Vào nội dung chính
CAM BỐT

Giới bảo vệ nhân quyền tố cáo việc tra tấn tù nhân rất phổ biến tại Cam Bốt

Vào thời điểm Liên Hiệp Quốc xem xét lại các tiến bộ có thể đạt được của Cam Bốt trong việc hạn chế hành động tra tấn ở các trại tạm giam thì nhiều tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước cho rằng tệ trạng tra tấn vẫn còn tiếp diễn rộng khắp tại các nhà tù và trạm cảnh sát. 

Giới bảo vệ nhân quyền tố cáo các hành động tra tấn (AFP)
Giới bảo vệ nhân quyền tố cáo các hành động tra tấn (AFP)
Quảng cáo

07:11

Thông tín viên Phạm Phan, Phnom Penh

Tình hình tổng quát

 Vào thời điểm LHQ xem xét lại các tiến bộ có thể đạt được của Cam Bốt trong việc hạn chế hành động tra tấn ở các trại tạm giam thì nhiều tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước cho rằng tệ trạng tra tấn vẫn còn tiếp diễn rộng khắp tại các nhà tù và trạm cảnh sát. Một báo cáo chung của 16 tổ chức phi chính phủ nói rằng xiềng xích, hăm dọa, đánh đập và dùng gậy điện chích người bị tạm giam là biện pháp thông thường nhất hiện nay trong khi tra khảo. Và hầu hết sự lạm dụng này xảy ra tại các đồn cảnh sát với mục đích buộc người tạm giam phải tự thú.

Theo ghi nhận của các nhóm nhân quyền ADHOC, Licadho và Ủy Ban Hành Động Nhân Quyền Cam Bốt thì các đồn cảnh sát tại địa phương được mô tả như một môi trường dung chứa hành động tra khảo và nhiều hình thức đối xử kém lành mạnh. Sự tra khảo cũng thường xuyên được sử dụng để trừng phạt tù nhân vi phạm qui định nhà tù, trong điều kiện đất nước còn thiếu phương tiện giam giữ thích hợp. Báo cáo của 16 tổ chức phi chính phủ cũng nói chính quyền không cho phép người bị tạm giam kiếm luật sư bào chữa trong thời gian 24 tiếng đồng hồ khi họ bị đưa vào khu tạm giữ.

Được biết Ủy Ban Chống Tra Tấn của LHQ dự trù tổ chức cuộc duyệt xét lần thứ 2 về tệ trạng tra tấn trong nhà tù Cam Bốt vào lúc quốc gia này đánh dấu 18 năm đặt bút ký vào Công Ước Chống Tra Tấn của LHQ.

Trường hợp cụ thể

Theo phúc trình của Ủy Ban Nhân Quyền Châu Á đưa ra công luận ngày 26/11/2008 đã tường thuật một sự vụ cụ thể như sau: vào ngày 26/9/2008, Heng Touch, 24 tuổi sống tại làng Roluos, xã Cheung Ek, quận Dangkor - Phnom Penh bị bắt với tội danh cướp của, sau đó anh bị đưa vào tạm giam trong nhà tù Prey Sar ở ngoại ô Phnom Penh.

Ngày 3/11, má anh là bà Ang Bak Kea được cho phép vào nhà tù thăm anh, lúc đó tình trạng sức khỏe của anh Heng Touch bình thường không thấy có dấu hiệu gì đặc biệt trên thân thể.

Tuy nhiên, vào ngày 13/11, khi được tin báo Heng Touch bị bịnh, bà Ang Bak Kea và người anh cả của Touch tên Veng Sreang lật đật đi thăm anh. Trong tù, các nhân viên canh gác có nói với bà Ang đưa cho họ 200 Mỹ Kim để họ cho phép chuyển anh Touch qua phòng giam ít người hơn, sau đó nhân viên gác trại giam lại hạ mức tiền xuống còn 100 Mỹ Kim, nhưng bà Ang chỉ đồng ý đưa họ 50 Mỹ Kim, sau cùng gác tù không đồng ý.

