Vào nội dung chính
QUAN HỆ TRUNG-NHẬT

Đối đầu Trung-Nhật tác hại đến kinh tế Đông Nam Á

''Đã đến lúc Trung Quốc và Nhật Bản xây dựng lại các cầu đã gẫy '', qua tựa đề hình tượng trên, tờ báo Thái Lan The Nation, thúc giục hai quốc gia đàn anh Châu Á gấp rút cải thiện quan hệ để không ảnh hưởng đến kinh tế khu vực. Bão tố trong quan hệ ngoại giao gần đây, theo tờ báo, không tốt đối với cả hai quốc gia, và còn tác hại đến kinh tế Đông Nam Á.

Đảo Senkaku theo người Nhật, Điếu Ngư theo người Trung Quốc là là điểm nóng trong quan hệ Trung Nhật (Trong ảnh một tàu tuần dương Nhật tuần tra gần khu vực hòn đảo đang có tranh chấp).
Đảo Senkaku theo người Nhật, Điếu Ngư theo người Trung Quốc là là điểm nóng trong quan hệ Trung Nhật (Trong ảnh một tàu tuần dương Nhật tuần tra gần khu vực hòn đảo đang có tranh chấp). REUTERS/Kyodo
Quảng cáo

The Nation cũng ghi nhận là cả Nhật Bản lẫn Trung Quốc đều thấy là càng kéo dài thời gian căng thẳng thì thiệt hại trong hợp tác kinh tế hai bên càng lớn. Do đó mà họ đã cố gặp nhau sau buổi ăn tối, bên lề hội nghị ASEM lần thứ 8 ở Bruxelles tuần qua. The Nation hoan nghênh hành động này, xem đó là một động tác ngoại giao khéo léo, theo phương cách Á Đông.

The Nation nhìn thấy cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đã mang lại một số kết quả. Ít ra là hai bên cam kết sẽ không chạm trán với nhau nữa. Đây là một tiến bộ lớn so với các sự cố trước đó như việc Nhật chặn tàu ngư chính Trung Quốc .v..v... Tuy nhiên The Nation cũng thận trọng cảnh báo là sẽ mất nhiều thời gian để hai bên ngồi lại với nhau để tìm giải pháp trên các vấn đề tranh chấp, cho dù rằng qua các phát biểu chính thức sau cuộc gặp gỡ nói trên, hai bên đều muốn giải quyết càng nhanh càng tốt tranh chấp giữa hai nước, ít ra là ở bề mặt.

Tờ báo Thái Lan phân tích, mọi dấu hiệu thù nghịch giữa Tokyo và Bắc Kinh trên sân khấu thế giới là điều không tốt lành vì cả hai đều là những trụ cột chính cho sự trù phú và ổn định ở Đông Á. Hợp tác kinh tế giữa họ bị gián đoạn sẽ tác hại lớn trên toàn vùng. Vào thời điểm khủng hoảng hiện nay, thì thế giới sẽ không chiụ nổi tác động của sự gián đoạn này.

The Nation đi đến kết luận : "Vì lợi ích của cả hai quốc gia, và của toàn vùng, Nhật Bản và Trung Quốc phải nhanh chóng bình thường hoá quan hệ". 

Do đâu mà hai bên đi đến đối đầu  ?

Báo The Nation cho là điều thực sự đáng chú ý hiện nay là suy nghĩ của lãnh đạo hai nước.

Trước hết là Nhật Bản. Chính phủ của ông Naoto Kan, khá mới mẻ về ngoại giao, nhất là khi phải tiếp cận, đối phó với Trung Quốc. Khác với đảng Tự Do Dân Chủ (PLD), cầm quyền từ nửa thế kỷ trước đây, Đảng Dân Chủ Nhật Bản không có kinh nghiệm để hiểu những dấu hiệu bất bình đến từ Trung Quốc.

Theo The Nation, trong quá khứ , thì những sự kiện như vừa qua sẽ không diễn ra, hai bên sẽ tránh lên gân lên cốt với nhau như vừa rồi. Và đó cũng là nhờ giới kinh doanh và viên chức trong guồng máy chính quyền, hậu thuẫn cho một quan hệ tốt với Bắc Kinh.

Đối với Trung Quốc, thì sự cố gây căng thẳng với Nhật Bản đến không đúng lúc chút nào, vì nó có ảnh hưởng tiêu cực đối với hình ảnh của Bắc Kinh đang có chỗ đứng ngày càng lớn trên sân khấu thế giới.

The Nation nhắc lại hành động quyết đoán của Bắc Kinh về Biển Đông thời gian qua đã làm ASEAN, rất quan ngại. Lãnh đạo Trung Quốc, dân sự cũng như quân sự lại không thể tỏ ra mềm yếu trước các vấn đề tranh chấp lãnh thổ gây ra khủng hoảng trong quan hệ các bên. 

