Vào nội dung chính
NHẬT - TRUNG

Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba

Ngày 14/10/2010, thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, trả lời một câu hỏi của phe đối lập tại Quốc hội, đã yêu cầu trả tự do cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba. người vừa được tặng thưởng giải Nobel Hòa bình. Thủ tướng Nhật cũng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền.

Thủ tướng Nhật bản Naoto Kan.
Thủ tướng Nhật bản Naoto Kan. Reuters
Quảng cáo

Từ Tokyo, thông tín viên RFI Frédéric Charles tường trình :

« Ông Naoto Kan nay nhớ lại rằng trước đây ông từng là một nhà đấu tranh cho nhân quyền. Ông cũng bị buộc phải lên tiếng sau năm ngày im lặng để xoa dịu công luận Nhật, vốn không chịu nổi những sự nhân nhượng liên tục trước Trung Quốc.

Lần đầu tiên trước Quốc hội, thủ tướng Nhật đề cập đến việc trao giải Nobel Hoà bình đầu tiên cho Trung Quốc và một cách chiếu lệ, ông yêu cầu trả tự do cho nhà ly khai Lưu Hiểu Ba. Ông Naoto Kan tỏ ý mong muốn giải Nobel Hòa bình được thả ra « nhân danh các quyền tự do căn bản cũng cần được bảo đảm ở Trung Quốc ».

Thủ tướng Nhật từng bị chỉ trích là đầu hàng trước Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền một nhóm đảo mà hai nước đang tranh chấp. 

Tỉnh trưởng vùng Tokyo, Shintaro Ishihara nói rằng : « Một nước nhỏ như Na Uy lại can đảm hơn là Nhật Bản. Chính là nhờ Na Uy và việc trao giải Nobel Hòa bình cho nhà ly khai Trung Quốc, mà chúng ta đã đòi được tự do cho một nhà doanh nghiệp Nhật bị bắt ở Trung Quốc ».

Lãnh đạo vùng Tokyo nói thêm : « Chính phủ cánh trung tả của Naoto Kan không có được sự dũng cảm của Na Uy. Các phương tiện truyền thông Nhật Bản cũng thế. Họ không dám chỉ trích Trung Quốc do quá khứ, do lịch sử vẫn còn chia rẽ hai nước chúng ta ».  

Về phần Trung Quốc, Bắc Kinh hôm nay vẫn giữ nguyên lập trường, tuyên bố rằng trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba chẳng khác gì « khuyến khích tội ác ». 

Báo chí chính thức của Trung Quốc hôm nay cũng lên án điều mà họ gọi là « những cuộc chiến tranh ý thức hệ vô tận chống Trung Quốc ». 

Hôm nay, bà Lưu Hà, vợ của ông Lưu Hiểu Ba, vẫn bị quản thúc tại gia, bị cắt điện thoại, nhưng đã liên lạc được với bên ngoài qua mạng Internet. Nhiều nhà đấu tranh nhân quyền cũng bị canh gác chặt chẽ hơn kể khi giải Nobel Hòa bình được loan báo. Bà Đinh Tử Lâm, gương mặt hàng đầu trong nhóm « Những bà mẹ Thiên An Môn » cũng bị cắt điện thoại và đường truyền Internet.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.