Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC - CHÂU ÂU

Đất hiếm : châu Âu cũng lo ngại

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã chơi một trò chơi ác hiểm. Suốt một thời gian dài, đất hiếm từ Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới với giá rất rẻ, bóp chết ngành khai thác đất hiếm của các nước khác. Nhưng đến năm 2008 thì Bắc Kinh khóa chặt van.

Một mỏ đất hiếm ở vùng Giang Tây Trung Quốc (DR)
Một mỏ đất hiếm ở vùng Giang Tây Trung Quốc (DR)
Quảng cáo

Bài viết của hai nhà tư vấn Pháp, Matthieu Courtecuisse và Quentin Derumaux trên nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay đã bày tỏ sự lo lắng cho các ngành công nghiệp mũi nhọn của châu Âu, khi Trung Quốc đang làm mưa làm gió với nguồn nguyên liệu đất hiếm thiết yếu cho sản xuất. 

Bài báo mở đầu với câu hỏi, đâu là điểm chung của các ngành công nghiệp như sản xuất hệ thống phát điện bằng sức gió, bình điện xe hơi, dụng cụ xét nghiệm y tế qua hình ảnh, điện thoại thông minh cho đến ngành hàng không dân dụng, quốc phòng và kỹ nghệ nguyên tử ? Đương nhiên đó là kỹ thuật cao. Nhưng còn một điểm chung khác, đó là các ngành công nghiệp mũi nhọn tiêu thụ nhiều loại đất hiếm, có giá trị chiến lược. 

Đất hiếm hiện diện trên trái đất với số lượng ít ỏi, và cũng được tiêu thụ với số lượng ít trong kỹ nghệ, nhưng không thể thay thế được. Và cũng chỉ có một số rất ít quốc gia sản xuất ra đất hiếm. 

Đó là lý do khiến Liên hiệp châu Âu hồi tháng 6 năm nay đã lập ra danh sách các loại đất hiếm đang bị khan hiếm trầm trọng, hết sức thiết yếu đối với công nghiệp châu Âu và không hề hiện diện tại châu lục này. Có thể kể : antimoine, cobalt, gallium, germaniem, magnésium, tungstène, các kim loại thuộc nhóm bạch kim… 

Nhưng theo các tác giả bài báo, Bruxelles đã sực tỉnh quá trễ tràng, trên vấn đề sống còn này. Sự hục hặc mới đây giữa Nhật Bản và Trung Quốc càng làm sáng tỏ thêm tình hình, và có thể nói một cách không cường điệu chút nào, là các ngành công nghiệp mũi nhọn châu Âu đang nguy ngập. 

Trung Quốc đang nắm đến 95% nguồn đất hiếm cung cấp cho cả thế giới. Chính quyền Mỹ đang lo âu theo dõi trữ lượng đất hiếm chiến lược mà Lầu Năm Góc quản lý, và đang tìm cách xoay sở. Nhưng Trung Quốc rất ý thức về tầm quan trọng của đất hiếm, và theo các tác giả, thì trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã chơi một trò chơi ác hiểm. Suốt một thời gian dài, đất hiếm từ Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới với giá rất rẻ, bóp chết ngành khai thác đất hiếm của các nước khác. Nhưng đến năm 2008 thì Bắc Kinh khóa chặt van. Nếu năm 2004, lượng đất hiếm xuất khẩu từ Trung Quốc là 60 ngàn tấn, thì đến năm 2010 chỉ còn có 30 ngàn tấn. 

Sau vụ tàu cá Trung Quốc bị Nhật Bản bắt giữ ở biển Đông Hải, bóng ma đe dọa của nguy cơ Bắc Kinh cấm vận xuất khẩu đất hiếm đã làm cho nhiều thủ đô trên thế giới phải run sợ. Đó là vì, từ quyết định khai thác một mỏ đất hiếm cho đến khi trích xuất được sản phẩm, phải mất một thập kỷ. 

