinawa, an ninh tại vùng châu Á Thái Bình Dương không được bảo đảm, trước một nước Trung Quốc, được coi là một mối đe dọa.”

Trung Quốc bắt giữ bốn kiều dân Nhật

Vào lúc Nhật Bản tỏ dấu hiệu hòa hoãn tránh để gây thêm căng thẳng trong quan hệ Nhật –Trung, thì vào hôm qua Trung Quốc cho biết đã câu lưu bốn kiều dân Nhật, với lý do bốn người này đã xâm nhập trái phép một khu quân sự tại tỉnh Hà Bắc. Từ thủ đô Bắc Kinh thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm thông tin về vụ bắt giữ nói trên :

« Chi nhánh tại Trung Quốc của tập đoàn xây dựng Fujita khẳng định là bốn người Nhật Bản bị bắt đúng là nhân viên của tập đoàn này, nhưng đại diện chi nhánh từ chối bình luận về vụ việc. Theo cơ quan cảnh sát thành phố Thạch Gia Trang thì cơ quan an ninh quốc gia tỉnh Hà Bắc trực tiếp xử lý vụ này. Nói một cách khác, đây là một vụ việc ở cấp nhà nước, bởi vì theo Tân Hoa Xã, các cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiến hành bắt giữ bốn người Nhật nói trên sau khi được thông báo về những hoạt động được coi là bất hợp pháp của họ.

Theo phía Trung Quốc, bốn người Nhật đã bị bắt trong lúc họ quay phim các cơ sở quân sự. Theo một số phương tiện truyền thông Nhật Bản, các nhân viên của Fujita chỉ tới quan sát các địa điểm trong khuôn khổ dự án tẩy khử vũ khí hóa học do quân đội Nhật Hoàng để lại từ thời kỳ đại chiến thế giới lần thứ hai. Thông tin này chưa được công ty Nhật Bản khẳng định.

Từ năm 1999, Tokyo và Bắc Kinh đã ký một bị vong lục cho phép các chuyên gia Nhật Bản tới khu vực này để thu lượm vũ khí hóa học. Đã có 58 địa điểm được ghi nhận là cần phải tẩy khử vũ khí hóa học, trong đó có thủ phủ tỉnh Hà Bắc, nơi mà bốn người Nhật vừa bị bắt »

Phát biểu hôm qua tại Đại hội Liên Hiệp Quốc, New York, thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định là « Trung Quốc tiếp tục mở rộng ra thế giới bên ngoài (…) Trung Quốc chống lại mọi hình thức bảo hộ và sẽ tiếp thu những tiến bộ mà cộng đồng quốc tế đã đạt được trong các lãnh vực từ kinh tế đến khoa học, kỹ thuật … (…) sự phát triển của Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ một ai ». Tuy nhiên ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh là «Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ trên các vấn đề chủ quyền quốc gia, sự tống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.