Vào nội dung chính
CAM BỐT

Cam Bốt : Di sản kiến trúc quốc gia đang bị đe dọa

Từ vài năm nay, các công trình xây dựng mới ồ ạt mọc lên ở thủ đô Phnom Penh, Cam Bốt. Để phục vụ cho các công trình này, Người dân bị buộc ra sống ở vùng ngoại thành. Đặc biệt, những công trình được xây dựng thời Pháp thuộc và những năm 1950-1970 lần lượt bị san bằng.

Phnom Penh, nơi có nhiều di sản kiến trúc của Cam Bốt (Reuters)
Phnom Penh, nơi có nhiều di sản kiến trúc của Cam Bốt (Reuters)
Quảng cáo

Liberation phản ánh tình trạng này qua bài viết « Phnom Penh : diện mạo và di sản », với minh chứng là những bức ảnh do một hướng dẫn viến du lịch của nước này cung cấp. Tác giả cho biết, chính phủ bán đấu giá đất, mà người người trả giá cao nhất thường là người Trung Quốc và người Hàn Quốc. Người dân thường bị « tống khứ » khỏi thành phố bằng vũ lực. Hoặc thỉnh thoảng có đám cháy lúc nữa đêm.

Gia đình bà Ny cũng bị buộc di dời vào năm 2008. Nữ thương gia này cho biết, các đám cháy lúc nữa đêm là dấu hiệu cảnh báo mọi người nên di dời sớm, nếu không sẽ bị mất tất cả. Cũng có những người tình nguyện bán đất để ra ở ngọai ô do giá đất ở trong nội thành cao ngất ngưỡng. Chỉ trong vòng 5 năm, mà giá đất đã tăng gấp sáu lần.

Người hướng dẫn viên cung cấp hình minh chứng nói trên tên là Kim Hak, sinh năm 1981, làm việc cho một công ty du lịch ở Pnom Penh. Anh này thường sưu tập ảnh của thủ đô để quảng bá với du khách ngoại quốc. Đến một hôm , anh chợt phát hiện nơi mình yêu thích đã bị san bằng.

Kim Hak chọn chụp 29 công trình kiến trúc thời Pháp thuộc và của những năm 1950-1970. Anh đã chọn giới trẻ làm người mẫu cho những bức ảnh của mình. Sự chọn lựa này là một cách phản đối những dự án xây dựng các khu nhà cao tầng sang trọng. Từ thành phố Phnom Penh, mà hiện tại theo Le Figaro là rất lộn xộn, Kim Hak đã giới thiệu với mọi người những bức ảnh về sân vận động Olympic được xây dựng vào năm 1964, khu chợ trung tâm ra đời năm 1937 , khách sạn Monolis được xây dựng vào năm 1910, và bị biến thành khu nhà ở vào năm 1980.

Anh tâm sự : « Tôi hy vọng gửi một thông điệp đến mọi người, và nhất là đến chính phủ, để mọi người biết quan tâm nhiều hơn đến những công trình lịch sử này. Đối với tôi, phá hủy chúng chẳng khác nào giết người lớn tuổi. Chúng có thể dạy cho chúng ta nhiều bài học lịch sử. Vì thế, tôi tự nhủ phải làm gì đó trước khi quá muộn ».

Pháp muốn cũng cố quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ

Chuyến công du Ấn Độ của ông Sarkozy chính thức bắt đầu vào hôm nay, ngày 4/12. Tháp tùng tổng thống, có đệ nhất phu nhân Pháp bà Carla Bruni và một phái doàn gồm 7 bộ trưởng. Chuyến thăm này kéo dài 4 ngày, một thời gian khá dài so với thường lệ của điện L’Élysée. Lần thăm nước này vào năm 2008 của ông Sarkozy cũng chỉ kéo dài 37 giờ.

Từ Bangolore, biểu tượng nghành công nghệ cao của Ấn Độ, đến Bombay, đầu tàu kinh tế của đất nước, và cuối cùng tổng thống Pháp sẽ đến New Delhi để hội đàm với thủ tướng Ấn Độ Monmohan Singh.

Theo Le Monde, lần này, ngoài việc thúc đẩy phát triển thương mại với nước này, nhất là trong vấn đề hạt nhân, tổng thống Sarkozy sẽ vận động New Delhi ủng hộ các mục tiêu phát triển G20 trong thời gian Paris làm chủ tịch.

