Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa bình

Hôm nay 8/10 tại Oslo, Na Uy, Ủy ban Nobel đã thông báo quyết định trao giải Nobel hòa bình 2010 cho nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba "vì các nỗ lực lâu bền và bất bạo động của ông cho nhân quyền tại Trung Quốc". Ngay sau đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản đối lại việc trao giải cho nhà ly khai hiện đang thụ án 11 năm tù vì tội "âm mưu lật đổ nhà nước", đồng thời cho rằng việc này sẽ làm tổn hại quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy.

Quảng cáo

Trong một quyết định được đánh giá là bạo dạn, Ủy ban Nobel Hòa bình đã quyết định trao giải thưởng cao quý này cho nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba hiện đang phải sống trong tù. Sự kiện này đã lập tức thu hút mối quan tâm của quốc tế đến tình hình nhân quyền tại Trung Quốc.

Ngay sau khi thông báo của Ủy ban Nobel Hòa bình tại Na Uy được đưa ra, Trung Quốc đã lên tiếng đả kích, cho rằng sự lựa chọn này trái với các nguyên tắc của giải thưởng Nobel. Ngược lại các chính quyền phương tây như Pháp, Đức cũng như các tổ chức quốc tế chuyên bảo vệ nhân quyền đều lên tiếng hoan nghênh, và kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba và tất cả các tù nhân lương tâm khác tại Trung Quốc.

Năm nay 54 tuổi, nguyên là một gương mặt nổi bật trong phong trào dân chủ Thiên An Môn vào năm 1989, ông Lưu Hiểu Ba đã phải trải qua rất nhiều thời gian trong lao tù vì những hoạt động đấu tranh cho tự do dân chủ của mình.

Vào đúng ngày lễ Giáng sinh năm 2009, vị giáo sư văn học này đã bị chính quyền kết án 11 năm tù về tội "khuynh đảo quyền lực nhà nước". Ông bị buộc tội là đã cùng với khoảng 300 người khác ký tên vào bản Hiến Chương 08, kêu gọi Trung Quốc cải cách dân chủ.

Bản hiến chương 08 được soạn thảo theo mô hình bản Hiến chương 77 ký kết năm 1977 nhằm dân chủ hóa chế độ Cộng sản Tiệp Khắc. Văn kiện này từng được nhiều trí thức tên tuổi vào thời đó tham gia, trong đó có cả ông Vaclav Havel, nguyên là một lãnh tụ ly khai và sau này trở thành tổng thống.

Đối với Ủy ban Nobel Na Uy, giải thưởng dành cho ông Lưu Hiểu Ba là nhằm cổ vũ cho các nỗ lực bền bỉ và bất bạo động của nhà ly khai này cho nhân quyền tại Trung Quốc. Ông Thorbjoern Jagland, chủ tịch Ủy ban Nobel của Na Uy xác định : « Phong trào động viên lực lượng để thực thi các quyền con người ở Trung Quốc cũng được nhiều người Trung Quốc khác, cả ở trong nước lẫn ngoài nước thực hiện ». Tuy nhiên, "Thông qua bản án tù bị chính quyền áp đặt, ông Lưu Hiểu Ba đã trở thành biểu tượng chính cho các nỗ lực phát huy nhân quyền ở Trung Quốc».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.