Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Bắc Kinh vô tình "phong thánh" cho Lưu Hiểu Ba

Ảnh hưởng của việc nhà văn Trung Quốc Lưu Hiểu Ba được trao giải thưởng Nobel Hoà bình tiếp tục là đề tài thu hút báo giới Pháp. Một trong những hệ quả được nhật báo Le Monde nêu bật, là nhà ly khai đã trở thành nhân vật đầu tàu mà giới hoạt động dân chủ tại Trung Quốc đang cần.

Lưu HIểu Ba  khi còn tự do ( ảnh do gia đình nhà ly khai cung cấp không ghi ngày chụp)
Lưu HIểu Ba khi còn tự do ( ảnh do gia đình nhà ly khai cung cấp không ghi ngày chụp) REUTERS/Handout
Quảng cáo

Trước tiên, Le Monde trở lại với phản ứng cố hữu của Trung Quốc trong hàng tựa : "Bắc Kinh che giấu giải Nobel Hoà bình đối với người Trung Quốc". Theo tờ báo, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng bưng bít các thông tin, trong khi mà công an truy bức những nhà dân chủ.

Riêng bà Lưu Hà, tuy được đưa đi thăm chồng vào hôm thứ 7 ở nhà tù Liêu Ninh và thông báo cho ông biết tin ông được trao giải Nobel, hiện giờ thì bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh, không đươc tiếp bất kỳ ai, không được trả lời điện thoại. Giới hoạt động dân chủ, những người bạn của Lưu Hiểu Ba thì bị công an quấy nhiễu, hù doạ, cấm các cuộc tập hợp, gặp gỡ của họ.

Thông tin về việc ông Lưu Hiểu Ba đươc giải Nobel Hoà bình hoàn toàn bị chính quyền bưng bít, báo chí không đề cập đến. Le Monde nhận thấy sự im lặng của họ càng thêm chối tai, vì họ đã nêu dông dài về các giải Nobel khác trước đó. Câu hỏi hiện nay là chính quyền có thể bưng bít thông tin đến bao giờ ?

Le Monde nhận thấy là sự công nhận của quốc tế đối với hoạt động của ông Lưu Hiểu Ba qua giải Nobel Hòa bình, đánh dấu một giai đoạn mới đối với phong trào dân chủ Trung Quốc đang ngày càng bạo dạn hơn.

Le Monde, trích lời sử gia Mỹ, Perry Link, nghiên cứu về sự cố Thiên An Môn, nổi ám ảnh của Bắc Kinh, cho biết là  tại Trung Quốc đang diễn ra một cuộc cách mạng "màu sắc" tựa như các phong trào ở Đông Âu, đã từng làm thay đổi các chế độ tại đây, với những gương mặt tiêu biểu, có sức thuyết phục, lôi cuốn quần chúng.

Le Monde phân tích là ngược lại với một bà Aung San Suu Kyi, hay ông Nelson Mandela, hoặc một Lech Walesa, là những người đều có phiá sau một phong trào tổ chức chặt chẽ, Lưu Hiểu Ba là "một nhà trí thức hoàn toàn độc lập", không có một tổ chức nào ở phiá sau.

Nhưng tác giả bài báo trích dẫn nhận định của ông Perry Link trên tờ Wall Street Journal vừa qua cho là, khi trao giải Nobel cho ông Lưu Hiểu Ba, Ủy ban Nobel và đảng Cộng Sản vô hình chung mang lại điều mà các nhà dân chủ và giới ly khai ở Trung Quốc đang cần nhất : một gương mặt đầu đàn tiêu biểu, một lãnh đạo có tầm cỡ.

Theo Le Monde, Bắc Kinh đã vô hiệu hoá được những nhà đãu tranh dân chủ có uy tín, ví dụ như Ngụy Kinh Sinh. Sau 18 trong tù, nhà ly khai này được trả tự do, để rồi đi sang Hoa Kỳ. Đây là một sự mặc cả giữa Băc Kinh và tổng thống Clinton thời đó. Đối với lãnh đạo ly khai Duy Ngô Nhĩ, bà Rebiya Kadeer, cũng vậy. Bà đươc trả tự do và cho đi sang Mỹ năm 2005, trước chuyến công du Trung Quốc của ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice. 

Tác giả bài báo nhắc lại là khi Đức Đạt Lai Lạt Ma được trao giải Nobel vào năm 1989, nhiều người đã đánh giá là sự kiện này sẽ không làm thay đổi gì tình hình ở Tây Tạng. Tuy nhiên việc Lưu Hiểu Ba được giải thưởng đã đặt Bắc Kinh trước vấn đề hình ảnh của mình : không chỉ tình hình trong nước được soi rọi, mà cả vai trò của Bắc Kinh trên các quyền tự do cơ bản bên ngoài biên giới của mình.