Trong quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, Le Monde nhận định, quan hệ này không có gì đặc biệt, nó không căng thẳng mà cũng không quá thân tình. Tuy vậy, Paris cũng đã ủng hộ Ấn Độ trong nhiều việc, như việc Ấn Độ muốn trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Trong hợp tác hạt nhân, dưới thời Georges Bush, Hoa Kỳ đã có ý lấy Ấn Độ làm đối trọng với cường quốc đang lên là Trung Quốc. Năm 2005, thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự Ấn Độ-Mỹ đã được ký kết, cho phép Ấn Độ lấy lại uy thế trên thị trường hạt nhân thế giới.

New Dalhi đặc mục tiêu đến năm 2032 sẽ sản xuất được 63 000 MW, một mục tiêu khá hấp dẫn cho các nhà cung ứng. Pháp cũng tất tả tìm chỗ đứng ở thị trường này. Tập đoàn Areva (Pháp) có thể sẽ cung cấp 2 lò phản ứng loại EPR (với công suất 3 200 MW). Dự án đang trong thời gian đàm phán, và có thể một hiệp định khung sẽ được ký kết trong chuyến công du lần này của tổng thống Nicolas Sarkozy.

Tranh luận tại Pháp về tuyên bố của Cantonna 

Vừa qua, cựu cầu thủ bóng đá kiêm diễn viên Eric Cantona đã kêu gọi mọi người đồng loạt rút hết tiền trong tài khoản ngân hàng để đánh sập hệ thống tài chính. Liberation dành trang nhất để phản sự kiện này.

Đầu tiên, đấy chỉ là sự khiêu khích của Cantona trong cao trào phản đối cải cách hưu bổng. Thế nhưng, hiện tại lời kêu gọi này đang là đề tài gây chú ý trên Internet và trong các cuộc trò chuyện của người dân.

Tác giả nhận định, sẽ sai lầm nếu mọi người chỉ tập trung vào phân tích tính khả thi của sáng kiến này. Quan trọng là mức độ gây chú ý của nó. Bằng chứng là nó đã tìm được sự hưởng ứng của nhiều người sau khi bị thất vọng về chính sách khắc khổ của chính phủ, với cớ là bảo vệ thị trường tài chính và cứu các ngân hàng.

Khi các cuộc đình công, biểu tình hầu như không hiệu quả, nhiều nhà trí thức và giới công đoàn cũng cho rằng cần phải thay đổi hình thức đấu tranh.

Được đưa lên mạng ngày 6/10, lúc đầu đề nghị của Cantona chỉ được các trang blog thể thao lấy lại. Những trang này khi ấy cho đó là một lời nói đùa của cựu cầu thủ bóng đá này. Thế nhưng, 1 tháng rưỡi sau, lời kêu gọi này bỗng trở nên ảnh hưởng. Những người ủng hộ đã hẹn ngày hành động và tạo ra một trang facebook và một trang Internet 7 ngôn ngữ với địa chỉ miền là bankrun2010.com. Phong trào này đã tập hợp được gần 60 000 người, họ hứa sẽ « có thể » hoặc « chắc chắn » rút hết tiền vào ngày 7/12.

Lời hứa này có đáng tin cậy không ? Theo tác giả, ngoài Cantona ra, anh này đảm bảo với Liberation sẽ có mặt ở ngân hàng vào ngày trên, còn lại thì khó mà chắc chắn. Trên trang Twitter, từ "Cantona" hay "bankrun2010" còn chưa phải là từ được đề cập đến nhiều nhất, nhưng, đề tài này được thảo luận liên tục trong nhiều ngôn ngữ.

Cuối cùng, Le Figaro thông tin về « Những kính viễn vọng dưới đáy biển có thể nghe được tiếng kêu của cá voi ». Trong khi nghiên cứu một phương pháp mới trong việc dò tìm âm thanh những neutrino vũ trụ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng dụng cụ này có thể dùng vào việc « nghe » thế giới dưới lòng đại dương. Thật ra, loài cá có vú dưới nước phát ra âm thanh cùng tầng số với những neutrino năng lượng cao do các ngôi sao phát ra.

Một nhà khoa học cho biết, những trao đổi âm thanh đóng vai trò chủ đạo trong đời sống cũa các sinh vật có vú dưới biển. Ông này hy vọng sắp tới người ta có thể biết nhiều hơn về chúng, vì hiện tại người ta còn biết rất ít về chúng. Nhất là đối với cá voi, loài cá này có thể « giao tiếp » với nhau ở khoảng cách hàng trăm cây số.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.