Vào nội dung chính
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU - GIẢM THẢI KHÍ

Trung Quốc, Mỹ trì hoãn đưa ra các cam kết ràng buộc về khí hậu

Báo Le Monde hôm nay, 05/10/2010, chú ý đến các cuộc thương thuyết về khí hậu, đang diễn ra từ ngày 04 đến ngày 09/10/2010 tại Thiên Tân (Trung Quốc), thành phố nổi tiếng với một dự án sinh thái lớn. Trước Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu tại Cancun (Mêhicô), vòng thương lượng cuối cùng này được trông đợi như là một cơ hội để các nước vượt qua tình trạng gần như bế tắc, kể từ hội nghị Copenhagen (12/2009) đến nay.

Một nhà máy nhiệt điện ở Thiên Tân, Trung Quốc, 04/10/2010
Một nhà máy nhiệt điện ở Thiên Tân, Trung Quốc, 04/10/2010 Ảnh: REUTERS
Quảng cáo

Điểm đáng chú ý hiện nay là Trung Quốc, nước chủ nhà của cuộc thương thuyết lần này, đã trở thành quốc gia phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới. Le Monde khẳng định, không nên trông đợi là, trong dịp này, Bắc Kinh sẽ đưa ra một lập trường mềm mại hơn. Đại diện của đoàn đàm phán Trung Quốc cũng nói rõ là sẽ tích cực tham gia để thu hẹp những khác biệt giữa 190 phái đoàn có mặt, nhưng bản thân Trung Quốc tự coi là đã thực hiện xong phần trách nhiệm của mình.

Trên thực tế, Trung Quốc đã cam kết giảm « cường độ năng lượng », nghĩa là lượng khí CO2 phát ra, tính theo đơn vị PIB, ở mức 40% từ đây đến năm 2020, so với mức của 2005, với mục tiêu trung gian là giảm đi 20%, từ đây đến cuối năm. Việc chính phủ Trung Quốc ra quyết định đóng cửa ào ạt một loạt các xí nghiệp tiêu thụ quá nhiều năng lượng, trong mấy tuần qua, cho thấy khó khăn của Bắc Kinh trong việc đạt được mục tiêu này.

Theo Le Monde, ngoài mục tiêu giảm lượng khí thải một cách tương đối, tùy theo quy mô của nền kinh tế, Trung Quốc không chấp nhận đưa ra một con số cụ thể về lượng khí thải phải giảm. Theo ông William Chandler, chuyên gia về khí hậu thuộc Fondation Carnegie, việc đưa ra các cam kết bó buộc sẽ gây trở ngại cho tăng trưởng của nước này. Và Trung Quốc chỉ chấp nhận làm điều này, nếu như các nước công nghiệp phát triển có các nhượng bộ, đặc biệt từ phía Hoa Kỳ.

Chủ nhật (03/10/2010), cơ quan báo chí của chính phủ Trung Quốc đã tập trung nhấn mạnh đến « trách nhiệm lịch sử » của các nước phát triển, mà đứng đầu là Hoa Kỳ, trong quá trình thương thuyết. Tân Hoa xã cảnh báo, các « đòi hỏi phi lý » của các nước phát triển đối với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Nam Mỹ, sẽ có nguy cơ làm hỏng các đối thoại và là một cách để các nước này đánh lạc hướng chú ý của công luận đối với trách nhiệm của mình.

Trả lời phỏng vấn Le Monde, nhận xét về thái độ của Trung Quốc trong mối quan hệ với lập trường của Hoa Kỳ, ông Paul Watkinson, đại diện đoàn Pháp tại Thiên Tân, cho biết : Trung Quốc đã từng chấp nhận một cam kết mang tính ràng buộc trong thỏa thuận Copenhagen, và có nỗ lực đi theo hướng này, nhưng hiện nay nước này lại lưỡng lự, và núp sau lưng Hoa Kỳ. Trong khi đó, Hoa Kỳ tỏ ra không mặn mà với các cam kết mang tính bó buộc, không hành động gì, và đồng thời lại đưa ra quá nhiều đòi hỏi đối với các nước đang phát triển. Tình trạng này hoàn toàn không thuận lợi cho việc đạt được một thỏa thuận.

