Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - AN NINH CHÂU Á

Cảnh báo về một cơn bão địa lý chiến lược tại vùng biển quanh Trung Quốc

Quan hệ Trung Nhật đang ấm dần lên thì đột nhiên trở nên căng thẳng sau khi một tàu đánh cá Trung Quốc bị Nhật Bản bắt giữ. Bắc Kinh đã phản ứng hết sức cứng rắn, và cuối cùng Tokyo đã phải nhượng bộ. Sự việc này làm cho tình hình tại vùng biển quanh Trung Quốc vốn đã không mấy sáng sủa, càng trở nên u ám. Phân tích sự kiện này, nhật báo Le Monde hôm nay dành bài xã luận trên trang nhất với nhận định : « Cảnh báo về một cơn bão địa lý chiến lược tại vùng biển quanh Trung Quốc ».

Quảng cáo

Mở đầu, tác giả cho rằng vùng biển quanh Trung Quốc vừa trải qua một trong những giây phút lịch sử của khu vực, một giai đoạn gây quan ngại đến hầu như tất cả các quốc gia tại khu vực này, qua đó càng làm sáng tỏ hơn hình ảnh đáng quan ngại của Trung Quốc, một cường quốc mạnh bạo với một chủ nghĩa dân tộc cao độ, sẵn sàng đe dọa các nước láng giềng.

Trong tháng 9 vừa rồi, quan hệ Bắc Kinh-Tokyo trở nên căng thẳng tột độ. Nguyên nhân chính chỉ vì tranh chấp các hòn đảo trên biển Đông, giữa một chiếc tàu đánh cá và các hải đội tuần tra. Nhật Bản đã kiểm soát các hòn đảo này, mà họ gọi là Senkaku từ cuối thế kỷ 19, trong khi phía Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với tên là Điếu Ngư.

Câu chuyện tàu đánh cá xảy ra vào ngày 7 tháng 9, một chiếc tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc hoạt động trong khu vực vùng đảo tranh chấp. Phía Tokyo cho biết, lực lượng tuần tra Nhật đã yêu cầu các ngư phủ rời khỏi khu vực, nhưng chiếc tàu đánh cá lại toan húc vào tàu tuần tra. Lực lượng tuần tra Nhật đã bắt giữ con tàu và ngay sau đó thả toàn bộ ngư phủ, chỉ câu lưu viên thuyền trưởng đến tận ngày 24 tháng 9.

Tác giả cho rằng, thông thường trong những trường hợp rắc rối như vậy, sự việc có thể giải quyết bằng phương pháp ngoại giao êm thắm. Thế nhưng, Trung Quốc lại chọn giải pháp « phô trương sức mạnh », đã dùng những cách thức không phù hợp cho hai quốc gia, vốn đang có mối liên hệ kinh tế chặt chẽ và đang cùng nỗ lực để cải thiện quan hệ, sau một thời kỳ cơm không lành, canh chẳng ngọt.

Đại sứ Nhật tại Trung Quốc đã bị triệu kiến hơn 6 lần, có khi vào lúc nửa đêm, tất cả các cuộc gặp song phương bị hủy bỏ, chuyến tham quan trung tâm triển lãm Thượng Hải của đoàn học sinh Nhật bị cấm. Hơn thế nữa, Trung Quốc đã sử dụng một biện pháp mạnh bạo đến mức, mà nhiều đối tác thương mại trên thế giới không khỏi ngạc nhiên là tạm dừng xuất khẩu kim loại hiếm cho Nhật Bản. Bắc Kinh sau đó lại tìm cớ bắt giữ 4 quan chức Nhật đang làm việc tại Trung Quốc.

Hàng loạt hành động hung hăng đó đã gây hoang mang cho các quốc gia trong khu vực. Bởi vì hiện tại dù trên phần biển phía đông hay phía nam, Trung Quốc đều có tranh chấp lãnh thổ với các nước, như Việt Nam, Phlilippines, Indonesia, Malaysia, Singapore và Brunei.

Một loạt câu hỏi được đặt ra: Tại sao Trung Quốc lại chọn giải pháp phản ứng gây phương hại đến hình ảnh của mình như vậy ? Có phải Trung Quốc muốn khẳng định chủ quyền đã được công bố và sự kiểm soát của Bắc Kinh trên vùng biển, mà Trung Quốc có nhiều lợi ích về nặng lượng ? Trung Quốc làm điều này là do sức ép của một chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao trong dân chúng, hay đó là biểu hiện của sự chia rẽ trong nội bộ đảng cầm quyền ? Hay Trung Quốc muốn đáp trả tuyên bố về quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ tại khu vực này ?
Tác giả kết luận, dù với nguyên nhân gì đi nữa, thì hậu quả của hành động trên của chính quyền Bắc Kinh đã cho thấy một hậu quả nhãn tiền. Đó là nhiều nước trong khu vực cảm thấy cần thiết phải âm thầm nhích lại gần hơn với Mỹ để tìm một chỗ dựa an toàn.

