Vào nội dung chính
HOA KỲ - CAM BỐT

Chiến hạm Mỹ ghé cảng Sihanoukville với sĩ quan chỉ huy người gốc Cam Bốt

Thứ sáu 03/12/2010, khu trục hạm USS Mustin thuộc Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ ghé thăm cảng Kompongsom với các công tác phục vụ cộng đồng cư dân địa phương và thực tập huấn luyện với hải quân Cam Bốt. Đây không phải là lần đầu tiên mà chiến hạm này ghé cảng Cam Bốt. Nhưng lần này chuyến thăm mang một ý nghĩa đặc biệt vì viên Hạm trưởng là một người gốc Khmer.

Khu trục hạm USS Mustin của Hải quân Hoa Kỳ.
Khu trục hạm USS Mustin của Hải quân Hoa Kỳ. Nguồn: wikipedia
Quảng cáo

Thông tín viên Phạm Phan ghi nhận từ Phnom Penh:

Chiến hạm Mỹ USS Mustin với hơn 300 thủy thủ thực hiện chuyến ghé cảng sau khi Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton đến Phnom Penh vào tháng 11cũng như sau cuộc tập trận qui mô chưa từng có trước đây giữa Hoa Kỳ và Cam Bốt mang tên Huấn luyện và Hợp tác Ứng chiến trên Biển cả.

Lần này, chiếc Mustin được Hạm trưởng người Mỹ gốc Cam Bốt chỉ huy. Ông Michael Vannak Khem Misiewicz đã từng cập bến nhiều cảng biển trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên ông chỉ huy chiến hạm Mỹ ghé cảng của cố hương ông. Phải nói rằng trong suốt 37 năm qua kể từ khi rời khỏi Cam Bốt năm 1973, đây là lần đầu tiên Hạm trưởng Misiewicz được đặt chân lên mảnh đất cội nguồn.

Tiểu sử Hạm trưởng Michael Misiewicz

Hạm trưởng Michael Misiewicz có tên khai sinh Khmer là Vannak Khem, ông sinh đầu thập niên 1970 trong một xóm nhà nông ở ngoại ô Phnom Penh. Thời kỳ Cam Bốt đang chìm sâu vào cuộc chiến tranh Quốc - Cộng với phe quốc gia do Tổng thống Lon Nol lãnh đạo đang từng bước suy sụp trong cuộc chiến tranh do Cộng sản Cam Bốt phát động với dã tâm quyết lật đổ chính quyền tự do bằng mọi giá.

Cảm thấy được điều rất bất an trong tình hình đất nước hỗn loạn, gia đình Vannak Khem vào năm 1973 đành phải cho ông làm con nuôi một phụ nữ Mỹ trẻ tuổi đang làm việc tại Tòa Đại sứ để ông thoát khỏi Cam Bốt trước khi đêm đen vô vọng của chế độ Cộng sản phủ chụp lên khắp đất nước.

Đúng như điều cha mẹ Vannak Khem cảm nhận được, chỉ ngay sau ngày 17/4/1975, cả xứ Chùa Tháp bị biến thành một xã hội hoang tưởng tang tóc theo mô hình XHCN của Mác- Lênin, hậu quả kinh khiếp làm cho gần 2 triệu người dân bị giết hại oan uổng. Điều này Misiewicz không chứng kiến được và cũng không trải qua, vì lúc đó ông đã theo chân người mẹ nuôi đi đến Lanark, Illinois.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Misiewicz gia nhập hải quân, qua nhiều năm công tác, ông được đề bạt chức Hạm trưởng Khu trục hạm USS Mustin và được phái đến công tác tại cảng Yokosuka - Nhật Bản.

Sống trong môi trường sung túc, êm ấm của xã hội Mỹ, ông Misiewicz không nghe được bất kỳ tin tức về gia đình ruột thịt của mình đang bị đày đọa trong ngục tù. Cho đến năm 1983, mẹ ông cùng 3 trong 4 anh chị em của ông vượt thoát được đến đất Mỹ, nhưng gần 6 năm sau tức tổng cộng 16 năm trời ông mới gặp lại gia đình thân yêu. Thế nhưng niềm vui không trọn vẹn khi ông nghe tin cha mình bị Khmer Đỏ hành quyết đau đớn vào năm 1977, còn chị gái của ông đã bị chết vì suy dinh dưỡng trong xã hội nghèo đói không có tự do.

Trả lời báo chí, Hạm trưởng Misiewicz nói ông phải cố dằn nén rất nhiều xúc động trong chuyến hành trình về lại cố hương, tuy nhiên ông không chắc có cầm được nước mắt hay không khi đặt chân lên mảnh đất của tổ tiên. Cá nhân ông cũng nhận thấy ông là một trong ít những người may mắn và cám ơn nước Mỹ, một miền đất mà theo ông có rất nhiều cơ hội thăng tiến cho bất kỳ cá nhân nào chịu khó, cầu tiến.

Hạm trưởng Misiewicz đưa ra trường hợp ông, một cậu bé sinh ra trên cánh đồng lúa nghèo nàn ở miền quê Cam Bốt nhưng giờ đây trở thành Hạm trưởng một chiến hạm của hải quân cường quốc Mỹ.

Dư luận Cam Bốt rất hãnh diện

Báo chí Phnom Penh nói đến sự kiện này và nhiều người dân cảm thấy niềm hãnh diện dân tộc khi có một Hạm trưởng của hải quân Hoa Kỳ là người mang dòng máu Khmer. Đây cũng là trường hợp hiếm hoi trong cộng đồng người Khmer tỵ nạn tại hải ngoại.

Nhưng sự kiện này cũng chỉ ra cho thấy con người phải phấn đấu, vì trước đây người dân Cam Bốt cũng đã biết tin chính quyền Mỹ trục xuất nhiều thanh niên Hoa Kỳ gốc Cam Bốt vì họ phạm tội hình sự, không cố gắng sống theo luật pháp trên xứ Mỹ. Nhưng Mỹ chỉ tống xuất vài chục thanh niên gốc Cam Bốt sau khi chính quyền Phnom Penh cưỡng bức một số đồng bào Thượng hồi hương về Việt Nam.

Misiewicz không phải là Hạm trưởng Khu trục hạm đầu tiên của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ có cơ hội chỉ huy chiến hạm hiện đại trở lại quê hương mình. Vào tháng 5/2009, người Mỹ gốc Hàn Quốc, ông Jeffrey Kim đã chỉ huy chiến hạm USS John S. McCain (DDG 56) viếng thăm cảng Busan – Hàn Quốc. Và tại cảng Tiên Sa – Đà Nẵng vào ngày 7/11/2009, Hạm trưởng Lê Bá Hùng, người Mỹ gốc Việt đã chỉ huy chiến hạm USS Lassen vào thăm cảng này trong 4 ngày.

Ông Lê Bá Hùng sinh ở Huế, Ba ông là một cựu sĩ quan trong Quân Lực VNCH, Trung tá Lê Bá Thông. Lê Bá Hùng đã theo gia đình rời Việt Nam vào tháng 4/1975 khi mới 5 tuổi. Trung Tá Lê Bá Hùng được bổ nhiệm làm Hạm trưởng vào tháng 4/2009.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.