Theo trưởng đoàn đàm phán Pháp, mục tiêu của hội nghị Thiên Tân lần này là chuẩn bị các cơ sở cho một thoả thuận giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 2°C, sẽ được đưa tại hội nghị thượng đỉnh Cancun (Mêhicô). Cho đến nay, nếu tổng hợp toàn bộ các hành động được các nước tuyên bố, có thể thấy, còn xa mới đạt được mục tiêu đề ra. Và nếu vòng đàm phán này thất bại, điều này sẽ không phải là thảm họa đối với Hoa Kỳ, châu Âu, và thậm chí cả Trung Quốc, tuy nhiên tình thế sẽ rất nguy hiểm đối với những nước nghèo nhất, những nước châu Phi và các nước đảo, vốn rất cần đến sự hỗ trợ trong một khuôn khổ hợp tác đa phương.

Brazil : ứng cử viên đảng Xanh ngăn chặn chiến thắng ngay tại vòng đầu của người kế tục tổng thống Lula

Hầu hết các tờ báo chính của báo Pháp hôm nay đều quan tâm đến kết quả bất ngờ của vòng một cuộc bầu cử tổng thống Brazil. Với hàng tựa « Đảng Xanh buộc Dilma Rousseff phải tiếp tục vòng hai », Le Figaro nhận định, ứng cử viên môi trường đã gây ra bất ngờ tại Brazil, với việc thu hút được 19% phiếu bầu. Mặc dù không vào được vòng hai, nhưng ứng cử viên đảng Xanh Marina Silva đã gây ra « một cơn sóng thần » trong đời sống chính trị Brazil, với gần 20 triệu phiếu thu được, kết quả vượt ra ngoài dự đoán của tất cả các cơ quan thăm dò dư luận.

Chúng ta biết rằng ứng cử viên về đầu trong vòng một, Dilma Rousseff với 46,9% số phiếu, đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ như thế nào của tổng thống mãn nhiệm rất có uy tín, Lula da Silva. Sự ủng hộ này, tuy nhiên, đã không giúp cho bà Rousseff giành được chiến thắng ngay trong vòng đầu, như dự đoán của rất nhiều người, bởi ứng cử viên đảng Xanh đã thành công trong việc thuyết phục được những người mất lòng tin vào đảng Lao động cầm quyền, đặc biệt trên phương diện đạo lý, trong bối cảnh có nhiều tố cáo tham nhũng nhằm vào một trong những nhân vật trụ cột của đảng Lao động.

Bà Rousseft, thêm vào đó, còn phải đối phó với một tin đồn độc địa, lan truyền vài ngày trước cuộc bỏ phiếu, theo đó, người ta gán cho bà có ý định hợp pháp hóa việc nạo thai, hành động vốn bị cấm tại Brazil. Nữ ứng cử viên kế tục tổng thống Lula phải tổ chức khẩn cấp một cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo giáo hội Công giáo để bàn về vấn đề này. Sự việc này, theo Le Monde, có thể gây nhiều khó khăn cho ứng cử viên Rousseft. Một nhân tố quan trọng khác gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử là tỷ lệ bỏ phiếu trắng rất cao : 27 %, tương đương với 34 triệu cử tri.

Phân tích sự vọt lên bất ngờ của ứng cử viên đảng Xanh Marina Silva, Le Monde cho rằng sức thu hút của nhân vật này nằm ở chỗ đã bảo vệ được một mô hình phát triển bền vững, hấp dẫn được giới trẻ, một bộ phận trí thức và thị dân mới của các thành phố lớn, và một bộ phận những người Tin lành Phúc Âm, mà tính trên tổng thể chiếm tới 25% dân số của Brazil.

Ngày 31 tháng 10 tới, 136 triệu công dân Brazil đi bỏ phiếu vòng 2, sẽ chọn một trong hai ứng cử viên, bà Dilma Rousseff và ông José Serra, một lãnh đạo của đảng Xã hội – Dân chủ. Theo La Croix, ứng cử viên đảng Xã hội – Dân chủ cần phải có được sự ủng hộ của một « làn sóng xanh khổng lồ », mới có thể vượt qua đối thủ. Theo các điều tra dư luận, người kế tục ông Lula vượt lên ứng cử viên Xã hội – Dân chủ từ 10 đến 15 điểm.