Đến ngày 15/11, bà Ang nghe tin con bị bịnh nặng thêm nên lại vội vã vào nhà tù xin được gặp mặt con trai. Lần này bà Ang thấy con mình khác trước nhiều, cái đầu bị sưng lên, gương mặt bị bầm tím và lưỡi của anh Touch bị cắt. Touch yếu hẳn ra và không còn tỉnh táo. Bà Ang phải đưa số tiền tương đương với 30 Mỹ Kim cho gác tù để được phép đưa anh đến bịnh viện Monivong tại Phnom Penh, nơi mà hầu hết tù nhân bị bịnh nghiêm trọng được chữa trị.

Trong nhà thương, Heng Touch tỉnh lại và kể cho bà mẹ nghe rằng anh bị 5 người xúm lại đánh đập, sau đó anh lại rơi vào trạng thái hôn mê. Ngày hôm sau, anh bị ói mửa và tình trạng sức khỏe sa sút đáng lo ngại. Gia đình nạn nhân tìm cách chuyển Heng Touch đến nhà thương Calmette ở trung tâm thủ đô, tại đây bác sĩ dùng phương tiện y khoa rọi chiếu mới biết rằng Heng Touch bị bể xương sọ và phổi bị tổn thương. Heng Touch chết ngày 21/11/2008.

Theo Ủy Ban Nhân Quyền Châu Á, các nhân chứng độc lập kể lại cho biết đầu của Heng Touch bị rỉ máu, sưng bầm; tay chân và thân hình anh cũng bị bầm; và lưỡi bị cắt.

Tất cả vết thương này khiến cho các nhân chứng và bà Ang kết luận Heng Touch bị tra tấn trong tù. Một thân nhân của Heng Touch nói nhân viên gác tù khởi sự đánh đập Touch sau khi anh không chịu thuyết phục gia đình đưa cho họ 200 Mỹ Kim khi đến thăm anh ngày 13/11.

Thế nhưng theo ông Mong Kim Heng, giám đốc nhà tù Prey Sar lại nói rằng không có bất cứ hành động ta tấn nào, ông cho biết Heng Touch cố tình tự tử bằng cách cắn lưỡi và đập đầu vô tường.

Tình hình không có gì lạc quan

Tổ chức nhân quyền Licadho ghi nhận trong 10 tháng đầu năm nay đã có 101 trường hợp tra tấn tại đồn cảnh sát và trong các nhà giam. Vào năm ngoái có tất cả 108 vụ tra tấn, đa số xảy ra tại đồn cảnh sát. Cũng trong năm 2009, tổ chức nhân quyền ADHOC nói có 9 người bị chết trong khu tạm giam của cảnh sát và có thể đó là hậu quả của những màn đánh đập tra tấn.

Báo cáo của các nhóm nhân quyền than phiền trong thời gian 5 năm qua sự lạm dụng quyền hành trên thân xác tù nhân đã không bị chính quyền hay cơ quan luật pháp trừng phạt. Các tổ chức nhân quyền cũng yêu cầu luật pháp định nghĩa rõ ý nghĩa tra tấn và thành lập cơ quan độc lập điều tra các tố cáo cảnh sát đã thực hiện hành động tra tấn người bị giam.

Hai tuần trước đây, khi ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon viếng thăm, Thủ Tướng Hun Sen trong cuộc tiếp xúc với ông đã đưa ra lời đe dọa đóng cửa văn phòng nhân quyền LHQ, nếu không thay thế người đứng đầu văn phòng. Lý do được ông Hun Sen nêu ra là văn phòng này đã làm công việc như đại diện cho phe đối lập chứ không giúp đỡ vấn đề nhân quyền tại Cam Bốt.

Chiếu theo Điều 12 và 13, Công Ước Chống Tra Tấn kêu gọi phải mở cuộc điều tra bất cứ lúc nào một cách nhanh chóng và vô tư khi có chứng cớ là đã xảy ra hành động tra tấn; và phải khảo sát nhanh chóng công bằng khi có đơn thưa kiện hung thủ thực hiện hành động tra tấn.

Bà mẹ của anh Heng Touch đã làm hồ sơ kiện cảnh sát đánh chết con bà nhưng chưa biết kết quả ra sao.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.