Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC

Giá cả tăng vọt tại Trung Quốc có nguy cơ tác hại đến thành tựu kinh tế

Chính phủ Trung Quốc hiện phải tìm cách đưa ra các biện pháp đối phó với lạm phát tăng vọt. Nhật báo Le Monde chú ý đến sự kiện này đã nêu bật trong hàng tít trang nhất hiểm họa đối với kinh tế Trung Quốc : « Giá cả bùng lên gây nguy hiểm cho phép màu kinh tế Trung Quốc ».

Tại một sạp rau quả trong chợ ở khu trung tâm Thượng Hải, ngày 17/11/2010.
Tại một sạp rau quả trong chợ ở khu trung tâm Thượng Hải, ngày 17/11/2010. Reuters
Quảng cáo

Le Monde so sánh : trong lúc các quốc gia công nghiệp phát triển ra sức thúc đẩy tăng trưởng và chống lại mối nguy cơ giảm phát, thì ngược lại các quốc gia đang vươn lên nỗ lực ngăn chặn việc kinh tế bị hâm nóng, và hệ quả của lạm phát cao. Sau Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc, đến lượt Trung Quốc thông báo một loạt biện pháp kèm hãm đà gia tăng của giá cả.

Theo số liệu chính thức, giá cả tại Trung Quốc đã tăng 4,4% tính trên một năm vào tháng 10, mức cao nhất từ hai năm qua. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho là trên thực tế lạm phát cao hơn nhiều so với số liệu chính thức công bố. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, từ 5 năm qua, người ta đều đánh giá thấp lạm phát, thấp hơn đến 7% so với thực tế.

Tình hình giá cả lên cao hiện nay càng làm người dân bất bình. Để trấn an dân chúng, theo Le Monde, Bắc Kinh đã phải cam kết sẽ cải thiện hệ thống trợ giá, kiểm soát giá bán của một số mặt hàng khi cần thiết và chống lại nạn đầu cơ thực phẩm. Tờ báo nhắc lại : giá trung bình 18 loại rau tại 36 thành phố Trung Quốc đã tăng 62,4% trong một năm. Chỉ trong một vài tháng giá gừng và tỏi chẳng hạn, đã tăng hơn 50%.

Le Monde ghi nhận là từ cuối tháng 9, chính quyền Trung Quốc đã xuất hàng từ kho dự trữ để kềm giá, đưa ra thị trường đến 62.000 tấn thịt heo, 210.000 tấn đường, và dự kiến đưa thêm 200.000 tấn đường khác vào cuối tuần này, với giá bằng 2/3 giá hiện nay trên thị trường.

Tờ báo trích dẫn một số nhà kinh tế nhìn thấy là những biện pháp kềm hãm giá cả của chính phủ Trung Quốc chỉ có tác dụng hạn chế, nhất thời mà thôi. Như một nhà kinh tế ở Bắc Kinh giải thích, những biện pháp hành chính này có thể có hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng về lâu về dài thì không, vì nó không giải quyết vấn đề có quá nhiều tiền lưu hành mà Trung Quốc cần phải giảm đi hoặc hướng vào đầu tư hữu ích.

 Le Monde phân tích : Trung Quốc đã chứng kiến cảnh tiền bơm vào để kích thích kinh tế lại được sử dụng để đầu cơ trong những ngành béo bở như địa ốc, và chính quyền đã đưa ra những quy định hạn chế đầu tư trong ngành này, hạn chế việc mua bán nhà cửa. Giới đầu cơ đã quay sang lãnh vực nguyên liệu và nông sản, làm tăng giá thực phẩm và hàng tiêu dùng nói chung, trong lúc mà thời tiết xấu năm nay cũng đã ảnh hưởng đến giá ấn định trước của mùa thu hoạch.

Ngoài những yếu tố nêu trên, Trung Quốc không chỉ chịu hậu quả của chính sách kinh tế tài chính của mình, mà còn gánh chịu hệ quả chính sách tài chính của quốc tế, đặc biệt của Mỹ, khiến đầu tư ngoại quốc săn tìm lợi nhuận càng đổ vào các nền kinh tế đang vươn lên, nhất là Trung Quốc.

Nếu các biện pháp chống lạm phát có hệ quả giới hạn thì các nhà kinh tế và đầu tư ngoại quốc lại lo ngại về tác động của nó trên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, họ e ngại một ‘‘sự hạ cánh nặng nề ‘’ của nền kinh tế thứ nhì của thế giới.