Trường hợp của hai loại đất hiếm niobium và tantale minh họa rất rõ tình hình hiện nay. Hai loại này được sử dụng trong kỹ nghệ thép, vì chỉ cần thêm một lượng rất nhỏ vào hợp kim là có thể tăng sức bền chịu nhiệt lên rất cao. Như vậy đây là các loại đất hiếm có ý nghĩa chiến lược trong công nghiệp hàng không, nhất là quốc phòng. Thế mà trong những tháng gần đây, lượng tantale khai thác chỉ có 45%, trữ lượng thế giới giảm xuống và có nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng. Việc sản xuẩt hai loại đất hiếm trên đây đang tập trung vào một số ít công ty, hầu hết mang tính gia đình. Còn đối với Trung Quốc, sản xuất thép đang tăng rất nhanh, nên Bắc Kinh dùng tất cả mọi biện pháp có thể để duy trì nguồn cung này, và như vậy đe dọa sự sống còn của công nghiệp châu Âu. 

Các tác giả bài báo nhận định, việc đảm bảo duy trì các công nghiệp mũi nhọn vừa mang tính quyết định đối với nền kinh tế, vừa trên lãnh vực an ninh. Với cách nhìn này, thì các biện pháp đề ra trong báo cáo của Liên hiệp châu Âu tỏ ra không tương xứng. Đó là, cần xúc tiến việc khai thác, công tác nghiên cứu về trích xuất đất hiếm, khai thác một cách bền vững và minh bạch tại các nước đang phát triển. Không có lấy một từ báo động về một sự đe dọa mang tính chiến lược ! 

Bài báo kết luận : châu Âu cần có ngay những hành động mạnh mẽ đối với vấn đề trên. Các tác giả cũng gợi ý về việc hợp tác với các quốc gia chiến lược, như tập đoàn hóa chất Pháp Rhodia mới đây đã đưa một người quốc tịch Trung Quốc lên làm giám đốc bộ phận đất hiếm của hãng này. 

Nga đang hướng về phía châu Âu 

Trên lãnh vực chính trị, cũng liên quan đến châu Âu và Trung Quốc, bài viết của chuyên gia Dominique Moïsi trên nhật báo kinh tế Les Echos đã nhận định, để lấy lại thế cân bằng với một Trung Quốc đang ở thế thượng phong, nước Nga đang bước một bước về phía châu Âu. 

Theo tác giả, hồi đầu thập niên 90 sau khi Liên Xô sụp đổ, các nhà lãnh đạo Nga đã làm « săng-ta » với phương Tây theo kiểu « Chúng tôi có thể chọn lựa giữa hai mô hình phát triển, nếu các ông cứ gây áp lực về dân chủ thì chúng tôi sẽ chọn « làn gió phương Đông » kiểu Trung Quốc đấy ! ». Nhưng ngày nay thì ngược lại, Nga đang hướng về châu Âu vì không còn có sự chọn lựa nào khác. 

Bài báo cho rằng, sở dĩ Nga tiến gần với châu Âu, vừa do Matxcơva đã cảm thấy mạnh mẽ hơn trước Washington, Paris, Berlin, nhưng vừa vì cảm thấy đã bị Bắc Kinh qua mặt một cách khó cứu vãn nổi. Chỉ riêng về mặt dân số, hiện nay số tử hàng năm tại Nga luôn vượt quá số sinh trên nửa triệu người. Tuổi thọ trung bình của người Nga luôn dưới 60, gần với các nước châu Phi hơn là phương Tây ; trong khi con số này ở người Trung Quốc năm 1960 là 38 tuổi, nay đã tăng lên 73 tuổi ! 

Tác giả nhận định, việc xích lại gần với châu Âu qua trung gian của Pháp và Đức như trong hội nghị thượng đỉnh ba nước tại Deauville tuần qua, đã mở ra cánh cửa cho nước Nga bước vào một thế giới mới. Đó là một châu Âu đa cực hơn, các nước trong châu lục này không còn chịu ảnh hưởng nặng nề của NATO và Liên hiệp châu Âu cũng như của Mỹ, và nhờ đó Nga có thể sử dụng nhiều nước bài hơn. 

Nạn trộm cắp nguồn gien sinh học và bí quyết gia truyền 

Nhìn sang châu Á trên lãnh vực sinh học, nhật báo cánh tả Libération chú ý đến Hội nghị về đa dạng sinh học đang diễn ra tại Nagoya, Nhật Bản ; trong đó nạn trộm cắp nguồn gien sinh học và các phương thức gia truyền đang là chủ đề tranh cãi gay gắt của 193 quốc gia tham dự. 

