Vào nội dung chính
NOBEL HÒA BÌNH

Tranh cãi Oslo - Bắc Kinh về số nước sẽ tham dự lễ trao giải Nobel Hòa Bình

Có lẽ Bắc Kinh là chế độ duy nhất trên thế giới vận động gây sức ép để làm hỏng một buổi lễ vinh danh một người con của đất nước. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố là « hơn 100 nước » ủng hộ Trung Quốc tẩy chay lễ vinh danh Lưu Hiểu Ba. Tuy nhiên tại Oslo, ban tổ chức cho biết chỉ có 19 nước từ chối tham dự với nhiều lý do khác nhau.

Biểu tình ở Hồng Kông đòi trả tự do cho Nobel Hoà bình 2010, Lưu Hiểu Ba,  ngày 05/12/2010
Biểu tình ở Hồng Kông đòi trả tự do cho Nobel Hoà bình 2010, Lưu Hiểu Ba, ngày 05/12/2010 Reuters
Quảng cáo

Theo AFP, hôm nay 7/12/2010, tại Bắc Kinh, bà Khương Du, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố là « đại đa số » quốc gia sẽ không tham dự lễ trao giải Nobel Hòa bình. Người phát ngôn này khẳng định là đã có « trên 100 quốc gia » ủng hộ Trung Quốc và Ủy ban Nobel chỉ là « bọn hề ».

Tuy nhiên chỉ vài phút sau đó, tại Oslo, đích thân giám đốc Viện Nobel, ông Geir Lundestad đã nhẹ nhàng, nhưng dứt khoát bác bỏ luận điểm của Trung Quốc. Viện Nobel cho biết đã có 44 đại sứ xác nhận tham dự. Chỉ có 19 nước từ chối và đưa ra những lý do khác nhau, chẳng hạn như đại sứ Nga cáo lỗi vì thời gian không cho phép.

Theo Viện Nobel thì trong số 19 nước sẽ vắng mặt, ngoài Trung Quốc còn có Nga, Việt Nam, Cuba , Venezuela, Colombia, Kazakhstan, Tunisie, Maroc, Ai Cập, Sudan, Afghanistan, Ả Rập Xê Út, Pakistan, Ukraina, Serbia, Irak, Iran và Philippines. Hiện còn Algérie và Sri Lanka chưa trả lời.

Trong cuộc họp báo sáng nay tại Oslo , giám đốc Viện Nobel nói rằng chỉ cần « nhìn vào các con số này thì biết ngay là đại đa số quốc gia được mời sẽ tham dự » lễ vinh danh ông Lưu Hiểu Ba vào ngày thứ sáu 10/12 sắp tới .

Bất bình vì Ủy ban Nobel Hòa bình đã chọn tù nhân Lưu Hiểu Ba, một nhà tranh đấu chính trị ôn hòa, để trao giải Nobel 2010, Bắc Kinh đã công khai gây sức ép, với các nhà ngoại giao và tổ chức phi chính phủ để họ tẩy chay lể phát giải.

Ngoài biện pháp đe dọa trả đũa thương mại với các nước ngoài, chính quyền Trung Quốc còn cô lập gia đình và bạn hữu của giáo sư Lưu Hiểu Ba không cho xuất ngoại. Vì không một người nào trong gia đình tới được Oslo nhận giải thưởng khoảng 1 triệu đôla, nên Ủy ban Nobel Hòa bình phải thay đổi chương trình biến lễ trao giải thành lễ vinh danh.

Một trong số nạn nhân mới nhất của chính sách trấn áp của Trung Quốc, là một nhà hoạt động nhân quyền họ Trương, mang quốc tịch Úc, bị chận tại phi trường Thượng Hải khi ông từ Úc sang Na Uy quá cảnh tại Thượng Hải. Sau 24 giờ câu lưu, cảnh sát Trung Quốc trục xuất ông trở lại Úc. Hôm nay nhà tranh đấu này đã viết thư ngỏ cho bộ ngoại giao Úc tường trình vụ việc và yêu cầu phản đối Bắc Kinh.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.