Vào nội dung chính
CHÂU Á

Phát minh khoa học: Trung Quốc lấn sân các nước giàu

Nhìn vào số lượng bằng sáng chế, bộ ba Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản hiện vẫn thống lĩnh thế giới về mặt khoa học. Tuy nhiên, thế thống trị này đang trên đà tuột giảm dần trong khi các nước Châu Á đang trên đà vươn lên. Trên đây là đánh giá của một báo cáo mà Liên Hiệp Quốc vừa công bố, và được tờ Libération trích dẫn qua tựa đề : ''Khoa học, Trung Quốc đang làm lay chuyển thế giới''.

Công nghệ cao ứng dụng vào hệ thống xe điện ngầm Thượng Hải (AFP)
Công nghệ cao ứng dụng vào hệ thống xe điện ngầm Thượng Hải (AFP)
Quảng cáo

Mở đầu bài báo, Libération trích một câu trong báo cáo về khoa học của UNESCO công bố ngày hôm nay, ghi nhận là : “Thời gian 5 năm vừa qua đã thực sự bắt đầu làm lung lay thế thống trị truyền thống của Hoa Kỳ”. Tờ báo cho đây là một câu rất có trọng lượng, vì nó thông báo một sự đảo lộn về địa lý chiến lược, cắt đứt với tình hình 60 năm qua. 

Libération tìm hiểu cơ sở kết luận của báo cáo, giải thích là những dấu hiệu đầu tiên về chuyển biển nói trên là trên hoạt động các viện nghiên cứu. Từ năm 2008, định chế khoa học đứng đầu thế giới về số lượng báo cáo được công bố là Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc. 

Bảng xếp hạng các nước càng cho thấy sự chuyển đối trong làng khoa học thế giới. Nếu Trung Quốc kể như là “vô hình” vào thập niên 1980, thì trong giai đoạn 1996-2008, Trung Quốc xuất hiện ở hàng thứ 4, sau Nhật Bản, Anh Quốc và Hoa Kỳ, nhưng trước Đức và Pháp. Từ năm 2008 thì Trung Quốc đã đứng vào vị trí thứ 2. Theo Libération, báo cáo của Unesco còn tiên đoán là trong vài năm nữa, sẽ có nhiều nhà nghiên cứu ở các viện Trung Quốc hơn là ở Mỹ. 

Theo hãng tin Thompson Reuters, năm 2008, trên thế giới có 986.099 báo cáo khoa học được công bố. Trong số này 37% là của Liên Hiệp Châu Âu, 28% đến từ Mỹ, và 10% từ Trung Quốc. 

Thay đổi này không chỉ nhìn thấy riêng trong các viện nghiên cứu. Theo Libération, đào tạo ở đại học đã phát triển theo cấp số nhân tại những quốc gia đang vươn lên, đại học Iran đã cấp bằng cho 81.000 sinh viên vào năm ngoái, trong khi vào năm 2000 chỉ có khoảng 10.000 người lãnh bằng tốt nghiệp. 

Ấn Độ sẽ thành lập thêm 30 đại học mới, nâng số sinh viên lên 21 triệu vào năm 2012, trong lúc vào năm 2007, số sinh viên ở Ấn là 15 triệu. Phần đông sinh viên tốt nghiệp sắp tới đây là những kỹ sư, nhà vật lý, hoá học và sinh vật học. 

Nêu lên những thành tựu trong đời sống hàng ngày ở các quốc đang vươn lên, Libération còn nhắc lại là nếu Trung Quốc, công xưởng của thế giới, vẫn tiếp tục sản xuất đồ chơi, giày vớ, thì bên cạnh đó, họ cũng phóng hoả tiễn, xây dựng trung tâm điện hạt nhân, xe lửa cao tốc v.v. 

Một nước như Bangladesh, thường bị xem là một quốc gia nghèo, cũng sản xuất đến 97% thuốc men họ sử dụng và còn xuất khẩu qua tận Châu Âu. Riêng Ấn Độ hiện là quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu dịch vụ tin học. 

Điều lý thú là sự biến đổi này, theo đánh giá các chuyên gia Liên Hiệp Quốc, là một sự đoạn tuyệt với những mô hình truyền thống về mối liên hệ giữa khoa học, công nghệ và công nghiệp. Bây giờ không thể dựa trên khái niệm “chậm trễ về công nghệ” nữa. 

