Vào nội dung chính
NHẬT BẢN - TRUNG QUỐC

Nhật Bản dự trù cho đóng quân gần đảo Senkaku

Hôm 29/09/2010, theo báo Nhật Bản Nikkei, Tokyo dự tính sẽ đóng quân tại vùng quần đảo Senkaku / Điếu Ngư đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Toshimi Kitazawa đã yêu cầu được cấp ngân sách để chuẩn bị đưa các binh sĩ thuộc lực lượng phòng vệ nước này ra đóng trên đảo Yonaguni, nằm ở cực tây nam nước Nhật.

Tàu tuần duyên Nhật Bản đi song song với một tàu ngư chính Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh ngày 28/09/2010
Tàu tuần duyên Nhật Bản đi song song với một tàu ngư chính Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh ngày 28/09/2010 Reuters
Quảng cáo

Theo tờ Nikkei, nhiều nghị sĩ của đảng Dân chủ Nhật Bản, đảng trung tả hiện đang nắm quyền của thủ tướng Naoto Kan, đã gây sức ép đối với chính phủ để đưa quân đến đóng tại chính quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Tuy nhiên, hiện tại, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tỏ ra thận trọng đối với khả năng này. Đã nhiều lần trong năm nay, Tokyo thể hiện sự lo ngại đối với hoạt động ngày càng tăng mạnh của tàu biển Trung Quốc ngay sát gần bờ biển Nhật Bản.

Xin nhắc lại là, căng thẳng giữa hai nước đặc biệt dâng cao, bắt nguồn từ vụ một chiếc tàu cá Trung Quốc bị Nhật Bản bắt giữ ngày 08/09, sau các va chạm với tàu tuần tiễu Nhật. Thuyền trưởng chiếc tàu cá đã bị câu lưu 16 ngày, trước khi được Tokyo ra lệnh trả tự do thứ sáu tuần trước, trong bối cảnh Trung Quốc phản ứng dữ dội.

Việc Nhật Bản trả tự do cho viên thuyền trưởng kể trên đã gây ra nhiều phản ứng trái ngược tại Nhật Bản. Một nhóm dân biểu thuộc đảng Dân chủ Nhật Bản, đảng của thủ tướng Naoto Kan, đã ra một tuyên bố phê phán chính quyền đã nhượng bộ Bắc Kinh khi đưa ra quyết định này.

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc bắt đầu trở lại từ năm 2005, liên quan đến chuyến viếng thăm ngôi đền Yasukuni của thủ tướng Nhật Bản thời đó. Đền Ngôi đền này bị coi là biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc Nhật. Theo nhận định của bà Valérie Niquet, Giám đốc Trung tâm châu Á (Học viện Quan hệ quốc tế Pháp), tác giả cuốn sách « Đối đầu Trung-Nhật » (xuất bản năm 2006), tình hình hiện nay còn nghiêm trọng hơn.

"Hiện tại thì Trung Quốc còn không ở vào vị thế của nước đi tìm sự hòa dịu. Và đây chính là vấn đề. Về phần mình, thì hiện thời, Tokyo không tìm cách đẩy xung đột lên đến mức cao, và dường như hài lòng với tình hình bình ổn trong một khu vực khá bất ổn trên mọi cấp độ, thêm vào đó là quan hệ kinh tế rất chặt chẽ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tóm lại, trong hiện tại, nếu Bắc Kinh vẫn tiếp tục đi theo chiến lược đối ngoại bành trướng thế lực và thể hiện sự lấn lướt đối với các nước láng giềng, thì sự hòa dịu trong khu vực khó có thể đạt được. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ghi nhận là rất nhiều nước trong vùng mong muốn Trung Quốc tham gia tích cực hơn vào hợp tác khu vực và toàn cầu. Về chuyện này, hiện nay tại châu Á, có thể thấy có một thái độ lo lắng, cũng như một nỗi thất vọng lớn đối với chiến lược gây căng thẳng của Bắc Kinh".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.