Vào nội dung chính
HOA KỲ - CHÂU Á

Obama công du Châu Á để củng cố vai trò trọng tâm của Mỹ

Hôm nay, Tổng thống Obama chính thức bắt đầu vòng công du Châu Á thứ hai của ông. Trong 10 ngày, ông sẽ đi Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Nhật Bản, ngoại trừ Trung Quốc. Theo giới phân tích, qua chuyến Á du này, Hoa Kỳ nỗ lực khôi phục vai trò số một trong khu vực được đánh giá là thiết yếu cho sự an nguy của Mỹ nhưng đang bị Trung Quốc cạnh tranh dữ dội.

Lễ tiếp đón tổng thống Obama tại phi trường Bombay (© Reuters)
Lễ tiếp đón tổng thống Obama tại phi trường Bombay (© Reuters)
Quảng cáo

Ngay từ cuối năm 2009, nhân vòng công du đầu tiên của mình, ông Obama đã xác định trong một bài diễn văn tại Tokyo rằng Châu Á có vai trò thiết yếu đối với Hoa Kỳ. Vào tuần trước, ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ cũng không nói gì khác hơn khi cho rằng : « Nếu nhìn vào các xu hướng chính trong thế kỷ XXI, thì sự phát triển của châu Á là một trong những đường nét chủ đạo… Nó là nền tảng cho sự thịnh vượng của từng người Mỹ, … là nền tảng cho an ninh của nước Mỹ ». 

Chuyến công du khởi sự vào hôm nay của Tổng thống Obama nối tiếp theo một loạt các chuyến viếng thăm khu vực của những nhân vật nặng ký trong chính phủ Mỹ, từ ngoại trưởng Hillary Clinton cho đến bộ trưởng quốc phòng Robert Gates. Mục tiêu là nhằm củng cố các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và khu vực mà giới cố vấn về chính sách cho rằng đã bị người tiền nhiệm của ông Obama lơ là, để yên cho Trung Quốc mặc tình thao túng. 

Theo một số bình luận gia, thái độ dấn thân trở lại của Hoa Kỳ vào khu vực châu Á là phản ứng của Mỹ trước những mối quan ngại càng lúc càng nhiều tại vùng Đông Á và Đông Nam Á về sự vươn lên của Trung Quốc. Nỗi lo ngại đã bùng lên mạnh mẽ trước các hành động quyết đoán trong thời gian gần đây của Trung Quốc để áp đặt chủ quyền mà họ đòi hỏi tại các vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông. 

Hoa Kỳ đẩy mạnh chiến lược chinh phục châu Á 

Tuy nhiên, theo hãng AFP, nhiều quan chức chính quyền và chuyên gia phân tích đã cho rằng mối quan tâm của Tổng thống Obama và Hoa Kỳ đối với Châu Á không đơn thuần là một phản ứng nhất thời. Ông Jeff Bader, công sự viên hàng đầu về châu Á của ông Obama khẩng định : « Đó là một loại chủ trương mang tính chất chiến lược, chứ không phải là phản ứng trước các sự kiện ».

 Cho dù vậy, Hoa Kỳ cũng sẽ tiếp tục khai thác các hành động thái quá của Trung Quốc đối với các nước lang giềng nhỏ bé hơn, để đẩy mạnh chiến lược chinh phục Châu Á của mình. 

Theo ông Michael Green, nguyên chuyên gia châu Á hàng đầu của chính quyền Bush, thì các hành vi lấn lướt của Trung Quốc gần đây, chẳng hạn như gây căng thẳng với với Nhật Bản trong thời gian qua, đã gây lo ngại nơi các nước khác trong khu vực, cho đến gần đây vẫn coi Bắc Kinh là một siêu cường hiền hòa. Theo chuyên gia này « Chính quyền Mỹ sẽ tranh thủ điều đó » nhưng « trong chừng mực cần thiết » mà thôi, vì Washington sẽ không muốn thúc ép Bắc Kinh quá mức. 

Phải nói là từ đầu năm đến giờ, chính quyền Mỹ đã tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc trên nhiều bình diện, từ hồ sơ tỷ giá đồng nhân dân tệ và thâm thủng mậu dịch Hoa Kỳ, vấn đề biện pháp chống biến đổi khí hậu, cho đến các đòi hỏi lãnh hải bị coi là quá đáng. Tổng thống Obama cũng đã triệu tập hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần thứ hai tại New York vào tháng 9/2010, gián tiếp can dự vào cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các láng giềng Đông Nam Á.

Thái độ của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ lãnh hải với các lân bang chắc chắn sẽ được nêu lên trong các cuộc hội đàm giũa Tổng thống Mỹ và các nước chủ nhà trong vòng công du này, vì từ Ấn Độ, Indonesia, cho dến Nhật Bản, tất cả các quốc gia này đều có tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh. 

Tuy nhiên, ông Obama cũng sẽ gặp đồng nhiệm Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Seoul, bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 và hai bên sẽ tìm cách xoa dịu các bất đồng, sao cho chuyến công du Hoa Kỳ vào đầu năm tới của Chủ tịch Trung Quốc diễn ra suôn sẻ. 

Lý do cũng dễ hiểu. Washington không thể coi nhẹ vai trò của Bắc Kinh trong việc giúp giải quyết nhiều hồ sơ quốc tế quan trọng mà nổi bật nhất là hiểm họa hạt nhân Bắc Triều Tiên hay Iran.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.