Vào nội dung chính
NHẬT - TRUNG - NGA

Nhật Bản đang ở thế kẹt trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Nga

Thật hiếm khi một nước chủ nhà lại ở vào một tình thế lúng túng như Nhật Bản, khi đón tiếp các thành viên của Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ngày 13 và 14/11 tại Yokohama. Thường thì quốc gia chủ nhà của một hội nghị quốc tế vẫn đóng vai trò nhà hòa giải, nhưng chính phủ Naoto Kan thì đang bị sa lầy trong các vụ tranh chấp lãnh thổ với hai nước láng giềng lớn là Trung Quốc và Nga.

Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào được Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và phu nhân chào đón khi đến tham dự một sự kiện văn hóa nhân hội nghị thượng đỉnh APEC tại Yokohama, ngày 13/11/2010.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào được Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và phu nhân chào đón khi đến tham dự một sự kiện văn hóa nhân hội nghị thượng đỉnh APEC tại Yokohama, ngày 13/11/2010. Reuters
Quảng cáo

Thông tín viên nhật báo Le Monde tại Tokyo trong bài phân tích hôm nay đã nhắc lại, từ hai tháng qua, Tokyo và Bắc Kinh rất căng thẳng sau vụ chiếc tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Còn với Matxcơva cũng không khá gì hơn, sau khi Tổng thống Nga Medvedev đi thăm quần đảo Kouriles, mà Nhật vẫn xem là thuộc chủ quyền của mình.

Theo nhận định của Le Monde, thì có nhiều nhân tố ảnh hưởng, mà một số mang tính chất trạng huống, như sự thiếu kinh nghiệm đối ngoại của chính phủ Naoto Kan. Những nguyên nhân căn cơ khác là : tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, ý đồ của Nga muốn hiện diện tại Thái Bình Dương qua việc tái khẳng định chủ quyền tại Kouriles, và việc Nhật không muốn công nhận có sự tranh chấp lãnh thổ với các nước này.

Tờ báo phân tích thêm về những điểm khác biệt. Nếu tranh chấp với Nga là ở một địa điểm cụ thể, thì việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền ở Senkaku/Điếu Ngư nằm trong một chiến lược rộng hơn nhiều. Đó là việc chiếm thế thượng phong tại Biển Đông, được Bắc Kinh xem là « vùng lợi ích cốt lõi ». Điểm khác biệt thứ hai là, vấn đề quần đảo Kouriles vẫn tồn tại từ giữa thập niên 50 đến nay, cản trở việc ký hiệp ước hòa bình giữa hai nước Nga – Nhật. Ngược lại, vấn đề Senkaku cho đến nay vẫn treo lơ lửng, cần được giải quyết mà không làm ảnh hưởng đến quan hệ chính trị và kinh tế Nhật – Trung. Nhưng bây giờ, theo Le Monde, thì tình hình không còn êm đẹp như thế nữa rồi.

Le Monde trích nhận định của tờ báo Asahi, cho rằng, nhân tố đầu tiên gây căng thẳng, là do chính quyền ông Kan đã lao vào một cuộc khủng hoảng mà lẽ ra đã có thể giải quyết bằng con đường ngoại giao. Sai lầm của phe Dân Chủ là đã chọn lựa đối đầu mà không có phương tiện để đấu tranh đến cùng, và việc lùi bước trước đối phương – trả tự do vô điều kiện cho thuyền trưởng chiếc tàu cá - đã làm tỉ lệ được lòng dân của Thủ tướng Nhật sụt xuống chỉ còn 32%.

Không chỉ có sự vụng về của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Seiji Maehara vốn chủ trương cứng rắn mà không có mục tiêu lâu dài, thất bại ngoại giao của Nhật còn do thiếu vắng các kênh thông tin trực tiếp với các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Trung Quốc đã phản ứng một cách thô bạo bằng những biện pháp trả đũa kinh tế mạnh mẽ quá mức. Trong khi vào thời đảng Tự do Dân chủ cầm quyền trước đây, hai bên đều bàn bạc để tránh xảy ra các sự cố. Chẳng hạn như năm 2004, những người Trung Quốc chống Nhật đổ bộ lên Senkaku cũng đều bị bắt, nhưng sau đó lập tức gởi trả cho Trung Quốc.