Philippines : giới lãnh đạo Công giáo chống lại việc tân tổng thống Benigno Aquino nêu lại vấn đề chính sách hạn chế sinh đẻ

Cũng liên quan đến chính sách hạn chế sinh đẻ tại một nước châu Á có nhiều người theo Thiên chúa giáo là Philippines, La Croix cho biết tổng thống nước này Benigno Aquino đang phải đối đầu với phản đối mạnh mẽ của Hội đồng giám mục Philippines, sau khi ông đưa ra tuyên bố tại New York rằng : chính phủ có trách nhiệm giúp đỡ các gia đình không có được các phương tiện thực hiện kiểm soát sinh đẻ như họ mong muốn.

Trên thực tế, giới tăng lữ Philippines đã thành công việc ngăn cản dự luật về nghĩa vụ của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin cho các công dân Philippines về các biện pháp tránh thai khác nhau và trong việc trợ giúp cho các gia đình nghèo các phương tiện ngừa thai. Đối lại quan điểm cho rằng việc kiểm soát sinh đẻ là chìa khóa quan trọng để giảm đói nghèo, phía giáo hội Công giáo khẳng định, chìa khóa chủ yếu để giải quyết chuyện này là tăng trưởng và giảm tham nhũng.

Tuy nhiên, trên thực tế, một điều tra dư luận gần đây cho thấy, 68% người Philippines ủng hộ việc thông qua một bộ luật kiểm soát sinh đẻ. Thứ sáu tuần trước, hàng chục thành viên của một tổ chức thiên chúa giáo đã biểu tình trước dinh tổng thống để ủng hộ chính sách kế hoạch hóa gia đình.

Pháp : hơn 1,5 triệu người lao động mù chữ

Les Echos hôm nay chú ý đến một hiện tượng đã được báo chí Pháp nói đến khá nhiều trong thời gian gần đây : nạn mù chữ. Theo Viện nghiên cứu Insee, hiện có 3,1 triệu người Pháp không có khả năng đọc, viết và tính toán, trong đó, quá nửa số này, tức hơn 1,5 triệu người hiện đang đảm nhiệm một công việc trong xã hội. Theo ông Hervez Fernandez, tổng thư ký của Cơ quan quốc gia về đấu tranh chống nạn mù chữ (ANLCI), cần phân biệt nạn mù chữ với nạn thất học. Những người mù chữ đã được đào tạo ở trường, nhưng năm tháng qua đi, họ bị mất khả năng đọc và tính toán. Mặc dù, tỷ lệ mù chữ cao nhất là trong ngành vệ sinh (18%), nạn này cũng đụng đến nhiều ngành khác nhau, với tỷ lệ từ 10% trở lên, như : vận tải, thực phẩm, luyện kim hay xây dựng.

Phần lớn những người mù chữ đều tìm được những "mưu mẹo" khác nhau để bù lập sự thiếu hụt này, nhằm thực hiện được công việc của mình. Tuy nhiên, « thảm họa » sẽ xảy ra, nếu có những thay đổi bất thường, đặc biệt ngày càng có nhiều công việc cần đến kỹ năng đọc viết. Les Echos kể lại những trường hợp, một số nhân viên mù chữ sững sờ, khi được cấp trên đề nghị cất nhắc lên các vị trí quan trọng hơn.

Theo Les Echos, nhiều người che dấu bất lực này để bảo vệ một hình ảnh tốt đẹp của bản thân, kể cả những người hoạt động công đoàn. Hiện tại, nạn thất nghiệp có thể làm số người gặp khó khăn. Tuy nhiên, theo bà Marie-Thérèse Geffroy, giám đốc Cơ quan quốc gia về đấu tranh chống nạn mù chữ (ANLCI), không nên cường điệu mức độ nghiêm trọng của thực tế này. Les Echos dẫn ra trường hợp một thượng nghị sĩ của Ottawa (Canada), tên là Jacques Demers, nguyên là một huấn luyện viên thể thao, cách đây năm năm vốn là một người mù chữ, như ông đã kể lại trong hồi ký.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.