Vào nội dung chính
CHÂU Á

Indonesia tính chuyện dời đô

Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, Jakarta dường như đã bị « bão hòa ». Tổng thống nước này đang tính chuyện dời đô. Ý định này đã gây nhiều phản ứng khác nhau, từ nhiệt tình ủng hộ đến lên án gay gắt. Le Monde phản ánh sự kiện này với bài viết « Indonesia dự tính dời đô ».

Một chuyến tàu tại Jakarta Indonesia. Ảnh chụp 31/5/2010
Một chuyến tàu tại Jakarta Indonesia. Ảnh chụp 31/5/2010 Ảnh:REUTERS/Crack Palinggi
Quảng cáo

Ô nhiễm, quá tải dân số, kẹt xe… đã mang đến cho Jakarta hình ảnh một thành phố phát triển không hài hòa. Dân số thật sự của thành phố là 9.6 triệu người, nhưng lượng người tham gia giao thông lên đến 12.6 triệu, do ban ngày có cả người từ ngoại ô ồ ạt đổ vào. Theo thống kê, mọi người thường xuyên bị kẹt xe 3, 4 tiếng đồng hồ một ngày. Tổn thất cho sản xuất từ việc kẹt xe có thể lên đến 2 tỷ euro mỗi năm.

Trước tình hình đó, tổng thống Susilo Bombang Yudhoyono vừa đề nghị dời đô. Ông đưa ra ba phương án. Phương án thứ nhất là tiếp tục chọn Jakarta làm thủ đô, và đương đầu với những khó khăn của quá trình đô thị hóa, tức tìm cách cải thiện tình hình hiện tại. Phương án này được cho là thực tế. Thứ hai là chỉ dời các cơ quan chính phủ, hoặc đến nơi khác cũng trên đảo Java hoặc đến đảo Borneo (cách Java khoảng 1000 km về phía đông bắc), theo đó Jakarta vẫn là thủ đô kinh tế và hành chính. Phương án này được xem là ôn hòa. Theo phương án thứ ba, được xem là cực đoan nhất, thủ đô được dời hẳn về đảo Borneo mà theo Le Monde, có thể ổng thống ưu ái phương án thứ ba.

Ông Sony Keraf, giáo sư triết học, cựu bộ trưởng môi trường, nhận định : « Jakarta không còn khả năng tiếp nhận người đến ở nữa. Không còn không gian cho việc phát triển đô thị ». Giáo sư chính trị học Andrinof Chanagio cho rằng : Sẽ rất tai hại nếu các nhà chức trách không quyết định kịp thời. Trong khi đó, giới đối lập lại lên tiếng phản đối. Chuyên gia đô thị học Marco Kusumawijaya phủ nhận việc Jakarta quá tải khi cho rằng, hiện tượng tăng dân số diễn ra song song với quá trình phát triển nhà ở và mở rộng ngoại ô. Ông cũng phủ nhận việc thành phố này có quá nhiều xe hơi. Ông cho biết, chỉ có 250 xe trên 1000 người, trong khi ở Mỹ là 800. Theo ông, vấn đề là ở chỗ mọi người sử dụng quá nhiều lần xe hơi trong cùng một ngày, trong khi đó thành phố lại thiếu phương tiện giao thông công cộng.

Để có quyết định cuối cùng không phải là dể, bởi quyết định nào cũng rất khó khăn để thực hiện. Năm 2009, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản đã đồng ý cho Indonesia vay lãi suất ưu đãi để xây dựng tàu điện ngầm. Tuy vậy, những dự án xây dựng đường sắt một ray và tàu điện ngầm vẫn còn đang bỏ ngõ. Các hành lang dành cho xe buýt đã được thiết kế trên những trục giao thông chính của thành phố, nhưng người lái ô tô thường lấn vạch phân tuyến. Theo Giáo sư Kusumawijaya, các dự án này không thể giải quyết tình hình ở Jakarta, dành hành lang cho xe buýt là một ý tưởng hay, nhưng khó lòng áp dụng. Còn đường sắt một ray chỉ phục vụ được cho trung tâm thành phố. Tàu điện ngầm thì ít nhất năm 2006 mới vận hành được.

Seoul lên giọng với Bình Nhưỡng

Trên đây là tựa một bài trên Libération liên quan đến quan hệ hai miền Triều Tiên. Theo tờ báo, bảy ngày sau vụ nã pháo lên lãnh thổ Hàn Quốc của Bắc Triều Tiên, trong bài diễn văn đọc trên truyền hình tối qua, tổng thống Lee Myungbak đã lớn tiếng đe dọa chính quyền miền bắc. Ông khẳng định với người dân rằng : « Bắc Triều Tiên sẽ trả giá đắt nếu tiến hành bất kỳ hành động tấn công nào nữa. Nếu chúng ta tiếp tục khoan dung thì Bình Nhưỡng lại càng tỏ ra khiêu khích ». Lời cảnh báo này có phải chỉ là hù dọa không? Tác giả cho rằng, chắc chắn là không. Sau đây là cách lý giải của Libération.

Trước tiên, lời cảnh báo được cho là mạnh bạo này được đưa ra vào ngày thứ hai của cuộc tập trận chung Hàn-Mỹ trên Hoàng Hải. Đây là một cuộc diễn tập quy mô có cả sự tham gia của hàng không mẫu hạm hạt nhân USS George Washington. Mặt khác, hồi tháng ba, Bắc Triều Tiên đã đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc , cướp đi sinh mạng của 46 thủy thủ. Rồi giờ đây, phía bắc lại nã pháo vào lãnh thổ miền nam, làm chết 4 người. Vì thế, Hàn Quốc cảnh báo nước này sẽ không thể tiếp tục nhịn để cho người ta tiếp tục tấn công.
Về phần người dân Hàn Quốc, họ hiểu rằng tổng thống của mình không thể tiếp tục cưỡng lại sức ép của quần chúng. Họ cũng hiểu rõ họ đã được sự « đảm bảo » của Hoa Kỳ. Theo thăm dò, 70% người dân Hàn ủng hộ biện pháp trả đũa.