Những người chủ trương cứng rắn trước Bắc Kinh cho rằng thái độ vừa rồi của Tokyo là đúng đắn, vì chiếc tàu cá Trung Quốc cố tình đâm vào tàu Nhật, và phản ứng sau đó đã cho thấy khuôn mặt thật đầy đe dọa của Bắc Kinh. Vụ này cũng cho thấy nguồn gốc sâu xa là những xung đột trong lịch sử không dễ xóa nhòa.
Le Monde đặt câu hỏi : còn việc Nga tham gia vào cuộc chơi liệu có phải là một sự tình cờ ? Và tờ báo tự trả lời, có lẽ là không. Hồi tháng 9, Tổng thống Nga và ông Hồ Cẩm Đào đã ký chung thông báo về việc « hỗ trợ lẫn nhau bảo vệ các lợi ích sống còn của hai nước, gồm chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ». Liệu Nhật Bản có dám tự cho phép xung đột với cả Trung Quốc và Nga cùng một lúc hay không ?

Trước sự tấn công từ hai phía này, Tokyo vẫn chưa có dấu hiệu gì muốn nhìn nhận tình trạng lãnh thổ đang bị tranh chấp, và tiến hành đối thoại với Bắc Kinh cũng như Matxcơva. Nhưng theo kết luận của Le Monde, điều này thật khó khăn đối với một chính phủ đang bị suy yếu và không có tầm nhìn rộng.

Bắc Kinh muốn đánh thuế các công ty quốc doanh

Cũng liên quan đến Trung Quốc, thông tín viên của Le Monde tại Thượng Hải cho biết, chính quyền dự định đánh thuế trên 1.600 công ty quốc doanh dưới hình thức chi trả cổ tức cho nhà nước, để có nguồn tiền cho các khoản chi về mặt xã hội.

Hội đồng Nhà nước trong cuộc họp ngày 3/11 đã quyết định, kể từ năm 2011, có 1.631 công ty có vốn nhà nước là chủ đạo phải chi trả cổ tức ; nhằm đóng góp vào các món chi ngày càng cao, khi Trung Quốc đang phải xem lại hình mẫu về mặt xã hội của mình. Đây là kế hoạch mở rộng từ phương thức thử nghiệm đã áp đặt cho 123 tập đoàn lớn, như tập đoàn viễn thông China Mobile hay tập đoàn dầu khí PetroChina. Tỉ lệ cổ tức chưa được ấn định, nhưng có lẽ cũng như mức đang áp dụng hiện nay lên các công ty lớn là tối đa 10% lợi nhuận, trong lãnh vực năng lượng, viễn thông, thuốc lá ; và 5% cho các lãnh vực ít lãi hơn như giao thông và luyện kim.

Trung Quốc hiện có khoảng 110 ngàn công ty do chính quyền trung ương hay địa phương quản lý. Do chế độ bao cấp cũ, cho đến năm 2000, đa số vẫn thua lỗ, và sau khi được cơ cấu lại đã làm ăn khá hơn. Năm ngoái, các công ty này đã thu được 966 tỉ nhân dân tệ lợi nhuận, tương đương trên 107 tỉ euro, nhưng chỉ nộp cho nhà nước có 99 tỉ nhân dân tệ. Và chỉ riêng 8 tháng đầu năm nay, đã lời được 1.264 nhân dân tệ, chưa kể các quy định được đặt ra nhằm gây trở ngại cho các đối thủ cạnh tranh.

Các nhà hoạt động xã hội cho rằng đây là cả một sự bất công. Trong khi đang rất cần nguồn tiền cho an sinh xã hội, thì lợi nhuận được các công ty này giữ lại để tái đầu tư vào sản xuất, thậm chí còn đầu cơ địa ốc, làm cho bất động sản tăng giá. Qua quyết định trên đây, các nhà quan sát cho rằng việc buộc các tập đoàn quốc doanh đóng góp nhiều hơn vào ngân sách, biểu thị khuynh hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ 16. Đó là điều chỉnh nền kinh tế về hướng tiêu thụ nội địa thay vì làm hàng xuất khẩu giá rẻ, và phát triển kinh tế phải đồng hành với tiến bộ xã hội.