Seoul đánh thuế trên đầu tư nước ngoài

Cũng trên bình diện kinh tế, báo giới Pháp hôm nay chú ý đến hai sự kiện : quyết định của Seoul đánh thuế trên đầu tư nước ngoài và báo cáo của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế OCDE, không mấy lạc quan trước đà vực dậy chậm chạp của các quốc gia công nghiệp phát triển.

Quyết định đánh thuế của Hàn Quốc được hai tờ Les Echos và Le Figaro chú ý. Theo Les Echos, sau Brazil và Thái Lan, thì đến lượt Hàn Quốc đánh thuế trên tiền lời các công trái phiếu mà các nhà đầu tư ngoại quốc mua vào. Tin trên được chính quyền Seoul thông báo hôm qua. Mức thuế là từ 14 đến 20%.

Theo Les Echos, Seoul đã bãi bỏ khoản thuế này hồi tháng 5 /2009, nhưng nay chính phủ Hàn Quốc đưa ra trở lại để bảo vệ kinh tế và đồng tiền của mình. Seoul theo bài báo thường than phiền về số đầu tư ngoại quốc ồ ạt đổ vào, làm đồng won tăng giá và ảnh hưởng đến xuất khẩu Hàn Quốc.

Les Echos cùng đồng nghiệp Le Figaro nhìn thấy là Hàn Quốc không muốn gánh chiụ hệ quả của chính sách do Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đưa ra, bơm tiền vào nền kinh tế, mở rộng tín dụng để vực dậy kinh tế Mỹ.

Theo bài báo, chính sách của Ngân hàng Mỹ sẽ thúc đẩy giới đầu tư đi vay đô la với lãi suất rất thấp, gần với 0%, đem tiền mua cổ phiếu và công trái phiếu với lãi cao ở các quốc gia kinh tế đang vươn lên, và có thể tạo ra bong bóng đầu cơ.

Trong trường hợp Hàn Quốc, việc thu hút mạnh mẽ đầu tư ngoại quốc còn là chính sách của Seoul, đã nâng lãi suất của mình lên 2,5% vào đầu tuần này. Lãi suất này cao hơn mức của các thị trường tài chính chủ yếu thế giới.

Tuy nhiên theo Les Echos khoản thuế của Hàn Quốc bị đánh giá là còn ‘’rụt rè’’, cho nên sẽ không ngăn chặn được vốn đầu tư tiếp tục đổ vào đây. Hơn nữa thuế chỉ đánh trên công trái phiếu chứ không nhắm vào cổ phiếu.

Nhưng Les Echos cho rằng Hàn Quốc khó đưa ra biện pháp cứng rắn hơn do việc nước này là thành viên tổ chức OCDE, mà chủ trương cố hữu là sự tự do lưu hành của vốn liếng.

OCDE lo ngại về kinh tế Mỹ với đà tăng trưởng chậm lại

Trở lại với báo cáo của tổ chức OCDE, như tờ báo kinh tế Les Echos ghi nhận trên trang nhất, đối với Châu Âu, tăng trưởng bền bỉ nhưng rất yếu : 1,7% năm 2010 và cũng 1,7% năm 2011.

Thế nhưng, như ghi nhận của tờ Le Figaro, điều làm cho tổ chức OCDE lo ngại là kinh tế Mỹ với đà tăng trưởng đang chậm lại. Các chuyên gia kinh tế của OCDE, theo tờ báo, không còn lạc quan như trước đây với dự kiến tăng trưởng 3,2% vào mùa xuân tới đây, mà đã phải hạ thấp dự báo của mình xuống 2,7% cho năm 2010 và 2,2% cho năm 2011.

Điểm lạc quan theo Le Figaro là các nước thành viên OCDE vẫn có thể trông cậy vào các nền kinh tế đang vươn lên, nhất là Trung Quốc, mà tăng trưởng tuy có chậm lại một chút nhưng vẫn ở tỷ lệ 9,8% vào năm 2011.

Aung San Suu Kyi : « Tôi nhận thấy Miến Điện cần tôi »

Về châu Á, Tờ Libération hôm nay có bài phỏng vấn dài với nhà đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi. Bài phỏng vấn do đặc phái viên Libération ở Yangon, Marie Normand, thực hiện. Tờ báo trích thành tựa nhận định của bà : « Tôi nhận thấy là Miến Điện cần tôi ».