Libération giải thích : trên phương diện các bằng sáng chế, như nói trên, bộ ba Hoa Kỳ Châu Âu và Nhật Bản vẫn ngự trị thế giới khoa học, công nghệ... Song thế thống trị này còn giá trị gì nữa khi mà các hợp đồng lớn thường đính kèm các khoản chuyển giao công nghệ học, hoặc khi các nước đang phát triển mua lại những tập đoàn sản xuất ở các quốc gia phát triển, và ngày một ngày hai, họ nắm trong tay hiểu biết khoa học cũng như công nghệ học của những quốc gia tiên tiến. Cho nên những nước bị ''chậm trễ'' có thể tiến nhanh hơn những đàn anh đứng nhất lớp trước đây về công nghệ học. 

Trong phần kết luận, Libération nhìn thấy là nếu Liên Hiệp Châu Âu còn có sức bật tạo dựng lại khả năng khoa học của mình, thì Hoa Kỳ, như bản báo cáo đánh giá, “sẽ phải trông cậy vào việc thu hút giới nghiên cứu nước ngoài, những người có trình độ cao để kéo kinh tế Mỹ đi lên”. 

Thượng đỉnh Seoul trắc nghiệm uy tín của G20 

Trên bình diện kinh tế, sự kiện thu hút báo giới Pháp hôm nay, là cuộc họp thượng đình nhóm G20, bắt đầu ngày mai tại Seoul. Le Figaro nhận thấy đây là cuộc họp có tính chất trắc nghiệm đối với uy tín của G20, tít bài báo trên trang kinh tế. 

Và theo tờ báo, đây cũng là một cuộc họp tế nhị cho uy tín của Hàn Quốc, đưong kim chủ tịch luân phiên G20. Tế nhị là do cuộc chiến tranh tiền tệ. Theo Le Figaro trong một năm giữa chiếc ghế chủ tịch luân phiên G20, Hàn Quốc đã gặt hái được một số thành công, trên việc cải tổ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI, hay điều hòa hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, cuối cùng, uy tín của Hàn Quốc sẽ được đánh giá trên khả năng giải quyết cuộc chiến tranh tiền tệ hiện nay. 

Le Figaro nhìn thấy là công việc càng tế nhị đối với Hàn Quốc khi mà Đức là nước chỉ trích Hoa Kỳ mạnh bạo nhất, tố cáo Wasghinton rải tiền mặt khắp thế giới, giữ một đồng đô la thấp để hỡ trợ ngành xuất khẩu của mình mà không quan tâm đến thiệt hại cho các đối tác khác. 

Theo tờ báo cuộc tấn công của Đức cũng rất đau đớn đối với nhóm G20 vì nó nêu bật sự thiếu hợp tác trên vấn đề hối đoái và chính sách tiền tệ nói chung. Đây là một vần đề cơ bản theo Le Figaro, nhưng đến nay, nhóm G20 đã tránh né, không đặt lên bàn thảo luận vì không muốn làm mích lòng Trung Quốc. Bây giờ thì G20 phải giải quyết, không thể thoái thác nữa để chứng tỏ mình vẫn là một định chế đáng tin cậy. 

Nhìn về cuộc họp G20, tờ Le Monde nêu câu hỏi : Ai là thủ phạm gây ra rối loạn kinh tế thế giới ? Và các nước G20 có thể đi đến thoản thuận với nhau hay không ? Đối với câu hỏi cuối này thì Le Monde cho là để tự các quốc gia ý thức là không phải chỉ có mình mình trên thế giới, và nghĩ đến tác động đối với người khác thì hơi khó. Còn ai là kẻ chịu trách nhiệm về sự xáo trộn hiện nay : thì quả là các con mắt đều nhìn về cặp Mỹ - Trung. 

Riêng đối với Trung Quốc, Le Monde nêu lên thế khó xử của Bắc Kinh : Thay đổi mô hình kinh tế hay không ? Bắc Kinh đang đứng trước hai sức ép : giới chuyên gia cũng như lãnh đạo trong đảng Cộng sản Trung Quốc đều đánh giá là mô hình áp dụng đến nay không hữu hiệu nữa và phải cân bằng lại nền kinh tế thứ nhì thế giới. Biện pháp là hướng về tiêu thụ nội điạ, tăng giá đồng yuan và tăng lương. 

