Vào nội dung chính
NHẬT - NGA

Quan hệ Nhật - Nga căng thẳng thêm

Khủng hoảng giữa Nhật và Nga sau vụ tổng thống Dmitri Medvedev đến quần đảo Kuril đã tăng thêm một nấc. Hôm nay, 02/11/2010, Tokyo thông báo triệu hồi đại sứ ở Matxcơva về nước. Báo chí Nhật chỉ trích chính phủ yếu kém và lên án chính quyền Nga lợi dụng tình trạng rối rắm của ngành ngoại giao Nhật trong hồ sơ tranh chấp biển đảo với Trung Quốc để lấn áp Nhật Bản.

Reuters
Quảng cáo

Trong cuộc họp báo hôm nay, Ngoại trưởng Nhật Seiji Maehara thông báo đã « quyết định triệu hồi đại sứ tại Nga Masaharu Kono về nước ». Ngoại trưởng Nhật cho biết ông muốn tham khảo ý kiến của đại sứ tại Matxcơva về chuyến viếng thăm 4 tiếng đồng hồ của tổng thống Nga vào ngày hôm qua tại đảo Kunashiri ( Nga gọi là Kunashir), một trong 4 đảo của quần đảo Kuril, còn được gọi là Lãnh thổ phía Bắc của Nhật, bị Nga chiếm từ Thế chiến thứ hai.

Quyết định triệu hồi đại sứ là bước tiếp nối sau những lời phát biểu gay gắt giữa đôi bên trong ngày hôm qua. Thủ tướng Naoto Kan gọi cuộc thăm viếng của tổng thống Nga tại Kuril là một hành động « rất đáng tiếc ». Ngoại trưởng Nhật triệu đại sứ Nga lên Bộ Ngoại giao để trách cứ « động thái làm tổn thương tình tự dân tộc của người dân Nhật ».

Phản ứng của Nga cũng không kém gay gắt : Ngoại trưởng Nga tuyên bố rằng « Tổng thống Nga có quyền thăm viếng bất cứ nơi nào thuộc lãnh thổ Nga » và phản ứng của Nhật là « không thể chấp nhận được ».

Theo AFP, mặc dù tình hình căng thẳng, nhưng theo tuyên bố của phát ngôn viên chính phủ thì chính phủ Nhật dường như vẫn hy vọng sẽ có một cuộc gặp giữa Naoto Kan và Dmitri Medvedev vào trung tuần tháng 11 này tại Yokohama, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC.

Phần lớn báo chí tại Tokyo hôm nay chỉ trích chính phủ của thủ tướng Naoto Kan tỏ ra nhu nhược trước áp lực của Bắc Kinh, thả thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc trong vụ va chạm tại Sankaku/Điếu Ngư. Báo Yomiuri Shimbum bình luận là « Nga đã lợi dụng tình trạng bối rối của ngoại giao Nhật để củng cố lợi thế trong việc tranh giành biển đảo ». Nhật báo Nikkei Shimbum cũng có cùng nhận định : Rõ ràng là Nga khai thác nhược điểm của ngành ngoại giao Nhật và cung cách yếu kém trong việc giải quyết hồ sơ tàu cá Trung Quốc ».

Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles phân tích ý đồ của Nga :

 « Qua chuyến đi thăm Kuril đầu tiên của một lãnh đạo Nga từ năm 1945, chính quyền Nga khai thác một sơ hở của ngành ngoại giao Nhật. Giới ngoại giao Nhật đã chứng tỏ thiếu tài năng trong một vụ khủng hoảng về Senkaku/ Điếu Ngư ở phía cực nam Okinawa, nơi Trung Quốc tranh giành chủ quyền.

Nhật bắt giữ nhưng lại trả tự do sớm cho viên thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc vào lúc Bắc Kinh sử dụng vũ khí kinh tế, ngưng xuất khẩu đất hiếm, nguyên liệu tối cần cho ngành kỹ nghệ cao cấp Nhật Bản.

Tại Trung Quốc, trong chuyến công du gần đây, tổng thống Nga bày tỏ thái độ ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo với Tokyo. Giờ đây, đến lượt chính Tổng thống Medvedev đồng mưu với Trung Quốc gây căng thẳng với Nhật Bản.

Phải chăng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên ? Căng thẳng về biển đảo giữa Nhật và Nga xảy ra vào lúc tổng thống Mỹ Barack Obama sắp lên đường công du một vòng châu Á. Mục tiêu của chuyến đi này là nhằm trấn an các nước đồng minh trong khu vực như Philippines và Việt Nam. Các quốc gia này đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc và không che dấu mối lo ngại khi thấy Tokyo đầu hàng trước hành động bắt chẹt kinh tế của Bắc Kinh.

Trung Quốc đang tìm cách khẳng định vị thế cường quốc hải quân trong khu vực và làm giảm uy lực của Hạm đội 7 Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Trong bối cảnh này, nước Nga, trước đây có tranh chấp biên giới với Trung Quốc, nay đứng cùng phe với Bắc Kinh để giành lại ảnh hưởng bị mất trong vùng châu Á ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.