Vào nội dung chính
CHÂU Á

Miến Điện: xung đột giữa quân đội với sắc tộc Karen

Mười ngàn người vượt biên sang Thái Lan lánh nạn do xung đột đẫm máu giữa quân đội Miến Điện với lực lượng nổi dậy thuộc sắc tộc thiểu số Karen mang tên là Quân Đội Phật Giáo Dân Chủ Karen (DKBA).Xung đột bắt đầu từ chiều hôm qua 07/11/2010 tại thành phố nhỏ Myawaddy sát với biên giới Thái Lan và đã gia tăng cường độ vào hôm nay.

Reuters
Quảng cáo

Hôm nay, tỉnh trưởng tỉnh Tak của Thái Lan, một vùng sát biên giới Miến Điện, cho biết hiện đã có khoảng 10 ngàn người dân Miến Điện vượt sông Moei, sang Thái Lan tỵ nạn. Đa số là phụ nữ và trẻ em. Từ thủ đô Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus giải thích về lý do dẫn tới cuộc xung đột nói trên :

« Chiều ngày chủ nhật (7/11), một số các thành phần nổi dậy thuộc sắc tộc thiểu số Karen đã chiếm đóng bưu điện và một trụ sở cảnh sát tại thành phố Myawaddy, sát biên giới Miến Điện và Thái Lan.

Thành phần nói trên thuộc lực lượng vũ trang mang tên Quân Đội Phật Giáo Dân Chủ Karen (DKBA). Từ trước đến nay, nhóm này vốn ủng hộ chính quyền quân sự Miến Điện. Nhưng gần đây, hàng trăm lính trong hàng ngũ DKBA phản đối kế hoạch của chính quyền muốn kiểm soát hoạt động của các nhóm võ trang tham gia hiệp định ngưng bắn với nhà nước Miến Điện.

Đây là lý do khiến hàng trăm người đã chiếm đóng một phần thành phố Myawaddy từ chiều hôm qua. Đồng thời cũng là để bày tỏ bất đồng với cuộc tuyển cử ngày 7/11 vừa qua. Sáng nay (8/11) nhiều cuộc xung đột đã nổ ra giữa các thành phần nổi dậy với quân đội Miến Điện. Nhiều người ở phía bên này biên giới Thái Lan bị trúng đạn lạc.

Chính quyền Miến Điện đã ra lệnh cho dân cư tại Myawaddy rời khỏi thành phố. Hàng trăm thường dân vượt sông Moei, con sông ngăn chia hai nước, để sang Thái Lan. Quân đội Thái đang hết sức đề cao cảnh giác, và cho biết sẵn sàng trả đũa trong trường hợp xung đột tại Miến Điện lan sang đến lãnh thổ Thái Lan ».

AFP cho biết giới chuyên gia lo ngại phong trào phản kháng của một số thành phần thuộc sắc tộc thiểu số Karen lan rộng. Tuần trước, đài phát thanh Tiếng nói Dân chủ Miến Điện cho biết 6 lực lượng nổi dậy đã liên kết với nhau, trong số này có tổ chức DKBA. Trong trường hợp các lực lượng nổi dậy đồng ý hỗ trợ lẫn nhau về mặt quân sự, Miến Điện có nguy cơ lâm vào nội chiến.

Phát biểu sáng nay, thủ tướng Thái Lan lo ngại xung đột ở khu vực sát biên giới Miến Điện –Thái Lan có thể kéo dài nhiều tháng. Cho dù Bangkok không can dự vào công việc nội bộ của Miến Điện, nhưng thủ tướng Abhisit cho biết, về phương diện nhân đạo, Bangkok sẵn sàng hỗ trợ người tỵ nạn Miến Điện vượt biên sang Thái Lan lánh nạn.

Trở lại với cuộc tuyển cử hôm qua, nhật báo New Light of Myanmar của chính quyền quân sự Miến Điện hôm nay công bố kết quả bầu cử tại 57 đơn vị bầu cử. Tại 55 nơi, chỉ có một ứng cử viên duy nhất và hầu hết các ứng cử viên đại diện cho đảng Đoàn Kết và Phát triển, thân chính quyền. Đài truyền hình Nhà nước Miến Điện hôm qua loan tin là cử tri đã « tự do và hân hoan đi bầu ». Trong khi đó theo lời các nhân chứng tại chỗ được AFP và Reuters trích dẫn, tỷ lệ cử tri vắng mặt hôm qua rất cao.

Nhiều nước phương Tây tố cáo chính quyền quân sự Miến Điện gian lận bầu cử và đánh giá cuộc tuyển cử hôm qua là một trò hề dân chủ nhằm củng cố quyền lực của giới tướng lãnh đang cầm quyền. Riêng Trung Quốc, đồng mình lâu đời của Miến Điện, coi cuộc bầu cử ngày hôm qua là một bước tiến của Miến Điện trên con đường dân chủ.

Cuối cùng, Hiệp hội ASEAN không có thái độ đồng nhất về bầu cử Miến Điện. Philippines và Indonesia lấy làm tiếc là phe đối lập đã gặp nhiều trở ngại và nhấn mạnh là tỷ lệ cử tri tham gia vòng phiếu ngày hôm qua đã quá thấp. Về phần mình, cả Thái Lan lẫn ASEAN đều chưa lên tiếng. Theo một nhà quan sát tại Bangkok, ASEAN không có giải pháp nào khác là phải tán đồng kết quả cuộc tuyển cử hôm qua của Miến Điện. Nhưng dù sao ASEAN cũng rất khó xử trên hồ sơ này.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.