Liên quan đến tình hình chính trị Bắc Triều Tiên, Le Monde tiếp tục quan tâm đến người kế tục nhà lãnh đạo Kim Jong-Il với thông tin : « Chính phủ Bắc Triều Tiên công bố bức ảnh đầu tiên về Kim Jong-Un ». Bài viết cho biết từ thời thơ ấu, gương mặt của người kế tục sự nghiệp ông Kim Jong-il chưa hề xuất hiện công khai.

Thế là cuối cùng, người dân Bắc Triều Tiên có thể biết mặt của người kế vị chủ tịch Kim Jong-il. Đó là người con trai út tên Kim Jong-Un, tuần rồi vừa được thăng hàm đại tướng và phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Ngày 30 vừa qua, thời báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng này, lần đầu tiên đã công bố một bức ảnh ghi hình ban lãnh đạo mới của đảng, trong đó có mặt Kim Jong-un, ngồi ở hàng đầu, bên phải Kim Jong-Il. Tuy nhiên, lời chú thích bức ảnh không ghi rõ tên của Kim Jong-Un.

Hiện tại, thế giới và ngay cả người dân Bắc Triều Tiên hầu như không biết gì nhiều về nhân vật kế thừa này. Ngay cả ở Bình Nhưỡng, thì thông tin về Kim Jong-Un cũng không nhiều. Ở đấy, mọi người chỉ nghe tin đồn về khả năng kế thừa chức vị của nhân vật này, còn mọi thông tin về cuộc đời và tính cách của anh ta thì hầu như được giữ trong im lặng. 

Theo Le Monde, có thể Kim Jong-Un sinh ngày 8 tháng 1 năm 1983, hay 1984 gì đó. Kim Jong-Un là con trai của Koh Young-Hee vợ thứ ba, và cũng là người vợ được sủng ái nhất của Kim Jong-Il, đã qua đời năm 2004, lúc 51 tuổi, vì bệnh ung thư vú. Koh Young-Hee là người Hàn Quốc, sinh ở Osaka, Nhật Bản rồi sang định cư ở Bắc Triều Tiên, vào đầu thập niên 1960, và vào thập niên 1970 được tuyển làm vũ công trong đoàn nhạc nghệ Mansudae ở Bình Nhưỡng. Koh Young-Hee có với Kim Jong-Il một gái và hai trai. Người con trai lớn tên là Kim Jong-Chol, sinh năm 1980.

Như hai anh trai của mình, Kim Jong-Un cũng từng theo học ở Thụy Sỹ, nói được tiếng Đức, Anh và Pháp. Ở Bắc Triều Tiên, Kim Jong-Un theo học ở Truờng Đại học Quân sự Kim Nhật Thành, sau đó được bố trí làm việc ở một trường đại học quân sự, rồi được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ trong Đảng, và thường xuyên tháp tùng Kim Jong-Il trong các chuyến công du địa phương.

Theo nhà nghiên cứu Cheong Seong-Chang thuộc viện Sejong Hàn Quốc, thì bà Koh Young-Hee đã làm mọi cách để cho một trong hai nguời con trai thứ của bà được kế thừa vương vị. Trong khi đó, con trai trưởng của Kim Jong-il là Kim Jong-Nam dường như mất đi cơ hội kế thừa sau vụ nhập cảnh bất hợp pháp và bị bắt ở Nhật năm 2001. Thế nhưng, theo ông Cheong Seong-Chang, thì Kim Jong-Nam từ lâu không hề có tham vọng kế vị.

Thế thì tại sao Kim Jong-Il lại chọn Kim Jong-Un, chứ không phải là Kim Jong-Chol ? Theo ông Cheong Seong-Chang, thì dường như là vì Kim Jong-Un có tính tình cương nghị hơn anh trai mình. Những thông tin, được xem là duy nhất, đến từ hai quyển hồi ký của một đầu bếp người Nhật từng phục vụ cho gia đình Kim Jong-il từ năm 1982 đến 2001. Theo đó, Kim Jong-Chol thì hiền từ và e dè, trong khi đó Kim Jong-Un thì mạnh mẻ hơn, và tính tình giống bố nhiều hơn.

