Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Trung Quốc lần đầu tiên đón tiếp hội nghị về khí hậu của Liên Hệp Quốc

Vòng đàm phán bắt đầu ngày hôm nay (4/10) và kéo dài cho hết tuần này, tại Thiên Tân, có mục đích chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Cancun, Mêhicô. Trung Quốc, nước thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới, lần đầu tiên đón tiếp một hội nghị liên quan đến Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu.

Bà Christiana Figueres đọc diễn văn khai mạc hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ tại Thiên Tân ngày 4/10/2010
Bà Christiana Figueres đọc diễn văn khai mạc hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ tại Thiên Tân ngày 4/10/2010 Ảnh:REUTERS/Jason Lee
Quảng cáo

Các chuyên gia đã hoan nghênh sự kiện này, hy vọng Bắc Kinh sẽ có những đóng góp tích cực hơn, tuy không chờ đợi hội nghị sẽ đạt được những bước tiến quan trọng.

Riêng bà Christiana Figueres, người phụ trách hồ sơ khí hậu của Liên Hiệp Quốc, đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc, một trong những quốc gia chịu trách nhiệm về thất bại của hội nghị Copenhague, nên tỏ thiện chí vì lợi ích chung. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn tỏ ra thiếu sốt sắng trong việc để quốc tế kiểm soát vấn đề khí thải, trong khi Hoa Kỳ và nhiều nước khác vẫn đòi hỏi.

Ba ngàn đại biểu của trên 170 nước họp mặt ở Thiên Tân, một tỉnh phía bắc cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 150 cây số. Theo hãng tin AFP, Trung Quốc muốn dùng địa điểm này để chứng tỏ nước mình đã có cố gắng trong lãnh vực năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió. Trong khi vào giữa tháng 9, Bắc Kinh đã nhìn nhận là khó thể đạt được mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp.

Các nhà chuyên môn cho rằng trong hội nghị lần này, sẽ không có trở ngại trên các vấn đề kỹ thuật như cơ chế hỗ trợ các nước khó khăn, đấu tranh chống nạn phá rừng. Nhưng các chủ đề gai góc như viện trợ tài chính lâu dài, mức độ kiểm soát giới hạn thải khí…vẫn còn đó.

Xin nhắc lại, hội nghị Cancun, Mêhicô sẽ diễn ra từ ngày 29/11 đến 10/12 tới, với mục tiêu đạt được một hiệp ước cho phép giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thay cho hiệp ước Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012. Một năm trước đó, hội nghị Copenhague được xem là một thất bại vì chỉ được một nhóm nguyên thủ quốc gia ký vào phút chót, nhắm vào việc hạn chế nhiệt độ trái đất không tăng lên quá 2 độ, nhưng không đưa ra được lịch trình cụ thể và các biện pháp cũng rất mơ hồ.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.