Cuba tiến hành cuộc cách mạng kinh tế

Nhật báo cánh hữu Le Figaro chú ý đến một quốc gia cộng sản khác là Cuba, đang chuẩn bị cho một nền kinh tế thị trường. Tình hình hết sức khó khăn hiện nay của đảo quốc này đã khiến cho chính quyền Raoul Castro phải có những thay đổi chính sách một cách triệt để, tạo điều kiện cho lãnh vực tư nhân.
Tờ báo nhận xét, « Đề án định hướng chính sách kinh tế xã hội » dày 32 trang vừa được một nhóm chuyên gia các lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản Cuba thông qua dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Raoul Castro, là văn bản cách mạng nhất từ trước đến nay. Kế hoạch này sẽ được đưa ra thảo luận vào tháng tới, trước khi được đại hội Đảng lần thứ 6 họp vào tháng tư năm tới thông qua – đại hội đầu tiên kể từ năm 1997 tới nay !

Le Figaro cho biết, thâm hụt thương mại của Cuba trong năm 2010 sẽ lên đến 11 tỉ đô la. Đối tác thương mại chủ yếu là Venezuela, vốn nhập đến 80% hàng hóa và dịch vụ của Cuba, hầu hết là dịch vụ y tế, đang gặp phải những khó khăn nội tại và không thể tiếp tục đóng vai Thần Tài nữa. Tổng thống Hugo Chavez có mặt ở La Havana tuần này, không hề đề nghị viện trợ bổ sung mà chỉ gia hạn các hợp đồng hiện tại, nhất là việc cung cấp dầu hỏa với giá hữu nghị.

Theo đề án nói trên, tất cả các công ty quốc doanh làm ăn không có lãi sẽ bị giải thể, thay bằng các công ty công tư hợp doanh. Nhà nước khuyến khích phát triển các trang trại nhỏ, vì Cuba đang thiếu hụt trầm trọng các sản phẩm nông nghiệp. Phần tài trợ của nhà nước vào quỹ an sinh xã hội sẽ giảm xuống, đóng góp của người lao động tăng lên. Khu vực tư nhân được mở rộng hoạt động sang nhiều lãnh vực, và dự kiến thu nhập của nhân viên các đơn vị quốc doanh sẽ tỉ lệ với kết quả đạt được.

Kế hoạch cải cách cũng dự trù hủy bỏ libreta, tức chế độ sổ mua hàng, được dùng để mua nhu yếu phẩm với giá rẻ. Đối với nhiều người Cuba, điều này thật khủng khiếp vì libreta lâu nay là nguồn thu nhập bổ sung cho tiền lương quá thấp của họ, mà đề án chưa nói gì đến việc tăng lương. Nhưng Washington thì tỏ ra ủng hộ các thay đổi trên đây. Le Figaro kết luận, cùng với việc trả tự do cho các tù chính trị, những dấu hiệu tích cực từ phía Cuba càng làm cho nhiều người tin rằng, đã đến lúc dỡ bỏ lệnh cấm vận, vẫn đang đè nặng lên đảo quốc này từ năm 1963 đến nay.

Món quà của Pháp cho Hàn Quốc : Trả lại các sách cổ

Trên phương diện văn hóa, Le Monde và Le Figaro quan tâm đến sự kiện nước Pháp vừa chấp nhận trả lại cho Hàn Quốc 287 cuốn sách cổ chép tay, dưới dạng cho mượn, có thể tái xem xét 5 năm một lần.

Những tài liệu này bị Hải quân Pháp chiếm đoạt vào năm 1866, đã ngủ yên nhiều năm qua trong Thư viện Quốc gia Pháp, trước khi được một nhà nghiên cứu Hàn Quốc phát hiện năm 1991. Cố Tổng thống Pháp François Mitterand hồi năm 1993 đã hứa sẽ trả lại cho Hàn Quốc, đổi lại bằng một hợp đồng xây dựng tuyến tàu cao tốc TGV nối liền Séoul với Pusan. Hợp đồng đã hoàn thành, nhưng lời hứa vẫn chưa được thực hiện. Theo Le Monde, tuy việc cho mượn trên thực chất là một sự hoàn trả, nhưng Pháp không thể chính thức trao trả để tránh tạo tiền lệ, kẻo các nước khác lại lên tiếng đòi lại các tác phẩm văn hóa của mình.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.