Nhưng việc thay đổi mô hình áp dụng từ 30 năm qua, từng giúp Trung Quốc đi lên, cũng gây lo ngại, nhất là giới xuất khẩu cũng như các doanh nghiệp nhà nước sẽ kịch liệt chống đối. Vả lại nếu chính quyền thấy là cần phải thay đổi, thì họ cũng công nhận là không muốn đi quá nhanh. 

Cho nên đó là những lý do khiến lãnh đạo Trung Quốc muốn duy trì tình trạng như hiện nay và tiếp tục tấn công đối thủ ở ngoài. Hơn nữa cuộc chiến tranh tiền tệ hiện cũng thuận lợi cho Bắc Kinh, vì khi mọi người chỉ trích nhau thì Bắc Kinh cảm thấy mình nằm trong trường hợp chung. 

Obama nâng uy tín của Indonesia và Ấn Độ trên chính trường quốc tế 

Sự kiện ngoại giao được chú ý nhất hôm nay là chuyến công du Châu Á của ông Obama, hôm nay đến Indonesia. Le Figaro đưa tin qua hàng tựa : Barack Obam chìa tay cho hồi giáo ôn hoà ở Indonesia. 

Ở trang quốc tế, bên dưới bức ảnh chụp Michelle và Barack Obama tươi cười bên cạnh tổng thống Yudhoyono và phu nhân, Le Figaro chạy tít lớn : Obama vui mừng trở lại Indonesia, và nhắc lại tổng thống Mỹ lúc bé đã ở Indonesia đến 4 năm.

Đối với những nguời ở khu vực Menteng, và biết gia đình cậu bé 'Barry', cư ngụ ở đây cuối thập niên 1960, như ông Coenraad Satjakoesoemad, thì Barack Obama vẫn mang trong trái tim ông một phần của Indonesia và những giá trị : cởi mở, bao dung mà ông đã học tại đây khi còn chậy chơi với những người láng giềng hồi giáo. 

Theo tác giả bài báo khi gia đình Obama đến Indonesia vào năm 1967, nước này bị khủng hoảng kinh tế, khu vực Menteng, của giới trung lưu ngày nay, vẫn còn là một nơi mà điện lúc có lúc không, và nhiều ngôi nhà vẫn còn làm bằng tre. 

Theo bài báo, tất nhiên là bên cạnh khiá cạnh tình cảm, Indonesia hy vọng chuyến viếng thăm của ông Obama sẽ nâng cao hình ảnh và vai trò của Indonesia trên chính trường quốc tế, một vai trò xứng đáng hơn với tầm vóc, kích thước và dân số của họ. 

Le Monde hôm nay thì nhìn lại chuyến đi Ấn Độ, nơi Tổng thống Obama đã biết làm hài lòng chủ nhà nhưng cũng không quên nhắc nhở trách nhiệm của Ấn Độ trên chính trường quốc tế, từ vấn đề quan hệ với Pakistan cho đến các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Iran, hay Miến Điện. 

Le Monde khen tài ngoại giao của tổng thống Mỹ đã đạt đuợc kết quả mà ông mong muốn sau 3 ngày viếng thăm Ấn Độ. Ông đã chinh phục được chủ nhà, khi hậu thuẫn cho vai trò lớn hơn của Ấn Độ trên chính trường quốc tế, có nghiã là hậu thuẫn Ấn Độ trong việc giành một chiếc ghế thường trực Hội đồng Bảo An. Đây là một món quà quý báu, tương đương với món quà của Bush trước đây trên hồ sơ hạt nhân dân sự. 

Le monde nhìn thấy tổng thống Mỹ đã trổ tài ngoại giao để chiêu dụ Ấn Độ, một đối tác tốt, trong lúc mà Hoa Kỳ đánh giá là không còn sức để thúc đẩy tăng trưởng và duy trì trật tự trên hành tinh nữa, mà phải tìm kiếm đối tác trợ lực. Khéo léo nữa là ông Obama đã thực hiện mục tiêu như nói trên mà không làm mất mặt đối thủ truyền thống của Ấn Độ là Pakistan, một đồng minh của Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.