Vào nội dung chính
HOA KỲ - INDONESIA

Tổng thống Mỹ ngợi ca mô hình Indonesia

Hôm qua, tổng thống Mỹ Barack Obama và phu nhân đã tới Jakarta, thực hiện chuyến công du Indonesia, mà trước đây, ông đã phải hoãn lại hai lần. Trong thời ấu thơ, ông Obama đã từng sống bốn năm tại nước này. Tổng thống Mỹ ca ngợi Indonesia như một mô hình đối với Hồi giáo và phương Tây.

Tổng thống tại trường đại học quốc gia "Universitas Indonesia" (REUTERS)
Tổng thống tại trường đại học quốc gia "Universitas Indonesia" (REUTERS)
Quảng cáo

Trước một cử toạ gồm các sinh viên trường đại học quốc gia tại thủ đô Jakarta, tổng thống Mỹ Barack Obama đã đọc một bài diễn văn ca ngợi tiến trình dân chủ hóa và mô hình cùng chung sống hòa bình giữa các tôn giáo, sắc tộc trên đất nước Indonesia. Từ Jakarta, thông tín viên RFI Solenn Honorine gửi về bài tường trình.

“Mặc dù là thành viên G20 nhưng Indonesia vẫn rất kín tiếng trên chính trường quốc tế. Do vậy, khi mà nhân vật có thế lực nhất hành tinh, tổng thống Mỹ phác họa ra hình ảnh đẹp đẽ của Indonesia thì điều này chỉ có thể làm tăng thêm tinh thần dân tộc chủ nghĩa của nước chủ nhà.

Ông Obama ca ngợi Indonesia, không phải vì đây là nước đông dân Hồi giáo nhất thế giới mà vì sự thống nhất trong đa dạng của quốc gia này, hay nói một cách khác là làm thế nào để các dân tộc và tôn giáo khác nhau cùng chung sống hòa bình. Việc ông Obama tới thăm đền thờ Hồi giáo Istaqlal, có nghĩa là “độc lập”, được xây dựng bởi một kiến trúc sư Cơ đốc giáo, mang tính biểu tượng cao.

Hình ảnh vị tổng thống đi bít tất vào một khu đền Hồi giáo và phu nhân của ông, mang khăn che mặt, đi bên cạnh, được coi là khúc dạo đầu cho một bài diễn văn nhằm chìa tay ra với thế Hồi giáo, giống như bài diễn văn mà ông đã đọc tại Cairo hồi tháng sáu năm ngoái.

Bài diễn văn ngày hôm qua của tổng thống Obama vẫn theo mạch của bài phát biểu tại Cairo : Nhắc lại rằng Hoa Kỳ không bao giờ và sẽ không bao giờ tiến hành chiến tranh chống đạo Hồi, kêu gọi đối thoại, đấu tranh chống al –Qaida. Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận là còn phải nỗ lực nhiều hơn để có được những tiến bộ, đặc biệt là tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Ông Obama đã lấy Indonesia làm ví dụ để chứng minh rằng có thể tiến hành đối thoại trong một đất nước mà đa số người dân theo đạo Hồi.

Đối với người dân Indonesia, chuyến công du này mang tính biểu tượng cao. Ông đã tôn vinh hình ảnh đất nước Indonesia. Trong diễn văn của mình, tổng thống Mỹ đã nói đến một quốc gia được xây dựng trên những giá trị nền tảng giống như Hoa Kỳ, đó là cởi mở, khoan dung, đa dạng tôn giáo và dân tộc. Ông cũng nhấn mạnh những tiến bộ mà Indonesia đã đạt được, nhất là trong 10 năm qua, và việc xây dựng nền dân chủ. Ông cho rằng Indonesia là một đồng minh tự nhiên của Mỹ với tư cách là một nền dân chủ.

Đối với Indonesia, vốn vẫn bị coi là “chú lùn về chính trị” khi so sánh với mức độ rộng lớn của quốc gia này, thì bài diễn văn của tổng thống Mỹ giống như một lời kêu gọi Indonesia hãy tỏ rõ vai trò, trách nhiệm của mình trên chính trường quốc tế, ví dụ như tại Hội nghị thượng đỉnh G20, sẽ được khai mạc vào ngày mai, hay trong hồ sơ Miến Điện. Ông Obama lên án kết quả cuộc bầu cử vừa qua tại Miến Điện, đây cũng là một cách nhắc nhở rằng Indonesia là nước lớn nhất trong Hiệp hội Đông Nam Á và đây là diễn đàn quốc tế phù hợp nhất để Indonesia can thiệp vào hồ sơ Miến Điện.”

Hôm nay, ông Obama đã rời Indonesia để sang Hàn Quốc, tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ khai mạc vào ngày mai, 11/11.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.