Đặc phái viên của Libération tại đây, trích phát biểu của nhà sáng lập Trung tâm Rujak về phát triển bền vững đặt tại Jakarta, cho biết : « Tại Indonesia, các loại thảo mộc, dược thảo của các dân tộc thiểu số đều bị các tập đoàn dược phẩm nước ngoài « chôm chỉa », mà không hề trả cho họ đồng nào ». Ông Bruce Dunn, chuyên gia về môi trường của Ngân hàng Phát triển châu Á kể lại việc làm thế nào những doanh nhân phương Tây tiếp cận những người có trách nhiệm của một Vườn quốc gia tại Việt Nam. Ông cho biết : « Họ tươi cười, bảo rằng họ rất quan tâm đến hệ động vật và thực vật của Vườn quốc gia. Mãi sau mới biết được rằng họ lấy số liệu nghiên cứu cho một tập đoàn dược phẩm ». Còn một tổ chức phi chính phủ Nhật cho biết, giá một lá gan gấu có thể lên đến 8 800 euro, một thợ săn Nhật có thể bán thận gấu sang Trung Quốc với giá rất đắt. 

Theo các chuyên gia, tệ nạn các công ty tư nhân lấy cắp các bí quyết gia truyền của các dân tộc thiểu số, vì mục đích thương mại, là một nguy cơ thường trực và khó thể ngăn chận được ; cần có những quy định thật chặt chẽ ở tầm thế giới về vấn đề này. 

Hàn Quốc trục xuất người lao động bất hợp pháp trước G20 

Cũng tại châu Á, nhật báo công giáo La Croix đề cập đến việc chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh trục xuất những người lao động bất hợp pháp, chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G20 vào ngày 11 và 12/11 sắp tới. Các nhà hoạt động nhân quyền và nghiệp đoàn cho rằng, số 170 ngàn lao động không giấy tờ tại đây đóng một vai trò tích cực trong nền kinh tế Hàn Quốc. 

Thông tín viên của La Croix tại Séoul nhận định, Hàn Quốc rất hãnh diện được là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh này, đánh dấu việc đặt chân vào câu lạc bộ các quốc gia phát triển nhất của hành tinh. Và để bảo đảm thành công, Séoul không tiếc công sức, đặc biệt là trong lãnh vực an ninh. 

Tổ chức Amnesty International cũng như nhiều nghiệp đoàn, tổ chức phi chính phủ tại Hàn Quốc đã lên tiếng tố cáo chính quyền nhập nhằng giữa vấn đề an ninh cho hội nghị và sự hiện diện của những người lao động không giấy tờ. Từ tháng giêng cho đến tháng 8, số người lao động bất hợp pháp bị bắt đã tăng gấp đôi ; và từ tháng 5, Bộ Tư pháp đã đề ra chương trình tự nguyện hồi hương. Các nhà hoạt động nhân quyền lên án Séoul xem những người này như tội phạm, mượn cớ hội nghị G20 để đạt chỉ tiêu trục xuất là 15 ngàn người mỗi năm. 

Hàn Quốc với dân số 50 triệu người, hiện có 1,2 triệu người nước ngoài chủ yếu đến từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á ; trong đó có 170 ngàn người không giấy tờ. Trong trường hợp tranh chấp với chủ, họ hoàn toàn bị thiệt thòi, và vì vậy nhiều chủ nhân đã quỵt lương, buộc phải làm thêm giờ, trong các điều kiện lao động nguy hiểm. Những công nhân trong tình trạng bất hợp pháp không được chăm sóc y tế, không dám cho con cái đi học vì sợ bị phát hiện. Một giáo sĩ từng nhiều năm hỗ trợ người lao động Nam Mỹ tại đây nhận xét, chính phủ Hàn Quốc không muốn lao động nhập cư ở lại lâu dài, chủ yếu là do trong trường hợp thống nhất với Bắc Triều Tiên, thì sẽ có thêm rất nhiều lao động giá rẻ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.