Vào nội dung chính
KHỦNG HOẢNG TRIỀU TIÊN

Dư luận Hàn Quốc chỉ trích chính phủ mềm yếu

Hai ngày sau khi Bắc Triều Tiên bắn đạn pháo vào một hòn đảo thuộc chủ quyền Hàn Quốc, làm bốn người thiệt mạng, Bình Nhưỡng đe dọa « tiến hành cuộc tấn công thứ nhì trong trường hợp Seoul có hành động khiêu khích ». Giờ đây tổng thống Hàn Quốc phải đương đầu với dư luận này càng phẫn nộ trước thái độ nhu nhược của chính quyền sau vụ đảo Yeonpyeong bị Bắc Triều Tiên tấn công.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-Young  từ chức sau  lễ truy điệu  hai binh sĩ Hàn Quốc bị chết trong vụ tấn công của Bắc Triều Tiên, ngày 25/11/2010
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-Young từ chức sau lễ truy điệu hai binh sĩ Hàn Quốc bị chết trong vụ tấn công của Bắc Triều Tiên, ngày 25/11/2010 REUTERS/Korea Pool
Quảng cáo

Trong khi đó chính quyền miền Nam cho biết « đang chuẩn bị đưa ra những biện pháp cần thiết để tăng cường an ninh quốc gia và phản ứng mạnh mẽ trong trường hợp bị quân đội Bắc Triều Tiên tấn công ». Báo chí tại Seoul và một số chính khách chỉ trích chính quyền của tổng thống Lee Myung Bak quá « nhu nhược » và quân đội Hàn Quốc thụ động. Thông tín viên RFI từ Seoul tường trình :

« Phe bảo thủ Hàn Quốc đang phẫn nộ. Họ chỉ trích tổng thống Lee Myun Bak, cũng thuộc hàng ngũ bảo thủ, đã có thái độ mềm yếu trong những phút đầu sau khi cuộc khủng hoảng bùng nổ. Thật vậy tổng thống Hàn Quốc đã tỏ ra thận trọng và đúng là ông đã kêu gọi quân đội tránh có những hành vi dẫn đến một cuộc leo thang quân sự.

Vài giờ sau đó ông đã có những lời lẽ cứng rắn hơn khi tuyên bố sẵn sàng ‘’trả đũa ồ ạt’’ trong trường hợp Hàn Quốc lại bị tấn công. Quân đội cũng bị chỉ trích. Dư luận không hiểu vì sao quân đội Hàn Quốc phải đợi đến 13 phút sau khi bị tấn công mới bắn trả. Mọi người nêu lên câu hỏi là tại sao không quân không tiêu diệt các pháo đài của đối phương để đến nỗi chỉ vài phút sau đợt pháo kích đầu tiên, phía Bắc Triều Tiên lại bắn tiếp. Tổng thống Lee luôn chủ trương một đường lối cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.

Ba năm nay kể từ khi lên cầm quyền, ông luôn phải đương đầu với những hành động khiêu khích chưa từng thấy của chính quyền phương Bắc. Thế nhưng ông chỉ phản ứng một cách dè dặt. Điều đó chứng tỏ Seoul hoàn toàn bất lực trước chế độ Bình Nhưỡng trong khi Bắc Triều Tiên không ngần ngại sử dụng vũ lực. Đường lối cứng rắn của ông Lee Myung Bak đẩy Hàn Quốc vào ngõ cụt. Khủng hoảng liên Triều lan rộng sang tới các siêu cường quốc tế.

Trung Quốc, đồng minh cố hữu của Bắc Triều Tiên, cho biết ngoại trưởng Dương Khiết Trì hủy bỏ chuyến viếng thăm Seoul như đã dự trù. Trước mắt Bắc Kinh chỉ mập mờ cảnh cáo Bình Nhưỡng không nên khiêu khích thêm. Về phần mình, Hoa Kỳ đang bị chính quyền Kim Jong Il tố cáo là ‘’có một phần trách nhiệm trong vụ xung đột vừa qua’’. Chính quyền Obama cho biết vẫn theo dõi sát hồ sơ liên Triều 24 giờ trên 24».

Trước những lời chỉ trích như trên, vào hôm nay (25/11), bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae Young đã phải từ chức. Theo thông báo từ phủ tổng thống, ông Kim từ chức để « nhận trách nhiệm một loạt các sự cố đã xảy ra gần đây ».

Theo tiết lộ của báo chí Hàn Quốc, vài giờ trước cuộc tấn công nhắm vào đảo Yeonpyeong, lãnh tụ Bắc Triều Tiên và con trai là Kim Jong Un đã đến thẳng căn cứ hải quân ở tỉnh Nam Hwanghae, nơi Bắc Triều Tiên bắn đi các đạn pháo. Vẫn theo nguồn tin trên, lãnh tụ Kim Jong Il đã nói chuyện trực tiếp với tướng Kim Kyok Sik, người điều hành căn cứ hải quân. Dựa trên thông tin này, giới truyền thông nêu lên khả năng đích thân ông Kim Jong Il đã ra lệnh tấn công. Phía Hàn Quốc chưa xác định với hãng thông tấn Reuters về tiết lộ trên của báo chí Seoul.

Về phương diện ngoại giao Seoul đang thuyết phục Bắc Kinh và Matxcơva đưa vấn đề ra trước hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Trong một cuộc điện đàm vào trưa nay, Ngoại trưởng Mỹ và đồng nhiệm Nhật Bản khẳng định : Washington và Tokyo sẽ hợp tác với Seoul trên hồ sơ này đồng thời kêu gọi Trung Quốc nên đóng một vai trò quan trọng để thuyết phục đồng minh Bắc Triều Tiên làm giảm bớt căng thẳng trong khu vực.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.