Le Monde cho biết, tin đồn về khả năng kế thừa của Kim Jong-un đã bắt đầu cách đây bốn năm và càng trở nên rõ ràng hơn, sau khi Kim Jong-il bị tai biến năm 2008. Có thể từ đó, Kim Jong-Un nhanh chóng được bí mật tham gia các trọng trách trong đảng. Từ mùa hè năm 2009, Kim Jong-un được nhận bản sao các báo cáo mà quân đội và các cơ quan tình báo gửi về cho Kim Jong-Il. Cũng từ đó, ngoại trừ việc liên quan đến đối ngoại, Kim Jong-Un đều giải quyết các hồ sơ dưới bóng cha mình.

Về thời sự nước Pháp, nhật báo L’Humanité giới thiệu bài phân tích của giáo sư chính trị học Frédéric Sawicki thuộc Đại học Paris I của Pháp. Bài viết phân tích tình hình chính trị Pháp, trong bối cảnh hiện tại với nhiều cuộc biểu tình diễn ra liên tiếp phản đối chính sách của tổng thống Nicolas Sarkozy.

Tác giả khẳng định, phong trào chống chính sách cải tổ hệ thống hưu bổng hiện tại đang có tầm ảnh hưởng to lớn, bởi khác với những năm 1995 và 2003, lần này cuộc đấu tranh huy động được toàn thể người làm công ăn lương và tất cả các công đoàn. Chính phủ đã sử dụng nhiều biện pháp để làm dịu tình hình: nhấn mạnh con số tham gia đình công là thấp, điều khiển hậu trường các cuộc thăm dò dư luận… Tuy nhiên, các biện pháp này đã không làm thay đổi được gì.

Dù phía chính phủ tỏ ra cương quyết, nhưng từ tháng 5 đến nay, các nghiệp đoàn đã cùng nhau tổ chức nhiều ngày hành động và số lượng người tham gia xuống đường ngày càng tăng. Theo thăm dò, ít nhất 2 triệu người đã tham 4 lần hành động ở 120 thành phố của Pháp. Các cuộc biểu tình được ¾ người Pháp ủng hộ. Gần 70% người được thăm dò cho rằng : chính sách cải tổ không giải quyết được vấn đề hưu bổng trong dài hạn, 80% thì thấy rằng chính sách cải tổ không đảm bảo bình đẳng xã hội.

Hiện tại, liệu chính phủ chấp nhận thối lui hẳn, hay ít ra là sửa đổi phần trọng yếu. Tác giả cho rằng, khả năng này rất khó xảy ra.

Chính phủ đã chọn giải pháp cứng rắn, vì thế ít có khả năng họ chấp nhận thay đổi chiến lược, họa may chỉ là một vài nhượng bộ lặt vặt. Chính phủ chủ trương không tăng thuế, đặc biệt đối với người giàu nhằm “khuyến khích đầu tư sinh lợi”. Trong điều kiện đó, để đảm bảo thị trường tài chính và nhằm tôn trọng các tiêu chuẩn về thâm hụt công được quy định trong các hiệp ước của Liên Hiệp Châu Âu, thì giải pháp duy nhất là giảm trợ cấp xã hội và chi tiêu công.

Nguyên nhân kế đến là vấn đề chiến thuật hành động của chính phủ. Chính phủ hiện tại không còn gì để mất. Khi mà chỉ số tín nhiệm của quần chúng xuống mức thấp nhất, tổng thống Sarkozy toan trông chờ vào tính nhẫn nhục của người Pháp. Hình ảnh “một người hành động đầy can đảm là phương tiện sau cùng của ông ta. Và chắc chắn rằng trong chiến dịch tranh cử năm 2012, khẩu hiệu tranh cử của ông Sarkozy sẽ là: “Các biện pháp cải tổ cứng rắn nhất đã được tiến hành, và kể từ đây, chúng ta bắt đầu hưởng lợi từ cải tổ đó”.

Hiện tại, theo tác giả, chính phủ đã không thể giữ đúng lời hứa năm 2007 là “làm nhiều hưởng nhiều”. Người dân bất bình trước hàng loạt chính sách cải tổ (chính sách cải tổ hưu bổng thiếu công bằng, giảm một cách mù quáng số lượng viên chức, giảm tiền trợ cấp y tế). Chính phủ làm mất lòng tin của hầu hết các tầng lớp cử tri : bác sỹ, nông dân, cảnh sát, tòa án, dân biểu địa phương, tôn giáo… Tất cả những việc đó có thể dẫn tới thất bại của ông Sarkozy trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.