Có lẽ vì thế mà trên vấn đề vi phạm nhân quyền, bên cạnh phản ứng cố hữu "đây là vấn đề nội bộ", giờ đây các nhà ngoại giao Trung Quốc đang có trách nhiệm ngăn chặn ở ngoài những gì có thể làm hoen ố hình ảnh, tránh cho Bắc Kinh bị chỉ trích.

Le Monde nêu ví dụ vào năm ngoái, 2009, lãnh sự quán Trung Quốc đã gây sức ép lên các nhà tổ chức liên hoan phim quốc tế ở Melbourne (Úc), để họ không cho chiếu một cuốn phim tài liệu về lãnh đạo người Duy Ngô Nhĩ, bà Rebiya kadeer. Dĩ nhiên là năm nay, Bắc Kinh đã cử người qua thuyết phục Ủy Ban Nobel Na Uy. 

Bắc Triều Tiên : Triều đại Kim diễn tuồng cha truyền con nối ở Bình Nhưỡng

Nhật báo Pháp Le Monde đã ngạc nhiên là lần đầu tiên trong lịch sử, chế độ Bắc Triều Tiên đã mời các đài truyền hình ngoại quốc đến truyền trực tiếp lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng Lao Động chủ nhật vừa qua. Chế độ Bình Nhưỡng theo nhận định của tờ báo, đã muốn gởi hai thông điệp : đó là việc Kim Jong Un thừa kế cha Kim Jong Il, đã chính thức khởi động, và đất nước Bắc Triều Tiên là một nước đoàn kết và rất tin tưởng vào năng lực của mình. 

Camera truyền hình nước ngoài, theo Le Monde đã đươc đặt đối diện các khán đài và đã tha hồ thu hình Kim Jong Un, người mà cách đây hai tuần thôi, chưa ai biết rõ mặt mũi ra sao.

Bài báo tả lại cảnh diễn binh lớn chưa từng thấy từ trước đến nay ở Bắc Triều Tiên, huy động 20.000 người, hàng chục ngàn người phất cờ và hoa giấy hai bên đường. Dân chúng thủ đô (một triệu rưỡi người) đã được huy động. Rõ ràng là Bình Nhưỡng muốn phản bác giả thuyết cho là chế độ đang trên đà suy sụp.

Tuy nhiên Le Monde nhận thấy là quyết định mời báo giới nước ngoài đã được quyết định vào giờ chót : bằng chứng là các nhà báo được mời chỉ được thông báo vào ngày trước lễ, thứ 7 mùng 9, trước khi họ lên đường từ Bắc Kinh. Việc đón tiếp họ diễn ra khá lộn xộn tại quốc gia khép kín nhất thế giới. 

Nhân viên tập đoàn Foxconn tại Trung Quốc : nô lệ công nghệ high tech 

Trên đây là tựa đề của tờ Libération. Tờ báo dựa trên bản báo cáo các nhà nghiên cứu của 20 đại học nổi tiếng, của Trung Quốc , Đài Loan và Hồng Kông, đã ví các nhà máy của tập đoàn Đài Loan Foxconn hoạt động ở Trung Quốc là "không khác gì những trại tập trung".

Theo họ các nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp sản phẩm cho các chàng khổng lồ như Apple, Dell, Nokia... có những điều kiện làm việc "vô nhân đạo". Toàn bộ bản báo cáo 83 trang, dựa trên cuộc phỏng vấn 1.800 nhân viên tại 12 nhà máy Foxconn ở Trung Quốc, chưa công bố, nhưng được báo chí Hong Kong, Trung Quốc và Đài Loan đăng tải những trích đoạn vào hôm qua, cho thấy là tình hình rất đáng ngại. Điều được nêu bật trước tiên là số người tự tử tại các nhà máy cao hơn những gì công bố trước đây.

Thứ nữa là những lời cam kết tăng lương vào mùa hè vừa qua, chưa đươc thực hiện. Nhiều công nhân chưa thấy đồng lương nhích lên chút nào cả, trong lúc mà nhịp độ làm việc rất kinh khủng. Để tăng lợi nhuận, phát triển mạnh, Foxconn có một chính sách thu nhân công rất lợi hại : họ thu nhận thanh niên làm việc với danh hiệu 'thực tập'. Đồng lương rẻ mạt và những nhân viên 'thực tập' này không được bảo hiểm xã hội. 

Tại một số nhà máy, những người 'thực tập' này chiếm đến một nửa số nhân công. Tại Trùng Khánh chẳng hạn, Foxconn đã có hợp đồng tuyển nhân công với cả trăm trường học. Và nhiều công nhân mới 17 tuổi thôi đã đươc xem là thuộc giới có kinh nghiệm. Trong lúc luật lệ của Trung Quốc chỉ cho làm thêm 36 giờ mỗi tháng, nhân viên Foxconn thường bị buộc làm thêm gần gấp 3 lần, tức từ 80 đến hơn 100 giờ.

