Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - HOA KỲ - TIỀN TỆ

Bộ trưởng Tài chính Mỹ thăm Trung Quốc để bàn vấn đề tiền tệ

Theo AFP, ông Timothy Geithner, bộ trưởng Tài chính Mỹ, hôm nay 24/10 đến Bắc Kinh để thảo luận về các vấn đề kinh tế với phó thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn. Cuộc hội đàm diễn ra tại Thanh Đảo.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tại Hội nghị G20 ở Gyeongju, Hàn Quốc, ngày 23/10/2010
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tại Hội nghị G20 ở Gyeongju, Hàn Quốc, ngày 23/10/2010 Ảnh: Reuters
Quảng cáo

Ông Geithner vừa tham dự Hội nghị bộ trưởng Tài chính các nước G20 tại Hàn Quốc trong hai ngày thứ sáu và thứ bảy vừa qua. Trong hội nghị này, các nước giàu và các nền kinh tế mới trỗi dậy đã thống nhất là sẽ giới hạn tình trạng mất cân bằng ngân sách, và không can thiệp để giảm giá đồng tiền quốc gia.

Vấn đề đồng nhân dân tệ đang ở mức thấp vẫn là chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất, cho dù bản thông báo kết thúc hội nghị không nêu đích danh Trung Quốc. Trong lúc Washington lên án Bắc Kinh duy trì đồng nhân dân tệ ở mức thấp một cách giả tạo, thì sự can thiệp của nhiều ngân hàng trung ương mới đây nhằm ngăn cản đồng tiền nước mình tăng giá so với đồng đô la, đã khiến người ta lo ngại tình trạng cạnh tranh giảm giá đồng tiền, và xu hướng quay lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã bảo đảm ủng hộ một « đồng đô la mạnh », và đòi hỏi các nước có thặng dư thương mại cao nên điều chỉnh dần hối suất.

Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Joris Zilberman nhận định về chuyến đi của ông Geithner như sau:

« Cho dù có nói thông thạo tiếng Trung Quốc, ông Timothy Geithner vẫn không thể cảm thấy thoải mái ở Bắc Kinh. Phải nói rằng bộ trưởng Tài chính Mỹ đến Trung Quốc không với thế thượng phong. Ông vừa dự xong Hội nghị bộ trưởng Tài chính các nước G20 tại Hàn Quốc, và trong hội nghị này, Hoa Kỳ đã không thành công trong việc áp đặt quan điểm của mình.

Mỹ muốn yêu cần các nước có thặng dư thương mại cao để cho đồng tiền của mình tăng giá, ngõ hầu mức thặng dư này không vượt quá 4% tổng sản phẩm nội địa. Yêu cầu này chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, nhưng lại gây bất bình cho hai nước cũng có thặng dư mậu dịch cao là Nhật Bản và Đức. Các nước này sợ rằng nền kinh tế của mình sẽ bị yếu đi, trong khi đồng tiền quốc gia không bị nhà nước kiểm soát như ở Trung Quốc.

Và như vậy Bắc Kinh có thể hưởng lợi, khi sự ủng hộ của phương Tây đối với Mỹ trên hồ sơ đồng nhân dân tệ bị rạn nứt. Điều đó đặt ông Timothy Geithner vào thế bất lợi đối với Trung Quốc. Ông bị bất lợi hơn cả hồi tháng 9, lúc đó Washington đã đe dọa Bắc Kinh là sẽ dùng đến thuế hải quan nhằm trả đũa việc đồng nhân dân tệ ở mức dưới giá trị thật, và để cho đồng đô la giảm giá để khuyến khích tiêu thụ hàng Mỹ. Giọng điệu này làm cho người Trung Quốc tức giận. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.