Vào nội dung chính

WikiLeaks tiết lộ : Một lãnh đạo Trung Quốc đã ra lệnh tấn công Google

Đầu năm 2010, tập đoàn tin học Mỹ Google loan báo sự kiện mạng máy tính của họ tại Trung Quốc bị tin tặc thâm nhập. Theo tài liệu mật của ngành ngoại giao Mỹ vừa bị WikiLeaks tiết lộ, đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, vào tháng giêng vừa qua, đã được mật báo là chính một lãnh đạo cao cấp Trung Quốc đã ra lệnh cho tin tặc tấn công Google.

Quảng cáo

Một bức điện của bộ Ngoại giao Mỹ, được website WikiLeaks công bố hôm qua, 04/12/2010, viết : "Một nguồn thạo tin đã xác định rằng chính phủ Trung Quốc đã điều phối các vụ xâm nhập vào hệ thống của Google trong thời gian gần đây. Theo nguồn tin đó, các hành động tổ chức rất chặt chẽ đã được chỉ đạo từ cấp Ban Thường vụ Bộ Chính trị."

Chính quyền Hoa Kỳ đã không kiểm chứng thông tin kể trên. Một quan chức Mỹ cao cấp xác nhận là đã có một bản báo cáo từ một nguồn duy nhất cho biết là các cuộc tấn công được chính phủ Trung Quốc chỉ đạo, nhưng phía Mỹ đã không thể chứng thực điều đó.

Vào hôm qua, nhật báo Mỹ New York Times, một trong những phương tiện truyền thông hiếm hoi được tiếp cận với các tài liệu mà WikiLeaks đang lần lượt công bố, đã tiết lộ thêm là theo một bức điện ngày 18/05/2009, ông Lý Trường Xuân, nhân vật số 5 tại Trung Quốc, Ủy viên ban Thường vụ Bộ Chính Trị, đã tức tối khi tìm kiếm tên ông bằng Hoa ngữ trên mạng Google quốc tế và thấy rằng ông bị chỉ trích nặng nề.

Theo tờ New York Times, bức điện vào tháng Giêng cho biết, chính ông Lý Trường Xuân là người ra lệnh hoặc tham gia phối hợp các cuộc tấn công Google. Tuy nhiên, nhật báo Mỹ nói thêm rằng một người thứ hai được bức điện nhắc đến, đã cho biết là dù « đích thân ông Xuân chỉ đạo một chiến dịch chống các hoạt động của Google tại Trung Quốc » nhưng theo sự hiểu biết của người này thì ông Xuân « không có vai trò gì trong vụ tấn công tin học ».

Nhưng tờ Times cho biết, bức điện mật vào tháng Giêng ghi nhận là chiến dịch xâm nhập vào hệ thống máy tính của Google đã được phối hợp dưới quyền giám sát của ông Lý Trường Xuân và một thành viên khác của Bộ Chính trị là ông Chu Vĩnh Khang, quan chức an ninh hàng đầu của Trung Quốc.

Bức điện tháng Giêng cũng trích dẫn một nguồn tin nói rằng các hoạt động "chống lại Google về bản chất mang tính ‘một trăm phần trăm’ chính trị". Một số nhà phân tích vào thời ấy từng suy đoán rằng các cuộc tấn công xuất phát từ mong muốn làm suy yếu Google để giúp cho Baidu, công cụ tìm kiếm Trung Quốc vươn lên.

Theo ghi nhận của nhật báo Mỹ The Washington Post, trong vòng 10 năm nay, Trung Quốc thường xuyên dò xét và đột nhập vào hệ thống máy tính Hoa Kỳ. Chiến dịch xâm nhập đầu tiên được ghi nhận mang mật hiệu Titan Rain, do thành phần tin tặc được chính quyền Bắc Kinh bảo trợ thực hiện. Thông tin, được tiết lộ vào năm 2005, cho biết là trong nhiều năm trời, một số lượng lớn dữ liệu từ hệ thống quân sự và hệ thống khác đã bị đánh cắp.

WikiLeaks cũng tiết lộ một bức điện mật hồi tháng 11/2008 cho biết, các định chế chính quyền Mỹ là đối tượng bị tin tặc từ Trung Quốc tấn công từ năm 2002. Từ một quy mô nhỏ ban đầu, chiến dịch đã trở thành to lớn hơn, nhắm vào quân đội và bộ Năng lượng Hoa Kỳ, cũng như các hệ thống tin học của khu vực tư nhân. Mục đích, theo bức điện mật này, là « lấy về với khối lượng lớn các dữ liệu nhạy cảm."

Tóm lại, các bức điện mới được WikiLeaks tiết lộ đã chứng tỏ một điều: Giới ngoại giao Mỹ đã đồng ý với kết luận của các nhà nghiên cứu độc lập, theo đó, chính quyền Trung Quốc, cụ thể là quân đội, đã làm việc chặt chẽ với những kẻ gọi là "tin tặc yêu nước" để đi đánh cắp thông tin, mang về làm lợi cho nhà nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.