The Nation nhận thấy là Nhật - Trung sẽ có cơ hội gặp nhau ở Hà Nội vào cuối tháng này tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, và sau đó là Hội nghị APEC tại Yokohama vào cuối tháng 11, cho nên việc khôi phục lại sự tin tưởng giữa hai người khổng lồ Đông Á rất quan trọng.

The Nation cho là nơi hẹn của Nhật Bản và Trung Quốc là hội nghị ASEAN, sẽ là một thách thức lớn đối vói Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. Vì nếu hai nước không giải hoà, không xây dựng được trở lại cầu bị gẫy, thì nó sẽ làm giảm giá trị vai trò của ASEAN, được xem là cầu nối để các cường quốc tăng cường quan hệ với nhau, một vai trò mà ASEAN đã hoàn thành trong hàng thập niên qua.

Đình công phản đối cải cách hưu bổng chiếm trang nhất báo Pháp

Do cuộc đình công hôm qua, báo giấy ngày 13/10/ này đã không đến tay bạn đọc, nhưng có thể tham khảo trên mạng. Dĩ nhiên chủ đề quan trọng hàng đầu là cuộc đình công, biểu tình chống việc nâng cao tuổi hưu, huy động đến 3 triệu rưỡi người khắp nước Pháp, theo số liệu các công đoàn. Các báo hầu như chạy cùng một tựa trước số người tham gia đông đảo hơn lần trước.

"Sự huy động lực lượng tăng thêm một bậc", tựa của La Croix bên trên bức ảnh chụp đoàn biểu tình ở Paris, trong lúc Libération nói đến sự "biểu dương lực lượng". L'Humanité cho đây là "sức mạnh để chiến thắng". Tờ Les Echos nhận thấy phong trào phản đối đã đạt kỷ lục và nói đến "sự huy động ngoạn mục".

Les Echos còn đăng bản đồ cho thấy lượng người xuống đường ở các thành phố lớn, đăng cả số liệu của công đoàn và của cảnh sát, thường ít hơn của công đoàn. Dẫn đầu dĩ nhiên là Paris, với số hơn 330.000 người tham gia, kế đến là Marseille, 230.000, sau là Toulouse và Bordeaux với hơn 130.000 người.

Riêng tờ Le Figaro dành tựa và ảnh lớn trang đầu cho các thợ mỏ Chilê vừa được đưa lên mặt đất, nhưng bên cạnh thì cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt xăng dầu ở Pháp do cuộc đình công ở các nhà máy lọc dầu. Một đặc điểm trong cuộc xuống đường hôm qua đươc các báo nêu bật là sự hiện diện đông đảo của lớp thanh niên, học sinh. Đăng bức ảnh học sinh mang biểu ngữ trong một đoàn biểu tình, Le Figaro trích lời một chuyên gia, giải thích là sự hiện diện của học sinh minh hoạ trước tiên cho nỗi lo ngại của các em trước tương lai.

Tờ La Croix trích dẫn lời một sinh viên trường luật 23 tuổi giải thích anh và các bạn quan tâm đến vấn đề hưu bổng cũng vì là quyền lợi của mình, vì nếu đợi đến 45 hay 50 tuổi mới lên tiếng thì quá trễ rồi. Nguời đáng tuổi về hưu phải làm việc thêm hai năm nữa có nghiã là bớt đi như thế một triệu việc làm cho những người bước ra thị trường lao động. Một học sinh 17 tuổi, cho là bây giờ phải làm việc đến 67 tuổi mới được nghỉ, nếu không phản đối, đến lượt cô thì có khi cô sẽ phải làm việc đến 70 tuổi. Điều này không thể chấp nhận được.

Tờ Les Echos ghi nhận sự tham gia đông đảo của giới trẻ là điểm gây lo ngại cho chính phủ Pháp. Bằng chứng là ông Raymond Soubie, cố vấn tổng thống Sarkozy trên các vấn đề xã hội, đã nhanh chóng lên tiếng hôm qua, nhắn nhũ là "học sinh phải hiểu việc cải tổ hưu bổng này đươc thực hiện là vì các em đấy". 

Biểu tình rầm rộ, các thế hệ đều tham gia. Nhưng chính phủ sẽ có nhượng bộ hay không ? Nhận định chung, như Les Echos và Libération nêu bật là tổng thống Pháp không lay chuyển. Les Echos còn nhắc lại câu trả lời của thủ tướng Pháp trước quốc hội hôm qua là ''sẽ thực hiện đến nơi đến chốn cuộc cải tổ''.

Trong bài xã luận, tờ les Echos phân tích là dư luận hiện nay đều thấy là cải tổ chế độ hưu bổng hiền hành là một điều cần thiết. Cho nên theo tờ báo phong trào phản đối không phải chỉ đơn thuần chống lại cải tổ mà thực ra họ chống đối ông Sazkozy. Nếu như thế, tờ Les Echos đưa ra câu hỏi là có nên chăng đợi đến 2012, và lên tiếng nhân cuộc bầu lại tổng thống Pháp ? Đối với Les Echos thời gian không phải quá lâu, vì chỉ còn 18 tháng nữa thôi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.