Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Mỹ và các đồng minh châu Á tìm chiến lược đối phó với Bình Nhưỡng

Hôm nay, 06/12/2010,  ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp hai đồng nhiệm Nhật Bản và Hàn Quốc tại Washington, để thảo luận về chiến lược đối phó với Bắc Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh, cuộc gặp cho thấy « sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm của ba nước trong việc bảo đảm an ninh trên bán đảo Triều Tiên và ổn định trong khu vực ».

Khu trục hạm Nhật Bản Ikazuchi (T) di chuyển cạnh hàng không mẫu hạm  Mỹ George Washington (P) ngày 05/12/2010 nhân cuộc tập trận nhằm răn đe Bắc Triều Tiên.
Khu trục hạm Nhật Bản Ikazuchi (T) di chuyển cạnh hàng không mẫu hạm Mỹ George Washington (P) ngày 05/12/2010 nhân cuộc tập trận nhằm răn đe Bắc Triều Tiên. REUTERS/U.S. Navy
Quảng cáo

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Bắc Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc, ngày 23/11 vừa qua, làm 4 người thiệt mạng, trong đó có hai thường dân, và để răn đe Bắc Triều Tiên, quân đội Mỹ-Hàn đã tiến hành một cuộc tập trận, với sự tham gia của hàng không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington trong khu vực Hoàng Hải.

Song song với cuộc tham khảo ba bên tại Washington, cũng từ ngày hôm nay, Hàn Quốc khai mở một cuộc tập trận khác, trên quy mô lớn và kéo dài trong 5 ngày.

Theo nhật báo Washington Post, trích dẫn một quan chức Hoa Kỳ xin giấu tên, thì dường như chính quyền Mỹ đang xem xét việc thay đổi cách tiếp cận trong quan hệ với Trung Quốc, theo đó, trong các cuộc tiếp xúc giữa quan chức hai nước tại Bắc Kinh hay Washington, phía Mỹ nói rằng Trung Quốc đã làm ngơ, cho phép Bình Nhưỡng khởi động chương trình làm giàu urnium, vi phạm các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, để cho quân đội Bắc Triều Tiên bắn pháo sang Hàn Quốc, không tôn trọng hiệp định đình chiến 1953.

Nguồn tin trên còn cho biết là Washington đang tính tới việc việc thắt chặt quan hệ với hai đồng minh châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể lập ra một khối chống Trung Quốc trong khu vực Đông Á.

Theo giới quan sát, các cuộc tập trận phô trương sức mạnh ở Hoàng Hải và cuộc thảo luận giữa ba ngoại trưởng ở Washington đã dồn Bắc Kinh vào thế cô lập, bởi vì Trung Quốc vẫn nâng đỡ đồng minh Bắc Triều Tiên. Vào lúc tình hình trên bán đảo Triều Tiên căng thẳng, Bắc Kinh không lên án vụ pháo kích của Bình Nhưỡng mà lại kêu gọi nhóm họp khẩn cấp hội nghị 6 bên về phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên.

Đây là lá bài cũ mà Trung Quốc thường sử dụng sau mỗi hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, lần này, Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã thẳng thừng từ chối đề nghị của Trung Quốc và cho rằng việc nối lại vòng đàm phán sáu bên chỉ hữu ích nếu Bắc Triều Tiên có biểu hiện muốn thực sự từ bỏ ý đồ chạy đua vũ trang.

Theo ông Alan Romberg, nguyên là phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ, hiện phụ trách chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson, thì cuộc gặp của ba ngoại trưởng ở Washington nhằm đưa ra « tín hiệu là Mỹ chưa sẵn sàng quay lại bàn đàm phán sáu bên vào lúc này ». Mặc dù trước đó, Hoa Kỳ có tham khảo Trung Quốc, nhưng Washington muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thảo luận với các đồng minh châu Á.

Theo AFP, ngày 02/12/2010, tại Kazakhstan, nhân hội nghị cấp cao Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, OSCE, ngoại trưởng Mỹ đã gặp đồng nhiệm Trung Quốc và Nga để bàn về hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn mạnh, cuộc gặp cấp ngoại trưởng ngày hôm nay cho thấy « sự phối hợp chặt chẽ giữa Washington, Tokyo và Seoul và quyết tâm của ba nước trong việc bảo đảm an ninh trên bán đảo Triều Tiên và ổn định trong khu vực ».

Theo chuyên gia Romberg, ngoại trưởng ba nước sẽ bàn đến việc tổ chức các cuộc tập trận, di chuyển quân, triển khai lực lượng và có thể thảo luận cách thức làm việc tốt nhất với Trung Quốc trong hồ sơ Bắc Triều Tiên.

Theo như tiết lộ của báo Washington Post, thì sự bực bội của Mỹ đối với Trung Quốc đã thể hiện rõ từ hồi tháng sáu vừa qua, khi tổng thống Barack Obama tố cáo Bắc Kinh hoàn toàn nhắm mắt, giữ thái độ im lặng trong vụ Bắc Triều Tiên bị nghi ngờ bắn chìm tàu Hàn Quốc vào tháng ba năm nay.

Việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc phải gánh chịu một phần trách nhiệm trong hồ sơ Bắc Triều Tiên là một sự thay đổi lập trường của chính quyền Obama trong quan hệ với Bắc Kinh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.