Bà Aung San Suu Kyi cho biết là bà đã không được nghỉ ngơi từ ngày được tự do : liên tục gặp gỡ báo chí, gặp gỡ giới ngoại giao, các lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, gặp gỡ bạn bè. Thế nhưng bà đã nhìn thấy vẻ hân hoan vui sướng của người dân Miến Điện, tập hợp đông đảo để mừng bà được tự do.

Điều mà bà Aung San Suu Kyi chú ý nhất là số thanh niên đông đảo trong đám đông, cho nên bà muốn giao cho lớp trẻ nhiều trách nhiệm hơn trong đảng của bà để họ tiếp nối thay thế lớp đàn anh.

Nhận định về tình hình Miến Điện trong thời gian bà bị quản thúc, bà nhận thấy đất nước này không thay đổi nhanh chóng như bà đã nghĩ, ngoại trừ trên mặt viễn thông, mà bà đánh giá là rất quan trọng đối với một đất nước bị cô lập.

Về tiến bộ này, với giọng nói hóm hỉnh, nhà đối lập Miến Điện đã thú nhận là bà lần đầu tiên được cầm lấy một chiếc điện thoại di động, nhưng chưa biết sử dụng nó như thế nào. Bà hy vọng sẽ nhanh chóng khống chế được những dụng cụ cần thiết này. Bà cho biết bà vẫn chưa có điện thoại và internet.

Lấy lại giọng điềm đạm, bà đưa ra một số đánh giá và nhận định : bà đã thấy người Miến Điện đặt hy vọng vào bà như thế nào, bà không muốn làm họ thất vọng. Nhưng theo bà, họ không nên chỉ dựa vào một người hay một đảng duy nhất. Bà sẽ cố sức, nhung họ phải giúp bà. Họ có phần công việc của họ, chứ không nên chờ đợi tất cả từ bà.

Aung San Suu Kyi cũng cho biết bà chưa đặt vấn đề gặp tướng Than Shwe, chưa phải lúc, nhưng bà hy vọng sẽ có cuộc tiếp xúc đó, vì đó là điều tốt nhất.

Nhà đối lập cũng cho biết bà chưa muốn đi ra nước ngoài trong lúc này, vì e ngại không được trở về Miến Điện, trong khi mà bà cảm thấy đất nước này cần đến bà.

Trong cuộc phỏng vấn thông tín viên Libération đặt câu hỏi bằng tiéng Pháp, bà Aung San Suu Kyi trả lời bằng tiếng Anh. Bà giải thích là trong thời gian bị giam cầm bà đã luyện nghe tiếng Pháp với các đĩa CD, cho nên nghe hiểu rất rành rọt, nhưng nói thì chưa quen.

Người Pháp không thờ ơ với biến đổi khí hậu

Báo Le Monde nêu kết quả một cuộc thăm dò dự luận cho thấy là người Pháp không lơ là với hiện tượng khí hậu bị hâm nóng : 56% cảm thấy họ bị đe doạ. Thành phần lo ngại nhất lại là những người trẻ tuổi. Trong khi đó tại Mỹ, tỷ lệ người quan tâm đến hiện tượng và cảm thấy lo âu chỉ là 32%.

Đây là kết luận cuộc thăm dò của cơ quan Ifop về những mối quan tâm hay đúng hơn những mối quan ngại của người Pháp liên quan đến cuộc sống hàng ngày của họ, những mối rủi ro ảnh hưởng đến cuộc sống.

41% nêu bật hậu quả biển đổi khí hậu, 34% nêu vấn đề ô nhiễm nguồn nước, trong lúc 29% nêu vấn đề thực phẩm. Chỉ có 18% nói đến ô nhiễm không khí.

Thế nhưng khi hỏi xem họ có cho là hiện tượng khí hậu bị hâm nóng là một mối đe dọa thực sự đối với họ hay cách sống của họ hay không, thì 56% tỏ mối lo ngại. Trong tỷ lệ này thành phần dưới 35 tuổi chiếm đến 67%, những người hơn 65 tuồi chỉ có 39%.

Hơn nữa, 66% người được hỏi ở Pháp cho là hậu quả hiện tượng khí hậu hâm nóng đã bắt đầu được cảm nhận. Trong số này người dưới 35 tuổi chiếm đến 78%. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.