Vào nội dung chính
Tạp chí tiêu điểm

Hoa Kỳ tỏ rõ quyết tâm trở lại châu Á

Đăng ngày:

Trong nhiều năm dài, các chiến lược gia Hoa Kỳ lo lắng trước sức mạnh kinh tế và quân sự càng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Á châu. Washington e rằng không sớm thì muộn sẽ mất hết ảnh hưởng tại khu vực năng động nhất địa cầu. Tuy nhiên, trong những tuần lễ gần đây, thái độ hung hăng của Bắc Kinh đã làm cho các nước láng giềng của Trung Quốc chuyển hướng mời gọi Hoa Kỳ trở lại châu Á.

Một tàu đánh cá Trung Quốc đang hoạt động ở gần vùng mỏ khí đốt thiên nhiên tại biển Hoa Đông ngày 29/9/2010.
Một tàu đánh cá Trung Quốc đang hoạt động ở gần vùng mỏ khí đốt thiên nhiên tại biển Hoa Đông ngày 29/9/2010. Reuters
Quảng cáo

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á nhận định là ngay những những người đã từng tin chắc là Hoa Kỳ đang xuống dốc cũng đã thay đổi quan điểm, và nhìn nhận là Mỹ sẽ là một tác nhân then chốt trong thời kỳ 50 năm tới đây tại Á châu. Giới lãnh đạo Việt Nam phản ứng một cách tích cực.

Sau khi Trung Quốc gây sức ép bắt chẹt Nhật Bản phải thả viên thuyền trưởng lái tàu cá ủi vào tàu tuần tra của Nhật trong vùng đảo tranh chấp, Hoa Kỳ lên tiếng khẳng định xem Senkaku/Điếu ngư đài là của Nhật. Điều này có nghĩa là Mỹ sẽ bảo vệ Nhật nếu Trung Quốc gây chiến.

Song song với phản ứng này, hải quân Mỹ tiến hành một cuộc tập trận đại qui mô với Hàn Quốc bất chấp lời cảnh báo của Bắc Kinh. Cùng lúc đó, Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo Đông Nam Á họp hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Asean lần thứ hai tại New York hôm 24 /9/ 2010, khẳng định quyền tự do giao thương trên biển Đông.

Thái độ của ban lãnh đạo Bắc Kinh tại Biển Đông bị các chuyên gia quốc tế gọi thẳng thừng là « ngạo mạn, hung hăng, trịch thượng ».Một chuyên gia về châu Á là ông Raph Cossa , chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Diễn đàn Thái Bình Dương nhấn mạnh yếu tố nhân hòa : « Trung Quốc càng phô trương cơ bắp thì các nước trong vùng càng gọi số điện thoại khẩn cấp 911 cầu cứu Hạm đội 7. Ngay nước Nhật cũng thế ».

Mặc dù chính phủ cánh tả tuyên bố « độc lập hơn » đối với Mỹ, nhưng thủ tướng Naoto Kan không nhắc đến chuyện di dời một căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa, và đã bổ nhiệm một nhân vật thuộc cánh « diều hâu » trong đảng Dân Chủ, ông Seiji Maehara làm ngoại trưởng giữa lúc Trung Quốc gây sức ép.

Về phía Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao James Steinberg tuyên bố là Hoa Kỳ chấp nhận để cho Trung Quốc phát triển quân đội, nhưng hy vọng rằng sức mạnh này được sử dụng « tích cực » phục vụ lợi ích an ninh chung, như chống hải tặc tại Somalia.

Trên thực tế thì một bản báo cáo của Bộ Quốc phòng công bố hồi tháng 8 phát hiện Trung Quốc tăng cường vũ trang để chuẩn bị chiến tranh chiếm Đài Loan và gây ảnh hưởng trên toàn châu lục.

Thời cơ hiện nay rất thuận lợi cho Hoa Kỳ trở lại châu Á. Trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á Kurt Campell công nhận là trong những năm gần đây, vai trò của Trung Quốc không ngừng gia tăng nhưng ông nhấn mạnh « Sự thực là Hoa Kỳ không bao giờ bỏ rơi châu Á và trong nhiều thập niên tới, Mỹ sẽ là tác nhân chính tại nơi này ». Từ chính sách mập mờ, Hoa Kỳ đã tỏ thái độ dấn thân rõ ràng.

Câu hỏi đặt ra là, Mỹ và các nước Á châu bị Trung Quốc đe dọa chuẩn bị những bước tới như thế nào ? Và Việt Nam phải cải tổ ra sao để được Mỹ hỗ trợ một cách dễ dàng và lâu bền ? RFI Việt ngữ đặt câu hỏi với Giáo sư chính trị quốc tế Nguyễn Mạnh Hùng, đại học George Mason , Hoa Kỳ.

« Tại Biển Đông, thái độ hung hăng của Trung Quốc làm Mỹ phải phản ứng nhưng Mỹ không thể phản ứng một mình được nếu không có hỗ trợ của Đông Nam Á là những nước có quyền lợi thiết thân… Bây giờ họ đã phát biểu về quyền lợi thiết thân của họ rồi thì Hoa Kỳ cũng giúp họ thôi ».

« Nếu Việt Nam cải tổ dân chủ và cải thiện nhân quyền thì điều này sẽ khiến Hoa Kỳ và Việt Nam đến gần nhau hơn… vì không có quan hệ lâu dài tốt đẹp nếu không có tương đồng về thể chế chính trị. Nếu sự cải tổ củaViệt Nam tiến nhanh thì mối quan hệ với Mỹ tốt đẹp hơn, thí dụ như quan hệ dễ dàng thoải mái của Mỹ với Đài Loan, với Nhật Bản »

« Việt Nam phải nói là không chống Trung Quốc, nhưng cũng phải nói là mình có quyền của một quốc gia độc lập muốn liên hệ với ai cũng được để bảo vệ tự do, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.