Vào nội dung chính
CHÂU Á

Ảnh hưởng của Nhật Bản sút giảm do trì trệ kinh tế

Tại hội nghị APEC, thủ tướng Naoto Kan nhìn nhận Nhật Bản không còn là « cường quốc kinh tế áp đảo » tại châu Á Thái Bình Dương. Sau 14 tháng cầm quyền, đảng Dân Chủ Nhật Bản bị công luận và giới phân tích đánh giá thấp. Điểm tín nhiệm của thủ tướng Naoto Kan rơi xuống dưới mức 28%.

Đà vươn lên của TQ làm suy yếu vị thế của Nhật ?
Đà vươn lên của TQ làm suy yếu vị thế của Nhật ? Reuters
Quảng cáo

Tại Diễn Đàn Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương - Yokohama trong hai ngày 13 và 14/11, thủ tướng Naoto Kan đã nối lại đối thoại với tổng thống Nga và chủ tịch Trung Quốc sau nhiều tuần lễ căng thẳng vì các vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Nhưng theo giới phân tích tình trạng suy yếu kinh tế kéo dài làm lu mờ hào quang của Tokyo trên trường quốc tế.

Tại diễn đàn APEC vừa qua, thủ tướng Naoto Kan công nhận : "Nhật Bản không còn là một cường quốc kinh tế áp đảo của thế giới. Hiện nay nhiều nền kinh tế đang trỗi dậy có đà tăng trưởng thậm chí còn mạnh hơn cả so với giai đoạn phát triển của Nhật Bản vào thập niên 60".

Nhật Bản vừa bị Trung Quốc qua mặt để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì của thế giới. Các dự báo tăng trưởngkhông mấy khả quan bất chấp hoàng loạt các gói kích cầu ở mức quy mô. Tổng nợ công của Nhật Bản vượt quá 200% GDP. Bên cạnh đó chính phủ còn phải đương đầu với hiện tượng dân số đang trên đà lão hóa.

Bị trói tay về phương diện kinh tế, tầm hoạt động của Tokyo trên sân khấu quốc tế cũng bị thu hẹp : vào thập niên 90 thế kỷ trước Nhật Bản là nhà tài trợ hào phóng nhất của thế giới. Nhưng trong hai thập niên qua, Tokyo đã tuột xuống hạng 5. Khoản viện trợ phát triển và tín dụng giúp các nước nghèo của Nhật đã giảm đi 40%. Trong khi đó Trung Quốc liên tục mở rộng tầm ảnh hưởng sang từ Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh và cả Châu Âu.

Trong lĩnh vực ngoại giao, yếu kém về kinh tế cũng khiến Tokyo lép vế trong cuộc đọ sức với Bắc Kinh và Matxcơva trên các hồ sơ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Chính quyền của thủ tướng Naoto Kan bị chỉ trích đã « đầu hàng » trước sức mạnh của Trung Quốc về sự cố trên biển ở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, và để cho nước Nga « tát nước theo mưa » trong việc khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Kuril ở miền bắc Nhật Bản.

Trong bối cảnh Nhật Bản đang bị hai nước láng giềng chèn ép, một cố vấn của thủ tướng Naoto Kan chủ trương là Tokyo nên thắt chặt trở lại quan hệ với đồng minh cố hữu là Hoa Kỳ sau một thời gian sóng gió do chính quyền trung tả  muốn Washington di dời căn cứ quân sự khỏi hòn đảo Okinawa.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.