Vào nội dung chính
ĐÔNG BẮC Á

Vụ tàu cá Trung Quốc : Không có dấu hiệu giảm nhiệt giữa Tokyo và Bắc Kinh

Hôm 27/09/2010, lại có một loạt dấu hiệu cho thấy quan hệ Bắc Kinh-Tokyo tiếp tục căng thẳng do « sự cố tàu cá », mặc dù Nhật Bản đã trả tự do cho viên thuyền trưởng người Trung Quốc từ ngày 24/09. Vào cuối tuần qua, trong vòng 24h, Trung Quốc hai lần lên tiếng đòi Nhật Bản phải xin lỗi và đền bù trong vụ bắt giữ thuyền trưởng Chiêm Kỳ Hùng. Trong ngày hôm qua, đích thân thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan bác bỏ đòi hỏi này của Bắc Kinh và Tokyo bắt đầu phản công.

Thuyền trưởng chiếc tàu đánh cá Trung Quốc vừa được Nhật Bản trả tự do, được dân chúng quê ông ở Phúc Kiến nghênh đón ngày 27/09/2010
Thuyền trưởng chiếc tàu đánh cá Trung Quốc vừa được Nhật Bản trả tự do, được dân chúng quê ông ở Phúc Kiến nghênh đón ngày 27/09/2010 REUTERS/Kyodo
Quảng cáo

Trong cuộc họp báo hôm nay, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản, Yoshito Sengoku cho biết là Tokyo sẽ yêu cầu Bắc Kinh phải bồi thường cho việc sửa chữa hai tàu tuần tra Nhật Bản bị tàu cá Trung Quốc đâm vào ngày mồng 08/09, trong vùng biển gần quần đảo Senkaku – mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Đồng thời, Tokyo yêu cầu Bắc Kinh rút hai tàu tuần tra Trung Quốc ra khỏi khu vực biển đang có tranh chấp chủ quyền và để cho đại diện lãnh sự Nhật Bản được quyền đến gặp 4 công dân nước này bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ từ giữa tuần trước với lý do họ quay phim chụp ảnh trái phép những cơ sở quân sự ở tỉnh Hà Bắc. Đây là những chuyên gia của tập đoàn xây dựng Fujita, trong khuôn khổ hợp tác Trung-Nhật, có nhiệm vụ thu dọn vũ khí hóa học do quân đội Nhật hoàng bỏ lại trong thời kỳ đệ nhị thế chiến.

Trong thời gian 16 ngày Nhật Bản tạm giữ viên thuyền trưởng Trung Quốc để điều tra, chính quyền Bắc Kinh đã liên tục gây sức ép, như liên tiếp triệu đại sứ Nhật Bản lên bộ Ngoại giao, kể cả vào nửa đêm, để phản đối, cho tổ chức biểu tình, thủ tuớng Ôn Gia Bảo lên tiếng đe dọa trừng phạt, kiếm cớ bắt giữ bốn chuyên gia Nhật Bản.

Một số công ty xuất nhập khẩu cho biết là Trung Quốc ngừng xuất khẩu kim loại hiếm, cần thiết cho ngành công nghệ cao của Nhật Bản. Còn theo báo Yomiuri Shimbun, thì từ tuần trước, hải quan Trung Quốc gia tăng các biện pháp kiểm tra đối với các tàu chở hàng đi và đến từ Nhật Bản, kéo dài thời gian tàu đợi ở các cảng Trung Quốc.

Từ đầu sự cố, Nhật Bản luôn giữ thái độ ôn hòa và khi trả tự do cho viên thuyền trưởng Trung Quốc, Tokyo nghĩ rằng mọi việc sẽ lắng dịu. Thế nhưng, trước thái độ trịch thượng Bắc Kinh và làn sóng chỉ trích ở trong nước, chính quyền trung tả Nhật Bản buộc phải có phản ứng lại Trung Quốc.

Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Sengoku nhấn mạnh : « Quả bóng hiện ở bên sân Trung Quốc ». Được hỏi về việc Bắc Kinh có thái độ quyết đoán, đưa ra những đòi hỏi phi lý về chủ quyền tại biển Hoa Đông, ông Sengoku mỉa mai đáp : « Đó là phương thức mà Trung Quốc thực hiện sự trỗi dậy một cách hòa bình trên chính trường quốc tế ». Đồng thời, Tokyo kêu gọi hai bên tiến hành thương lượng, tìm ra những biện pháp giúp tránh tái diễn sự cố.

Trong khi đó, hơn một chục dân biểu thuộc đảng Dân chủ Nhật Bản, đảng của thủ tướng Naoto Kan, đã ra một tuyên bố phê phán chính quyền nhượng bộ Bắc Kinh khi trả tự do cho viên thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Các dân biểu còn đề nghị Nhật Bản nên xem xét đến việc đưa binh sĩ ra canh giữ thường trực quần đảo Senkaku.

Theo một số nhà phân tích, cho đến nay, sở dĩ Nhật Bản có thái độ kiềm chế và thậm chí nhân nhượng Trung Quốc là theo lời khuyên của Hoa Kỳ. Chính quyền Washington kêu gọi hai bên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ đối với Tokyo, đồng minh truyền thống trong khu vực. Dường như, Mỹ không muốn để Trung Quốc khai thác vụ tàu cá để đánh lạc hướng, tránh được áp lực của phương Tây trong vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ và ngoại thương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.