Vào nội dung chính
APEC

Việc thành lập vùng tự do mậu dịch châu Á-Thái Bình Dương vẫn còn trắc trở

Vào năm ngoái, tại Singapore, nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương APEC đã đồng ý sẽ tiến hành các bước chuẩn bị cho việc thành lập một khu tự do mậu dịch khổng lồ, bao gồm toàn bộ 21 nền kinh tế. Nhưng theo các chuyên gia, sáng kiến này vẫn chỉ mới ở giai đoạn sơ khai và APEC còn phải vượt qua rất nhiều khó khăn mới đạt được mục tiêu xóa bỏ các hàng rào thuế quan trong một khu vực rộng lớn như thế.

Tông thống Obama phát biểu tại Thượng đỉnh APEC, ngày 13/11/2010
Tông thống Obama phát biểu tại Thượng đỉnh APEC, ngày 13/11/2010 Reuters
Quảng cáo

Theo nhận định của giáo sư kinh tế thuộc trường Đại học quản lý Niigata ( Nhật ), Ivan Tselichtchev, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, « các nước trong khu vực đã tạo nên một mạng lưới chằng chịt những thỏa thuận thương mại, tương lai sẽ vẫn rất phức tạp và chúng ta sẽ không có một thỏa thuận chung cho tất cả mọi người ».

Tình hình sẽ lại càng rối rắm, bởi vì một số quốc gia muốn tiến nhanh hơn thông qua những khối tự do mậu dịch riêng lẻ. Chẳng hạn như Hoa Kỳ muốn gia nhập vào khối Đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP ), một vùng tự do mậu dịch với quy mô còn nhỏ, hiện chỉ bao gồm các nước Brunei, Chilê, New Zealand và Singapore.

Cũng giống như Hoa Kỳ, Việt Nam, cùng với Úc, Malaysia, Peru cũng đang thương lượng để gia nhập TPP. Riêng tổng thống Barack Obama thì dự định sẽ chính thức hóa việc mở rộng khối TPP ngay từ cuộc họp thượng đỉnh APEC, mà ông sẽ chủ trì tại Hawai tháng 11 năm tới.

Về phần Nhật Bản cũng vừa loan báo tham gia vào giai đoạn sơ khởi của các cuộc thảo luận về việc gia nhập khối Đối tác xuyên Thái Bình Dương, tuy gặp sự chống đối rất mạnh của giới nông gia ở nước này. Không muốn bị gạt ra bên lề, Trung Quốc cũng tỏ ý quan tâm đến khối TPP tuy rằng Bắc Kinh muốn ưu tiên thương lượng với các nước ASEAN ( trong đó có 7 quốc gia là thành viên APEC ), cũng như với Nhật Bản và Hàn Quốc, để tiếp tục ở trong khuôn khổ thuần túy châu Á.

Tiến trình tự do hóa mậu dịch châu Á-Thái Bình Dương càng gặp thêm trắc trở do nhiều căng thẳng song phương, mà trước hết là giữa Mỹ với Trung Quốc, đặc biệt do vấn đề đồng nhân dân tệ và chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Mỹ, trong bối cảnh mà Bắc Kinh và Washington tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á.

Nhưng còn có những căng thẳng song phương khác đang bao trùm hội nghị thượng đỉnh APEC, mà đầu tiên là giữa nước chủ nhà với Trung Quốc. Tuy thủ tướng Naoto Kan và chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã gặp nhau bên lề hội nghị Yokohama, nhưng cuộc gặp gỡ này sẽ không thể giải tỏa hết khủng hoảng ngoại giao trầm trọng giữa Tokyo và Bắc Kinh kéo dài từ hai tháng qua.

Bên cạnh đó, tranh chấp chủ quyền giữa Nhật với Nga trên quần đảo Kuril cũng đã nổi lên trở lại do chuyến viếng thăm của tổng thống Medvedev đến quần đảo này. Tuy vậy, hai nước cũng đã dịu giọng và tổng thống Medevedev đã gặp thủ tướng Naoto Kan bên lề hội nghị APEC. Ấy là chưa kể quan hệ Mỹ-Nhật hiện nay cũng không lấy gì là suông sẻ, do bất đồng trên vấn đề dời căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trên đảo Okinawa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.