Tại sao nhân viên không than phiền về những điều kiện làm việc như thế mà để đi đến mức phải tự tử ? Libération trích lời giải thích của một công nhân : không ai than phiền vì không gặp được ai để than phiền. Công nhân bị cô lập và dần dần bị quẩn trí.

Theo bản báo cáo : công nhân làm việc ở dây chuyền lắp ráp như một nguời máy, lập đi lập lại một động tác, trong thời gian 2 giây. Họ phải tập trung cao độ, không được ngồi, không được nói chuyện, không đươc có những cử chỉ "vô ích". Mỗi người phải tôn trọng một quota sản phẩm lắp ráp : 20 000 sản phẩm trong thời gian làm việc nhất định của họ. Nhiều người thú nhận là họ đã từng bị ngất đi do nhịp độ làm việc.

Các chính quyền điạ phương chạy theo đầu tư đã nhắm mắt làm ngơ trước nhũng vụ vi phạm luật lao động của Trung Quốc, nhưng mặt khác tầm cỡ của Foxconn là một chiếc lá chắn, tránh cho tập đoàn mọi sự kiện cáo, trừng phạt. Hiện nay số lượng nhân công của Foxconn là 920.000 người, từ đây đến năm 2011, tập đoàn có kế hoạch phát triển, thu thêm 600.000 người để đạt số nhân công khổng lồ 1 triệu rưỡi người.

Tập đoàn dự kiến dời phần lớn các nhà máy vùng duyên phiá Đông Trung Quốc vào vùng phiá bên trong, nơi đồng lương nhân công sẽ thấp hơn. Trong một bức thư ngỏ gởi đến chính quyền Trung Quốc và lãnh đạo tập Foxconn, các nhà nghiên cứu tác giả bản báo cáo đã cảnh báo về phương thức sản xuất "vô nhân đạo" mà họ xem như một ''chế độ nô lệ thời hiện đại'', và e rằng tình trạng này còn sẽ lan rộng với đà phát triển của tập đoàn này. 

Pháp : dư luận e ngại phong trào chống cải cách hưu bổng triệt để hoá 

Tờ L'Humanité đăng bức ảnh chụp một phụ nữ biểu tình giơ cao nắm tay, hô khẩu hiệu kiên quyết phản đối, và nhấn mạnh trong hàng tít : tính chính đáng là ở trên đường phố.

L'Humanité dự đoán biểu tình sẽ rầm rộ, vì có đến 260 cuộc được dự kiến có nghiã là nhiều hơn ngày mùng 2 vừa qua đến 30 cuộc. Tờ báo cộng sản còn cho biết 71% người Pháp ủng hộ phong trào, 61% tán thành cho cuộc đình công kéo dài. 

Libération nêu câu hỏi ngay trang nhất : Và nếu cuộc đình công kéo dài thì sao ? Và nêu bên dưới tình hình : đình công ngày này qua ngày nọ, giới trẻ tham gia, khả năng phong trào đấu tranh đi vào con được triệt để hoá, viễn ảnh này đang làm chính phủ Pháp lo ngại. 

Tờ Les Echos nhìn thấy là việc cải tổ hưu bổng đang đến khúc quanh quyết định. Tờ báo nhắc lại hôm nay là ngày hành động lớn thứ 4 trong vòng một tháng, và cũng nhắc lại dự đoán giới công đoàn là sẽ có nhiều người hưỏng ứng. Chinh quyền thì cũng ước tính tình hình theo chiều hướng đó.

Câu hỏi theo Les Echos là nó có dẫn đến các cuộc đình công kéo dài hay không. Để biết được điều này phải chờ cuộc họp các công đoàn tối nay và ngày mai mới biết được. Nhưng theo tờ báo, chính phủ sẽ không nhượng bộ trên những nét chính. Tổng thống Pháp không thể làm khác hơn. Thượng viện Pháp sẽ ráo riết xem xét và thông qua văn kiện

Tờ La Croix thì vẫn phản đối tình trạng đối đầu, và giải thích tại sao nước Pháp lâm vào thế bế tắc hiện nay. Theo tờ báo, căng thẳng dai dẵng chung quanh hồ sơ hưu bổng minh hoạ cho nỗi khó khăn của nước Pháp trong việc thực hiện cải tổ qua con đường đối thoại.

Trong bài xã luận La Croix, tương tự như đồng nghiệp Les Echos, cho là với cuộc huy động lực lượng mới bắt đầu hôm nay, có lẽ là đã đến giai đoạn quyết định trong cuộc thảo luận về cải tổ hưu bổng.

Nhưng tờ báo lấy làm tiếc là khó thể nói đến thảo luận, vì giữa chính phủ và các công đoàn cũng ở Quốc Hội thì người có cảm giác đứng trước cuộc đối thoại của những kẻ điếc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.