Một quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết, các phương án tác chiến đã được các quân đội hai nước Mỹ Hàn quyết định. Ở Seoul, liên quân Hàn- Mỹ đã sẵn sàng đối đầu với mọi hành động khiêu khích quá đáng. Tư lệnh quân đội Mỹ ở Hàn Quốc cũng tuyên bố: « Lính Mỹ ở Hàn Quốc sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng ». Quan hệ Hàn-Trung cũng đã trở nên căng thẳng. Trung Quốc đã đề nghị nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề giải trừ hạt nhân cho Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, trong bài phát biểu của mình, ông Lee Mungbak không hề nhắc đến việc này. Như vậy, theo Libération, Hàn Quốc đã không còn che giấu sự khó chịu trước việc Bắc Kinh « che chở » Bình Nhưỡng. Thêm vào đó, Trung Quốc không hề lên án vụ nã pháo vừa rồi, trong khi đó thủ tướng Nhật cho rằng hành động này của Bắc Triều Tiên là « thô bạo».

Bắc Kinh cố cân bằng lại mô hình phát triển kinh tế

Liên quan đến kinh tế Trung Quốc, phụ trang kinh tế của Le Monde cho biết, chính phủ Bắc Kinh đang cố căn bằng lại mô hình phát triển kinh tế theo hướng kích thích tiêu dùng nội địa, và việc hiện tượng đầu tư ào ạt và bong bóng giá nhà đất có thể đẩy đất nước rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng vừa qua đã cho thấy mô hình phát triển chỉ dựa vào xuất khẩu đã khiến Trung Quốc quá lệ thuộc vào mức cầu của thế giới.

Một phần giới trẻ không còn chấp nhận đồng lương thấp và cuộc sống chen chúc trong các phòng trọ. Hơn 50% người dân còn là dân nông thôn, thu nhập bình quân người dân nông thôn chỉ bằng 1/3 người dân thành thị. Vì thế nâng cao mức sống nông thôn và đô thị hóa các vùng quê là những vấn đề đau đầu của chính phủ.
Tiếp đến, chính sách hồi phục khổng lồ với tham vọng ngăn chặn tức thời hậu quả khủng hoảng và đầu tư quá mức đã dẫn đến tình trạng lạm phát và tình trạng nợ nần chồng chất tiềm ẩn.

Theo báo cáo của Hội đồng phân tích kinh tế của chính phủ Pháp, khó khăn chính mà nước này đối mặt là căn đối lại tăng trưởng. Theo đó, công việc này đòi hỏi thay đổi cấu trúc tiêu thụ và sản xuất, cải cách cơ chế hoạt động của thị trường lao động và phân phối thu nhập, thay đổi cách ứng xử của giới kinh doanh và cải tiến cấu trúc xã hội. Cũng theo báo cáo này, do chính quyền trung ương chỉ tập trung đánh giá tăng trưởng dựa trên số liệu, vì thế các địa phương cũng chạy theo số liệu mà bỏ qua chất lượng tăng trưởng.

Bài báo đề cập đến lý thuyết của nhà kinh tế Hoa Kỳ Barry Eichengreen, theo đó sự phát triển của các cơ chế hối đối, của hệ thống tiền tệ quốc tế có quan hệ mật thiết với sự phát triển dân chủ và các lực lượng xã hội. Từ đó cho rằng, học thuyết này gợi nhớ đến trường hợp của Trung Quốc. Còn báo cáo thì nhận định, sự tái cân đối nền kinh tế ở Trung Quốc chỉ có thể được tiến hành đồng bộ với sự cải tiến hệ thống chính trị.

Vụ Wikileaks và « Hậu trường ngoại giao »

Liên quan đến vụ Wikileaks tiết lộ 250 000 tài liệu ngoại giao tối mật của Mỹ, nhật báo La Croix dành bài xã luận trên trang nhất với dòng tựa « Hậu trường ngoại giao ». Biết tất cả và nói tất cả, nguyên tắc minh bạch này đã được Wikileaks tuân thủ khi cho công bố 250 000 tài liệu ngoại giao mật cho năm tờ báo hàng đầu, trong đó có tờ Le Monde của Pháp. Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này, các báo đã thay đổi tên nhân vật và những thông tin có thể gây nguy hiểm cho tính mạng con người trong vùng chiến và ở những nước độc tài.

Hoa Kỳ phản đối gay gắt vì việc công bố này sẽ gây mất uy tín cho giới ngoại giao Hoa Kỳ và làm phức tạp quan hệ quốc tế. Vụ việc một lần nữa cho thấy sự yếu kém của các nước được xem là dân chủ trong việc bảo mật. Rõ ràng là dể tấn công vào dữ liệu của Mỹ hơn là của Iran hay Bắc Triều Tiên.

Tác giả cho rằng, hậu trường ngoại giao không giống như những gì người ta nhìn thấy. Vì thế, một vài cuộc đàm phán cần thiết phải được bảo mật để có thể thành công, và có những người cần được bảo vệ bằng việc giữ bí mật. Từ đó, tác giả nhận định, giữ bí mật không phải là điều xấu, chỉ có việc sử dụng bí mật đó như thế nào mà thôi. Trong quan hệ quốc tế cũng như trong cuộc sống riêng tư, thì sự minh bạch chỉ là những « trò lừa gạt ».
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.